10 thủ tục hành chính mới, sửa đổi trong lĩnh vực nhà ở
Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 705/QĐ-BXD công bố thủ tục hành chính ban hành mới, thủ tục hành chính được thay thế, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực nhà ở.
Theo đó, có 3 thủ tục hành chính ban hành mới gồm: Giải quyết bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung; giải quyết chuyển quyền sử dụng đất liền kề nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.
Cụ thể, về thủ tục hành chính cấp tỉnh, thủ tục giải quyết bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung đối với quy định tại khoản 1 Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP được thay thế bằng Khoản 21 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP.
Thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất liền kề nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được hiện theo Khoản 21 điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.
Thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.
Danh mục thủ tục hành chính thay thế trong lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó, lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có thủ tục thay thế là "Thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng (trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.
6 thủ tục sửa đổi, bổ sung, gồm: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư; gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho cá nhân, tổ chức nước ngoài; thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước; cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.
Được biết, ngày 26/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Trong đó, nổi bật là quy định về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP thời gian qua gây nhiều tranh cãi về việc liệu có làm ách tắc dự án nhà ở trong thời gian tới hay không.
Cụ thể, Hiệp Hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP làm “ách tắc” tất cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất “các loại đất khác không phải là đất ở”, phù hợp với quy hoạch, nhưng sẽ không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong lúc Luật Đất đai 2013 cho phép nhà đầu tư được “nhận chuyển quyền sử dụng đất” (gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư); Luật Đầu tư 2020 xem xét “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất” và Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 quy định “chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định Nghị định số 30/2021/NĐ-CP “không gây ách tắc, phiền hà như một số ý kiến mà còn mở rộng, tạo điều kiện hơn cho nhiều nhà đầu tư được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở so với quy định trước đây”.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng quan ngại về việc bổ sung trường hợp nhà đầu tư có các loại đất khác thông qua nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất chuyên dùng (không phải là đất ở) cũng được xem xét chấp thuận, hoặc chỉ định làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại gây thất thu cho ngân sách nhà nước; việc đầu tư dự án nhà ở thương mại theo phong trào; gây lãng phí tài nguyên đất đai, phát sinh nhiều tranh chấp, là không có căn cứ pháp luật và thực tiễn.