10 quy tắc vàng để trở thành một triệu phú, đừng để lỡ chúng khi bạn còn quá trẻ!
"Tôi đã nhiều lần trở thành triệu phú, theo những bước đi đơn giản mà tôi sẽ liệt kê dưới đây cho bạn. Bạn hoàn toàn có thể làm theo chúng nếu bạn muốn", Stace Jonhson, một nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp ở Mỹ viết trên The MoneyTalkNews.
Dưới đây là những cách thức tốt nhất (best of the best) mà bạn có thể lạc quan và tự tin áp dụng để giúp mình ngày một giàu có hơn.
1. Không bao giờ tiêu tiền nhiều hơn số tiền mà bạn kiếm được
Từ khi 10 tuổi, tôi đã làm công việc cắt cỏ để kiếm được thêm khoản tiền để tiêu ngoài số tiền tiêu vặt ít ỏi mà bố mẹ cho. Chỉ vài phút sau khi nhận được những đồng tiền đầu tiên do mình làm ra, mẹ tôi đã tống tôi vào xe hơi và chở đến ngân hàng để tôi mở tài khoản ngân hàng đầu tiên.
50 năm sau, ưu tiên số 1 của tôi vẫn là tiết kiệm các khoản tiền mà tôi kiếm được và không bao giờ tiêu quá số tiền mà mình có được.
Tất nhiên, trong cuộc đời thì không phải lúc nào cũng vậy nhưng về cơ bản, tôi luôn làm theo nguyên tắc như vậy. Làm giàu cho bản thân mình bằng cách tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được bởi điều chắc chắn là bạn sẽ nghèo hơn nếu bạn vung tay quá trán, tiêu nhiều hơn số tiền bạn có thể kiếm.
2. Hãy tránh vay mượn như 'tránh dịch hạch'
Đa phần người ta đều nghĩ vay nợ là điều không thể tránh khỏi, và là 1 phần trong cuộc sống bình thường. Người ta thường phân chia các món nợ ra thành 'nợ tốt' và 'nợ xấu'. Và họ nói liên tu bất tận về những món nợ, như những điều huyền bí của toán học vậy.
Về cơ bản, nợ không phải là điều gì đó quá phức tạp. Nhưng hãy nhớ rằng việc bạn trả tiền cho người khác bằng cách mượn tiền tạm thời của họ chỉ là cách khiến bạn nhanh nghèo hơn đi mà thôi. Và việc bạn cho người khác vay lãi chính là cách để bạn ngày một giàu lên.
Do vậy, hãy chỉ vay tiền và trả lãi (bởi điều đó khiến bạn nghèo đi) trong hai tình huống không thể tránh được như sau: Khi bạn buộc phải vay tiền để tồn tại; Khi mà khoản vay giúp bạn sinh lời nhiều hơn số lãi mà bạn phải trả. Đừng bao giờ vay tiền khi khoản tiền mà bạn đi vay giúp bạn sinh sôi nảy nở ra nhiều tiền hơn nhé.
3. Hãy mua vào lúc mọi người hoảng sợ, và bán ra khi mọi người nghĩ rằng họ sẽ không bị mất mát
Những người giàu có xuất hiện khi nền kinh tế bắt đầu bùng nổ, nhưng cách thức mà họ làm giàu thì không diễn ra như vậy.
Bạn tiếp tục làm giàu bằng việc đầu tư khi người khác không làm như vậy: Khi lượng người thất nghiệp gia tăng, thị trường lao dốc, ai nấy đều sợ hãi bởi trước mặt họ không có gì ngoài nỗi sợ và đau khổ.
Mọi người ai trong chúng ta cũng biết là nền kinh tế hoạt động theo các chu kỳ và những giai đoạn xấu sẽ diễn ra một cách định kỳ. Bản chất tự nhiên của con người là sẽ 'đông cứng' lại vào mỗi thời điểm xấu. Nhưng giai đoạn khó khăn đó sẽ chẳng hề hấn gì nếu bạn đã có những khoản tiền tiế kiệm.
Nếu bạn nghĩ là thế giới đang dần đi đến giai đoạn kết thúc thì hãy tích trữ đồ hộp và 1 khẩu súng (nếu có thể). Nhưng nếu bạn không nghĩ là vậy thì hãy tiến lên. Hãy nhớ đến lời khuyên của nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi".
4. Hãy là người giàu đích thực chứ không chỉ 'giàu vì bề ngoài'
Khi còn làm nhà tư vấn đầu tư ở Phố Wall, tôi nhanh chóng nhận ra rằng những người đang có cả tấn tiền nhìn bề ngoài lại không phải như vậy. Và họ chắc chắn không làm ra vẻ như vậy.
Thế vậy thì những người ăn mặc bảnh bao và thường lái những chiếc xe Porches là ai? Ồ, thực ra họ là những người kiếm sống bằng cách bán hàng cho những người giàu có.
Tôi không nhớ lần cuối cùng mình bận đồ đẹp là khi nào. Tôi chả bao giờ có xe ô tô mới và tôi đang sống trong căn nhà có giá trị chỉ bằng 1/3 căn nhà mà tôi có thể mua cho mình.
Khi bạn chuyển các khoản tiền có thể đầu tư vào quần áo đẹp, xe hơi, ngôi nhà lộng lẫy thì bạn có thể tạo ra được một bề ngoài giàu có, nhưng bạn lại ngăn mình trở thành một người thực sự giàu có sau này.
5. Sống như thể ngày mai bạn sẽ chết nhưng đầu tư như thể bạn sống tới vĩnh hằng
Bạn luôn cố gắng để có được nhiều thứ nhất trong cuộc sống mỗi ngày. Đơn giản bởi ngày mai có thể bạn sẽ chết. Nhưng hãy nghĩ lại là, chắc gì ngày mai mình đã chết. Vậy thì hãy vứt ý nghĩ tồi tệ kia ra khỏi đầu càng nhanh càng tốt, và sẵn sàng chuẩn bị đầu tư cho một cuộc sống dài lâu nhất có thể.
6. Có tới sáu cách để làm giàu đó, các bạn à !
Hãy nhớ là bạn chỉ có thể làm giàu với 6 cách sau đây:
- Cưới một người giàu có
- Thừa kế một gia tài
- Có một tài năng độc nhất vô nhị và biết cách khai thác nó
- Có một sự may mắn đặc biệt
- Sở hữu hoặc điều hành một doanh nghiệp đang ăn ra làm nên
- Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được và dùng số tiền tiết kiệm để đầu tư khôn khéo, trong một khoảng thời gian dài hạn
Cho dù bạn đang nhắm tới 1 trong 5 mục tiêu đầu tiên thì hãy nhớ thực hành điều thứ 6 và chắc chắn rằng bạn sẽ giàu có trong một ngày gần nhất.
7. Liều ăn nhiều
Dù cho đó là tiền bạc, tình yêu hay nói chung ra là cuộc sống, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng một khi bạn dám chấp nhận thử thách, chấp nhận rủi ro.
Khi nói đến tiền, chấp nhận rủi ro đồng nghĩa với việc bạn sẵn sàng đầu tư vào những thứ mà giá trị có thể thay đổi, giảm đi như chứng khoán, bất động sản, hay một doanh nghiệp.
Nhưng như cha tôi vẫn thường hay nói: Bạn có thể làm được gì khi cứ như một chú ếch ngồi đấy giếng?
Đầu tư mạo hiểm thông thường lại được hưởng các khoản lợi nhuận kếch sù. Và khoản lợi nhuận bổ sung đó lại tạo ra sự khác biệt so với những khoản đầu tư thận trọng thông thường của bạn.
Cụ thể hơn nhé, nếu bạn đầu tư 300 USD trong vòng 30 năm, với khoản lợi tức cỡ 12%/năm thì bạn sẽ kiếm được hàng trăm nghìn USD khi bạn về hưu. Điều này rõ ràng khác biệt với cùng món tiền đó nhưng khoản lãi mỗi năm chỉ dừng lại ở mức 2%.
Chấp nhận rủi ro chính là khác biệt giữa việc làm giàu và giàu có.
Nói vậy thì phải chăng chấp nhận rủi ro đồng nghĩa với việc đánh bạc? Không hoàn toàn như vậy bởi bạn hãy chấp nhận các rủi ro có thể đo lường được. Hãy hạn chế tối đa rủi ro bằng cách hiểu mọi chuyện trước khi đầu tư. Hãy nhớ các nguyên tắc cơ bản trong đầu tư: Không bỏ toàn bộ trứng trong cùng 1 giỏ và rút các kinh nghiệm từ những thất bại trước kia của chính mình. Không chỉ thế, hãy học hỏi kinh nghiệm từ sai lầm của những người khác nữa. Điều đó mới quan trọng.
8. Đừng trao trách nhiệm làm giàu của mình cho người khác
Khi bạn thực hiện một cuộc phẫu thuật, bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng giao số phận của mình cho người khác. Nhưng hay nhớ là đối với tiền bạc, dù cho người tư vấn của bạn giỏi đến thế nào, thông tin tới cỡ nào, bạn phải có trách nhiệm với tiền bạc của bạn hơn bất kỳ ai khác. Do vậy, nếu không tự mình làm được mọi thứ thì ít nhất bạn phải kiểm soát được mọi thứ, hiểu chính xác được điều mà mọi thứ đang diễn ra.
Về cơ bản thì bất kỳ ai cũng có thể điều khiển được tình hình tài chính của mình. Nhưng trong trường hợp bạn không thể chịu trách nhiệm cho số tiền của mình thì hãy gửi chúng vào ngân hàng. Bằng cách đó, bạn sẽ không bị gạt ra ngoài, phá hỏng hay đổ lỗi cho người khác về các vấn đề của chính mình.
9. Biết đủ là đủ (biết ít thông tin lại là điều tốt)
Cách đây khoảng 15 năm, tôi đã bỏ 2.000 USD để mua cổ phiếu của Apple. Cách đây vài năm, tôi đã bán đi nửa số cổ phiếu đó, và lại bán thêm chút ít vào năm ngoái. Nhưng giờ thì lượng cổ phiếu Apple mà tôi nắm giữ vẫn còn khoảng giá trị cỡ 500.000 USD.
Nếu tôi đọc tin tức mỗi ngày và phản ứng với sự lên xuống của thị trường thì chắc hẳn tôi đã bán sạch số cổ phiếu Apple và giờ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi rồi.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua các cổ phiếu có chất lượng và giữ chúng trong thời gian dài. Còn nếu muốn tự hại bản thân, hãy mua các cổ phiếu chất lượng tốt, rồi bán đi khi giá của chúng xuống đáy hoặc khi bạn thấy ai đó đang bán tống bán tháo, hay khi bạn đọc thấy các thông tin bất lợi.
10. Thời gian không phải là tiền bạc, mà tiền bạc mới là thời gian
Cái thời mà người ta nói: Thời gian là tiền bạc đã qua lâu rồi. Rõ ràng thời gian là thứ tài nguyên không bao giờ tái tạo được đối với bạn. Khi mọi thứ đã qua, nghĩa là tất cả đã chấm dứt.
Vì vậy, một mẹo tốt ở đây là hãy dùng càng nhiều thời gian hữu hạn của bạn để làm thứ mà bạn muốn, chứ không phải để người khác làm hộ cái việc mà bạn đáng ra phải làm. Ở đây, tiền chính là thứ phương tiện giúp bạn làm được điều đó.
Nếu bạn đến một trung tâm mua sắm và bỏ 200 USD ra để mua quần áo, nghĩa là bạn đã đầu tư 200 USD cho quần áo. Nhưng nếu bạn giữ lại 200 USD đó là đầu tư với mức lãi vỡ 12%/năm, trong 30 năm sau đó, bạn sẽ kiếm được cỡ khoảng 6.000 USD. Bỏ qua các yếu tố lạm phát và mất giá, giả sử bạn chi mỗi tháng khoảng 3.000 USD khi nghỉ hưu, số tiền nói trên đã giúp bạn nghỉ hưu sớm được 2 tháng.
Tất nhiên, bạn cần có quần áo để mặc, nhưng không cần thiết bạn phải chi tới 200 USD cho quần áo và hãy nhớ là bạn có thể chi ít hơn nhiều cho số quần áo bạn muốn mua.
Tất cả tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Mặc quần áo diện cho hôm nay hay trong tương lai? Nếu bạn chọn diện trước thì hãy nhớ là tương lai của bạn sẽ nghèo hơn Và ngược lại, nếu dành số tiền đó để đầu tư, tương lai của bạn chắc chắn sẽ giàu có hơn đó. Bạn sẽ chọn điều gì?