2014 - năm của các kỷ lục
(Tài chính) Dù chưa qua hẳn khó khăn, mức tăng trưởng chưa hồi phục bằng với các năm trước, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2014 đã ghi nhận sự xuất hiện của một loạt kỷ lục mới. Và quan trọng hơn, phần lớn những kỳ lục ấy đều làm lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.
1. Lạm phát thấp nhất trong 10 năm
Tổng cục Thống kê trong Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, cho biết CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây.
Trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%. Đây là mức tăng dưới cả kế hoạch của Chính phủ (5%). Không chỉ vậy, Tổng cục Thống kê dự báo, do tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, dự kiến mức tăng CPI trong năm 2015 cũng chỉ ở mức 4 - 5% so với năm 2014. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, mức tăng CPI trong năm 2014 của Việt Nam là 4,09 so với năm 2013 là đã tiệm cận mức tăng CPI trong điều kiện bình thường của các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
2. Xuất siêu cao nhất từ trước đến nay
Dự kiến, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu 48,4 tỷ USD, tăng 10,4%, FDI đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2014 ước đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Khu vực FDI đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%. Nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 22,5 tỷ USD, tăng 20,2%, nhập khẩu vải đạt 9,5 tỷ USD, tăng 14%, nhập khẩu xăng dầu đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,3%, nhập khẩu bông đạt 1,4 tỷ USD, tăng 22,7%, nhập khẩu ô tô đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 117,3%.
Như vậy, Việt Nam đã đạt giá trị xuất siêu trên 2 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo năm 2015, Việt Nam sẽ nhập siêu trở lại.
3. Giá dầu biến động theo hướng có lợi
Nửa cuối năm 2014 ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ của giá dầu trên thế giới, với mức giảm lên tới 50%. Giá xăng dầu giảm mạnh đã trở thành tác nhân mạnh nhất giúp bình ổn giá cả, giúp chỉ số CPI tăng dưới chỉ tiêu Quốc hội giao.
Với 22 lần điều chỉnh tăng và giảm, năm 2014 cũng ghi nhận một "kỷ lục" trong điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam. Về cơ bản, giá xăng, dầu bán lẻ đã giảm mạnh, ở mức trên 30% và đó là một điều may mắn. Vì nếu giá dầu thế giới chỉ tăng, không giảm, thì chỉ một nửa số 22 lần điều chỉnh tăng giảm giá xăng dầu đã có thể khiến mặt bằng giá hàng tiêu dùng toàn xã hội biến động mạnh.
Tuy nhiên, số lần điều chỉnh tăng, giảm quá nhiều cho thấy sự bất ổn của cơ chế điều hành giá xăng dầu khi không tạo được tính ổn định như là giá chuẩn để tính toán phần lớn giá hàng hóa, chi phí khác.
4. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt kỷ lục mới
Năm 2014, lần đầu tiên, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đã đạt kim ngạch 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng rất cao. Chẳng hạn như xuất khẩu cafe tăng tới 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, và gạo (không kể tiểu ngạch) tăng 5,3%...
Có đến 10 mặt hàng nông sản lọt vào "Câu lạc bộ tỷ đô", với kim ngạch từ một tỷ USD trở lên. Bao gồm gạo, cafe, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản...
5. Lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm qua
Năm 2014 tiếp tục ghi nhận thành công của chính sách tài chính-tiền tệ khi dần đưa mặt lãi suất huy động, cho vay giảm dần. Hiện lãi suất cho vay và huy động đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo đó, lãi suất cho vay với nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… ở mức 7 - 8%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh ở mức 9 - 10%/ năm đối với ngắn hạn, 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với huy động, lãi suất tối đa với tiền gửi VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%. Tiền gửi bằng USD có lãi suất tối đa của tổ chức là 0,25%/ năm và tiền gửi của cá nhân là 0,75%/năm.
6. Vượt thu ngân sách trong khó khăn
Dự kiến, thu ngân sách năm 2014 sẽ đạt trên 846.190 tỷ đồng, bằng 106,2% dự toán và đảm bảo mức đã báo cáo Quốc hội.
Trong đó, thu nội địa đạt 105% dự toán, thu từ dầu thô đạt 118,4% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,5% dự toán. Đây là mức tăng thu kỷ lục, ngay trong giai đoạn kinh tế vẫn còn khó khăn và mới có dấu hiệu hồi phục. Thể hiện cụ thể ở tăng trưởng GDP, dù đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
và đạt 5,8% so với năm 2013, nhưng chưa quay trở lại tốc độ cũ. Năm 2015, Quốc hội và Chính phủ giao nhiệm vụ ngành tài chính dự toán thu ngân sách nhà nước phải đạt 911.100 tỷ đồng.
7. Sửa đổi nhiều luật quan trọng nhất với doanh nghiệp
Với đa số phiếu tán thành, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 đã biểu quyết thông qua khá nhiều quy định mới. Trong đó, quan trọng nhất là thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi. Hai luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành vào giữa năm 2015.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, với 10 chương, 213 điều. Luật Đầu tư sửa đổi lần này theo hướng "chọn bỏ", tức là chỉ quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Từ đây, Luật Đầu tư sửa đổi đã thu hẹp số ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư từ số 51 xuống còn 6 ngành, nghề, được tổng hợp ngay trong văn bản Luật Đầu tư.
8. Tốc độ kỷ lục về cải cách hành chính
Trong vỏn vẹn 3 tháng cuối năm 2014, các cơ quan chức năng, với trọng tâm là Bộ Tài chính, đã làm một cuộc cải cách hành chính thần tốc, với kết quả đạt được chưa từng có trong lĩnh vực quản lý thủ tục về thuế, hải quan…
Theo đó, thời gian trung bình để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục nộp thuế từ mức 537 giờ về mức 290 giờ, ngang bằng với "top" các nước phát triển trong khu vực. Bộ Tài chính phấn đấu sẽ tiếp tục giảm thời gian nộp thuế xuống còn 167 giờ vào năm 2015.
Với thủ tục Hải quan, đã bãi bỏ thêm 12 thủ tục, xuống còn 164 thủ tục như hiện đang áp dụng. Bước đầu triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW), cho phép doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất để thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Từ đó, rút cắt giảm từ 10 đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.
Nếu hoàn thành thực hiện toàn bộ NSW trong năm 2015, thời gian thông quan hàng hóa của Việt Nam sẽ giảm từ bình quân 21 ngày xuống còn 16,5 - 17 ngày.