330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là quá nhiều!
(Tài chính) Khẳng định tính thông thoáng và tiện ích của dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng không khỏi băn khoăn, những quy định thông thoáng của Luật Đầu tư sẽ bị hạn chế bởi các luật chuyên ngành đưa ra các quy định về kinh doanh có điều kiện.
Giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi vào chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, về nguyên tắc chung, sửa đổi Luật Đầu tư sẽ cố gắng loại bỏ tất cả các loại giấy phép trong hoạt động kinh doanh, giảm tối đa thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Theo đó, thời gian đăng ký đầu tư cũng rất ngắn, chỉ trong khoảng 5-7 ngày và nhà đầu tư chỉ cần đăng ký lĩnh vực đầu tư qua mạng internet. Đó chính là điểm đột phá của Luật Đầu tư mới, nhằm khơi thông, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, tiệm cận tới mặt bằng chung của thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, Luật thì quy định vậy, nhưng thực tế lại có thể lâu hơn rất nhiều.
“Về nguyên tắc chung, doanh nghiệp chỉ mất 7-15 ngày là đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và họ có quyền triển khai dự án. Nhưng để triển khai được dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về môi trường nếu sản xuất - kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường, đáp ứng điều kiện về xây dựng nếu xây dựng nhà xưởng… Tất cả các quy định này đều do luật chuyên ngành điều chỉnh”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, việc có tới khoảng 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là quá nhiều. Bộ trưởng Vinh chia sẻ, ông đã đọc rất kỹ 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và tự hỏi liệu nhiều lĩnh vực có cần thiết phải có điều kiện hay không?
Mỗi lĩnh vực kinh doanh có điều kiện lại yêu cầu những giấy phép con, thì dù thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký đầu tư ngày một đơn giản, thông thoáng, tiếp cận với mặt bằng chung của thế giới, thì trong thực tế, nhà đầu tư vẫn phải chật vật “chạy” giấy phép.
"Tôi cho rằng, 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hiện nay là quá nhiều và cần phải sớm loại bỏ khỏi danh mục nhiều lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu quan điểm.
Để Luật Đầu tư sửa đổi thực sự là cơ hội cải cách thể chế, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết ông đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát để thu hẹp lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, dỡ bỏ tất cả các rào cản không cần thiết mới mong tạo được làm sóng kinh doanh mới.
“Để tránh tình trạng áp đặt điều kiện một cách chủ quan, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ được thiết kế theo hướng, chỉ có Chính phủ mới được ban hành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, còn tất cả các bộ ngành, địa phương không được tự ý ban hành thêm điều kiện kinh doanh làm nản lòng nhà đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, dự kiến đến tháng 10, sẽ có danh sách lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chứ không thể để tới con số 330 như hiện nay.
Quan điểm này đã được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các nội dung khác của Luật, Đa số các đại biểu nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi cần phù hợp với yêu cầu cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán.
Một số quy định trong dự thảo Luật vẫn còn khá sơ sài, thiếu chặt chẽ và chưa có chiều sâu. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện đầy đủ nhằm khắc phục được tối đa những vấn đề nảy sinh trong thực tế, đảm bảo được sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài./.