“Nở rộ” ứng dụng gọi xe công nghệ
Thời gian gần đây, các ứng dụng gọi xe công nghệ ồ ạt ra mắt, đem đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt, với 81% người dân từng sử dụng ứng dụng đặt xe được cài đặt trên điện thoại di động, càng chứng tỏ loại hình kinh doanh này đang phát triển mạnh mẽ, đầy tiềm năng và cạnh tranh khốc liệt.
81% người dân sử dụng ứng dụng đặt xe
Theo thông tin từ Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2018 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xây dựng, có tới 81% người dân Việt đã từng sử dụng ứng dụng đặt xe trên thiết bị di động. Đối với nhóm từng sử dụng dịch vụ gọi xe, 60% người dùng đánh giá dịch vụ gọi xe qua di động là nhanh chóng và tiện, 33% số họ nói dịch vụ có giá thành rẻ. Tỷ lệ người dùng đánh giá dịch vụ gọi xe di động an toàn (do các thông tin của tài xế được lưu lại) chỉ đạt 7%.
Thực tế cho thấy, sau khi Uber Đông Nam Á tuyên bố bán cho Grab từ cuối tháng 3/2018, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng gọi xe máy, ôtô qua di động cả trong và ngoài nước như Go-Viet, FastGo, VATO, Xelo, Aber, Mai Linh Bike… Đây thực sự là cuộc chiến giành giật thị trường khốc liệt khi các doanh nghiệp lớn liên tục đưa ra các khuyến mại có lợi cho người tiêu dùng nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Mặc dù, mới ra nhập vào thị trường Việt Nam vào đầu tháng 8, nhưng Go-Viet đã "hút" lượng khách sử dụng tăng đáng kể. Đặc biệt là trong 3 ngày đầu ra mắt, có hơn 10.000 lượt download ứng dụng với ưu đãi "khủng", chỉ thanh toán 5.000 đồng cho các chuyến đi có lộ trình dưới 12km tại 12 quận ở TP. Hồ Chí Minh. Trong khi Go-Viet tung nhiều chiêu để làm quen, thu hút khách hàng và tài xế, thì Grab cũng tìm cách giữ chân họ bằng cách cập nhật chương trình rẻ hơn Go-Viet. Chính sự cạnh tranh về giá giữa các ứng dụng đã giúp người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.
Doanh nghiệp Việt còn "lép vế"
Bên cạnh sự góp mặt của các ứng dụng gọi xe công nghệ nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt cũng nhanh chóng chen chân vào lĩnh vực này. Như ứng dụng xe ôm công nghệ Mai Linh Bike của Tập đoàn Mai Linh ra mắt từ cuối năm 2017, với tuyên bố phát triển mục tiêu đạt 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm ra mắt, Mai Linh Bike dường như "biến mất" trên các con phố.
Một ứng dụng khác cũng được ra mắt rầm rộ tại Việt Nam là VATO của Công ty CP xe khách Phương Trang, đã đầu tư 100 triệu USD để phát triển ứng dụng này. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, VATO cũng chưa bứt phá được như kỳ vọng.
Hay một ứng dụng thuần Việt khác có tên là ABER xuất hiện vào tháng 6/2018 ở TP. Hồ Chí Minh, mang một làn gió mới khi là ứng dụng đầu tiên tuyên bố không thu chiết khấu trên từng cuốc xe của tài xế. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng ra mắt, tháng 8, ABER đã dừng hoạt động. Và vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ABER đã xuất hiện trở lại và chính thức ra mắt tại Hà Nội với kỳ vọng sẽ thách thức những "ông lớn" như Grab hay Go-Viet.
Đến thời điểm này, những ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự bứt phá, vẫn còn im ắng trên thị trường và chưa lôi kéo được người sử dụng. Tuy nhiên, những ứng dụng này được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Bùi Danh Liên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội:
Các ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu về công nghệ và nhân lực. Muốn lấy thị phần trước hết phải có phần mềm thật thông minh, nhanh nhạy, đáp ứng sự trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế.