30 năm WWW: Thay đổi bộ mặt toàn cầu
Khi world wide web (www) bắt đầu, các trang web chỉ đơn giản là các tài liệu văn bản, nó tạo ra siêu kết nối trên nền tảng Internet, làm thay đổi toàn bộ thế giới.
Cách đây 3 thập kỷ, vào ngày 12/3/1989, Sir Tim Berners Lee nhà khoa học máy tính người Anh, đã đệ trình tài liệu “Information Management: A Proposal” lên Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu CERN đề cập đến hệ thống quản lý thông tin và thực hiện giao tiếp thông tin thông qua một giao thức truyền siêu văn bản Hypertext Transfer Protocol - HTTP giữa máy khách và máy chủ qua Internet.
Trang web đầu tiên đi vào hoạt động năm 1991. Ngày 30/4/1993, CERN tuyên bố rằng World Wide Web là tự do đối với tất cả mọi người. Sự xuất hiện của World Wide Web cho phép tập trung và truy cập thông tin trên các trang mạng thông qua một trình duyệt.
Như với bất kỳ công nghệ, sản phẩm hoặc dịch vụ nào, đưa nó ra thế giới là một chuyện, nhưng làm cho thế giới chấp nhận nó là một điều hoàn toàn khác. Tại thời điểm khi Tim Berners-Lee đề xuất hệ thống của mình, không có mạng lưới máy chủ đồng nhất nào trên thế giới có thể chạy được.
Bên cạnh đó, đã có sẵn nhiều hệ thống tương tự như đề xuất của ông Berners-Lee. Do đó, điều khiến World Wide Web có thể đột phá trở thành “người thống trị” của thế giới Internet hiện đại là cung cấp miễn phí mã nguồn của hệ thống cho công chúng sử dụng. Từ đó, bất cứ ai sở hữu máy tính kết nối Internet đều có thể truy cập World Wide Web và xây dựng sản phẩm của riêng họ trên nền tảng này.
Không cần phải minh chứng nhiều, mạng lưới toàn cầu tạo ra "địa cầu thông tin" và xác lập phương thức trao đổi, tiếp nhận thông tin nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người. Đó là những trang web mà chúng ta thấy như ngày nay.
Trên nền tảng này, Yahoo - “gã khổng lồ” Internet mang tầm ảnh hưởng toàn cầu đầu tiên và Amazon, tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Sau đó lần lượt là những cái tên nay đã trở nên quen thuộc như Google (1998), Wikipedia (2001), Facebook (2004), YouTube (2005), Twitter (2006)...
Tuy nhiên, Sự phát triển của những gã khổng lồ Internet như Facebook và Google, nơi thu thập các luồng dữ liệu về người dùng để đổi lấy các dịch vụ miễn phí, khác xa với hệ thống ban đầu của các trang web cá nhân được kết nối bởi các liên kết mà ông Berners-Lee đã tưởng tượng vào tháng 3 năm 1989.
Và tác động đa dạng của các hệ thống phức tạp đó, theo ông Berners-Lee, đã "tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo, đưa ra tiếng nói cho những kẻ gieo rắc thù hận và khiến mọi loại tội phạm hoạt động dễ dàng hơn".
Ông tin rằng điều này làm cho người truy cập trở nên dễ tổn thương. Nhưng khi xây dựng một hệ thống mới, rất khó để tưởng tượng ra những cách mà web có thể bị tấn công.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Berners-Lee vẫn tiếp tục nỗ lực để bảo vệ phát minh của mình khỏi hàng loạt những vấn đề ngày càng nhức nhối trong đời sống trực tuyến, trong đó phải kể đến tình trạng đưa tin sai lệch hay thiếu các công cụ bảo vệ dữ liệu người dùng.
Năm 2018, ông đã cho ra đời một nền tảng phát triển mang tên "Solid" giúp người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân. Nền tảng này được tạo ra mới mục đích tách các ứng dụng ra khỏi kho lưu dữ liệu để người dùng có thể quyết định cách thức và nơi có thể chia sẻ dữ liệu của mình.
Có thể thấy rằng, với mức độ thay đổi của web trong 30 năm qua, sẽ là thất bại khi cho rằng web không thể thay đổi để tốt hơn trong 30 năm tới. “Nếu chúng ta từ bỏ việc xây dựng web tốt hơn bây giờ. Chúng ta không thể xóa sổ hoàn toàn, nhưng có thể được kiểm soát bằng luật và các mã để giảm thiểu hành vi này”, ông nói.
Có nhiều ý kiến cho rằng, những dịch vụ "đám mây" kết nối vào các ứng dụng trên các thiết bị như PC, máy tính bảng và các máy chủ, sẽ trở thành thống trị trong tương lai. Việc cả thế giới chuyển sang sang sử dụng mô hình Internet sẽ là tin xấu đối với các "đại gia" Internet hiện thời, trong đó có Google, Facebook và các đại gia khác khi mà vị trí thống trị của họ có thể bị thay thế.
Nhưng rất khó để biết kết quả của một hệ thống trong tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, để tránh việc gây ra một cuộc khủng hoảng dây chuyền trên toàn cầu, những cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa phù hợp là vô cùng cần thiết để đưa World Wide Web cũng như các dịch vụ đám mây khác trở lại với mục tiêu tốt đẹp ban đầu là thúc đẩy các nền tảng trao đổi giúp kết nối những quan điểm và tư duy khác biệt.