2015: Vàng tiếp đà giảm, USD tăng giá
(Tài chính) Sức khỏe đồng USD đang được hỗ trợ khi kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm. Đáng chú ý, khi nhiều ý kiến chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tái tăng lãi suất cơ bản đồng USD, khi dấu hiệu hồi phục kinh tế dần rõ nét. Điều đó sẽ tạo áp lực lên giá vàng, tỷ giá USD/VND.
Vàng vẫn trong xu hướng giảm?
Giá vàng liên tục giảm trong những ngày cuối năm 2014 và đang nằm ở vùng giá khá thấp, xoay quanh 1.195 USD/ounce. Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, sở dĩ giá vàng giảm mạnh gần đây là do chỉ số Dollar Index tăng lên rất cao, gần 90 điểm, trong khi đó, các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ tương ứng như euro và đồng yen Nhật đã mất giá so với đồng USD.
Đặc biệt, chính sách Abe nomic (đẩy lạm phát của Nhật tăng lên) đã làm cho đồng yen ngày càng mất giá, 1 USD hiện “ăn” hơn 110 yen. Đó chính là lý do làm cho đồng USD mạnh lên và ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng. Thứ hai là Ủy ban Thị trường mở của Mỹ (FOMC) dự báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại nên đã dự kiến một lộ trình trong gần 1 năm nay về việc Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD, dự kiến tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau.
“Nếu điều này xảy ra thì sức khỏe của đồng USD sẽ càng mạnh hơn. Khi đó, dòng chảy của 4.000 tỷ USD trên toàn thế giới sẽ đổ về Mỹ. Các nhà đầu tư, đầu cơ sẽ bán tháo vàng để mua USD trả nợ, kiếm chênh lệch lãi suất... Các yếu tố này sẽ khiến giá vàng giảm thêm trong thời gian tới”, ông Hải nhận định.
Ngoài ra, theo ông Hải, trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là từ tháng 6/2014 đến nay, có một yếu tố tương quan tác động đến giá vàng, mà ít thấy các nhà phân tích để ý, đó chính là giá dầu thô. Từ nhiều thập kỷ nay, vàng và dầu thô luôn là “cặp bài trùng” trong cơ cấu danh mục của nhà đầu tư. Dầu được định giá bằng đồng USD, khi giá dầu giảm, đồng USD sẽ dần mạnh lên. Trong yếu tố tương quan gián tiếp khi giá dầu giảm, đồng USD mạnh sẽ làm cho giá vàng mất đi sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, vàng sẽ giảm tới đâu và khả năng có xuyên thủng đáy 1.000 USD/ounce hay không, chưa có cơ sở để dự báo, mà còn phụ thuộc vào cơ cấu danh mục của giới đầu cơ, đầu tư tài chính. Có thể, trong xu hướng giảm của giá vàng, cũng không loại trừ những con sóng nhỏ xảy ra, vàng sẽ tái tăng, song mức tăng không đáng kể.
Tuy giá vàng thế giới đang trên đà giảm, kéo theo giá trong nước đi xuống, nhưng tốc độ giảm của giá vàng trong nước vẫn chậm hơn so với giá thế giới. Vì thế, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn ở biên độ rộng, khoảng 4,5-5 triệu đồng/lượng.
Theo nhận định của chuyên gia lĩnh vực vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, độ vênh của giá vàng trong nước và quốc tế sẽ còn giữ ở mức khá cao, vì lượng cung vàng trên thị trường nội địa hiện không còn dồi dào như trước. Vàng SJC bị ảnh hưởng bởi độc quyền nguồn cung từ Ngân hàng Nhà nước kể từ khi Nghị định 24/2012 đến nay. Trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước dừng hoạt động đấu thầu vàng, hạn chế nguồn cung vàng ra thị trường, thì độ vênh 5 triệu đồng/lượng giữa giá vàng thế giới và trong nước hiện nay được xem là một trong những chủ ý của nhà hoạch định chính sách, điều hành thị trường làm cho giới đầu cơ, đầu tư trên thị trường chán vàng, không còn muốn tích trữ vàng SJC.
Theo giới kinh doanh vàng, những người có tiền đã mua vàng ở mức giá cao 38-40 triệu đồng/lượng trong 2-3 năm trước, hiện vàng giảm xuống 34,5 -35 triệu đồng/lượng, họ thấy lỗ nên chưa có ý định bán vàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, thị trường bất động sản, TTCK, ngoại tệ khá trầm lắng và chưa thể kỳ vọng sớm tăng trở lại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm xuống thấp.
Tính theo giá thế giới thì vàng SJC hiện chỉ khoảng 31 – 32 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng trong nước về mức này, lực cầu vàng sẽ rất cao, vì các nhà đầu tư, đầu cơ đã mua vàng ở vùng giá cao trước đây (38-40 triệu đồng/lượng) sẽ mua vào để cân bằng giá. Tuy nhiên, thực tế là giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến 5 triệu đồng/lượng, việc mua vàng lúc này tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, do khó đoán định được đường đi của chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN trong thời gian tới cũng như diễn biến của giá vàng thế giới.
Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có sự cam kết mạnh mẽ rằng, tỷ giá trong năm 2015 sẽ không tăng quá 2%, đồng thời dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Từ đó, giới phân tích vàng đưa ra nhận định, nếu tỷ giá hối đoái tăng không quá 2% trong năm sau thì giá vàng chỉ tăng cao nhất không quá 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện nay vẫn nằm trong tích số của giá vàng thế giới và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, sức ép từ sự hồi phục của đồng USD vẫn lớn lên giá vàng và tiền đồng.
Đồng USD hồi phục gây sức ép lên tỷ giá
Theo giới phân tích, đồng USD tăng giá sẽ tạo sức ép lên tiền đồng trong thời gian tới. Báo cáo của Viện Nghiên cứu ADP vừa đưa ra cho biết, trong tháng 11/2014, khu vực tư nhân của nền kinh tế Mỹ tạo thêm được 208.000 việc làm mới, sau khi tăng 210.000 việc làm trong tháng 10.
Viện Quản lý cung ứng (ISM) cũng cho biết, chỉ số PMI dịch vụ của Mỹ tăng từ 57,1 điểm trong tháng 10 lên 59,3 điểm trong tháng 11/2014, vượt dự đoán 57,3 điểm của giới phân tích và cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm qua. Mỹ tiếp tục dẫn đầu xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Mỹ ngày càng toàn diện và tự chủ. Chỉ số đồng USD đang tăng khá mạnh và đạt mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay.
Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cho rằng, lạm phát của Mỹ và Việt Nam khác nhau, vì thế, khả năng khi Fed tái tăng lãi suất cơ bản của đồng USD thì tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ thay đổi vào năm 2015 (sớm nhất có thể xảy ra vào tháng 3/2015) theo hướng đồng VND giảm giá.
Theo ông Glenn Maguire, đồng USD đang lên giá không chỉ so với tiền đồng mà còn lên giá so với các đồng tiền khác trên thế giới. Tuy nhiên, VND và một số đồng tiền khác trên thế giới đang được kiểm soát.
Thời gian qua, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá có kiểm soát và ông Glenn cho rằng, điều này sẽ được duy trì trong năm sau, khả năng biên độ tăng có thể lên 3%, thay vì tối đa 2% như NHNN đưa ra năm nay. Tuy nhiên, điều này vẫn tùy thuộc vào lạm phát Việt Nam với các nước trên thế giới. Chính phủ xác định ưu tiên rõ ràng là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm ổn định tỷ giá. Mặt khác, cầu bên ngoài sẽ hỗ trợ cho VND. Chính sách ủng hộ cho triển vọng đồng tiền ổn định.
Các dự báo đưa ra, khả năng Fed sớm điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới, tác động tích cực lên sức khỏe của đồng USD. Xu hướng đó đã bắt đầu khi nhìn vào một số đồng tiền trong khu vực như đồng baht Thái hoặc peso cũng đã đầu có sự giảm giá và ngay cả đồng Việt Nam cũng có xu hướng này khi tỷ giá có dấu hiệu nhích lên thời gian gần đây. Nhưng điều đó được đánh giá sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện tại, tiền đồng đang tương đối ổn định, NHNN can thiệp thị trường khi cần thiết và đang tích cực dự trữ ngoại hối. Mặt khác, dòng tiền thuần vào Việt Nam vẫn dương, do đó, theo nhận định của các chuyên gia tài chính – kinh tế, tỷ giá sẽ khó có thể biến động nhiều thời gian tới.
Chuyên gia ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam không “neo” tỷ giá, mà điều hành tỷ giá có điều tiết, tức thả nổi tỷ giá, nhưng có kiểm soát thông qua biên độ tỷ giá hiện nay là 1%.
“Tất nhiên, chúng ta cần đảm bảo tối đa để ổn định tỷ giá, vì nó sẽ tác động rất nhiều mặt đến doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô”, TS Lực nói.
Theo HSBC, nhiều khả năng, tiền đồng tiếp tục ổn định nhờ các dòng vốn FDI ổn định đổ vào Việt Nam và tài khoản thương mại đạt thặng dư năm 2014. Vì thế, khó dự đoán đến khi nào NHNN mới thả nổi tiền đồng, vì Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh dự trữ ngoại hối và còn phải xem trong tương lai lãi suất, sức khỏe đồng USD trên thế giới ra sao. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối tháng 6/2014 là 35 tỷ USD, khả quan hơn nhiều so với trước kia, nhưng theo các chuyên gia tài chính-tiền tệ, vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu và nếu khủng hoảng xảy ra khó ứng phó, nên cần tăng dự trữ.