34% bức tranh DN vẫn nằm trong bóng tối

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nhiều ý kiến kiến nghị là cần luật hóa vấn đề doanh nghiệp (DN) phải cung cấp thông tin, công khai hóa thông tin và để cơ sở dữ liệu thông tin DN thực sự là thông tin gốc chính xác và đầy đủ, bên cạnh đó là cần đẩy mạnh xã hội hóa giám sát DN.

34% bức tranh DN vẫn nằm trong bóng tối
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN đã được hình thành theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký DN là kênh thông tin duy nhất có giá trị pháp lý về DN. Bên cạnh đó, nguồn thông tin này là cơ sở cho việc thiết lập được một cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với DN, giữa bản thân các DN trong nền kinh tế và giữa cộng đồng với các hoạt động của DN.

Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin trong Cơ sở dữ liệu này, vừa thiếu, vừa không được cập nhật khiến không ít thông tin đã trở thành thông tin sai.

Hiện nay, trong Cơ sở dữ liệu có hơn 650.000 DN đăng ký thành lập, nhưng trong cơ sở dữ liệu này còn khoảng gần 310.000 DN còn thiếu thông tin hoặc có lỗi sai khác về thông tin hoặc chưa được cập nhật.

Với một lượng lớn các DN còn có các thông tin thiếu và sai, cùng với việc chưa được đăng ký cập nhật như trên, có thể thấy trong môi trường kinh doanh hiện nay các DN hoạt động dễ gặp nhiều rủi ro do thiếu các thông tin gốc chính xác có tính pháp lý của đối tác tiềm năng. Khi thông tin trong cơ sở dữ liệu này không đầy đủ và chính xác thì cơ quan quản lý Nhà nước thiếu đi một nguồn thông tin sát thực về DN để quản lý, kiểm tra, giám sát DN đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.

Cụ thể, theo số liệu từ cơ sở dữ liệu, đầu năm 2012 cả nước có hơn 545.000 DN thành lập và theo kết quả của Tổng cục Thống kê thì trong số này có hơn 360.000 DN đang hoạt động tại thời điểm 1/1/2012, còn khoảng 185.000 DN (chiếm 34%) nằm khoảng trống chưa có thông tin chính xác.

“Như vậy, 34% bức tranh DN của cả nước vẫn nằm trong bóng tối và trong số này cơ quan thuế chỉ quản lý, nắm bắt được hơn 67.000 DN đang hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế”, ông Phạm Quang Huy (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết. Theo ông Huy, thực tế vẫn còn khoảng hơn 20.000 DN đang hoạt động nhưng cơ quan thuế chưa nắm được thông tin

Ông Lê Quang Mạnh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thì kể rằng: “Năm ngoái Chính phủ yêu cầu chúng tôi thống kê các DN kinh doanh vàng nhưng chúng tôi không có số liệu mà phải ngồi “tìm kiếm” trên mạng các DN có chữ liên quan đến “vàng”. Ông phân trần: “DN không báo cáo thì cơ sở dữ liệu lấy gì mà công khai. Thực tế thì ai cũng kêu gọi công khai minh bạch nhưng là đòi hỏi ở người khác còn chính mình thì từ từ đã”.

Luật sư Lê Quốc Đạt, Công ty Luật Trí tuệ thì cho rằng “Nếu chúng ta muốn mọi người cùng công khai minh bạch thì tất cả cùng phải cùng bày lên bàn tiệc. Hiện có nhiều cổ đông nhỏ muốn góp đầu tư vào DN nhưng họ thiếu thông tin và khi thông tin không công khai, thiếu minh bạch là khi có kẽ hở cho nội gián. Nữa là khi thông tin DN được đăng lên đầy đủ thì ngay cả cơ quan cảnh sát cũng đỡ phải đi hỏi lòng vòng”.

Nhiều ý kiến khác đều có kiến nghị là cần luật hóa vấn đề DN phải cung cấp thông tin, công khai hóa thông tin và để cơ sở dữ liệu thông tin DN thực sự là thông tin gốc chính xác và đầy đủ, bên cạnh đó là cần đẩy mạnh xã hội hóa giám sát DN.

Xã hội hóa giám sát hoạt động của DN là sự giám sát DN và phản ánh thông tin từ chính những người trong DN, từ bạn hàng, chủ nợ, từ đối thủ cạnh tranh, từ các hiệp hội ngành nghề và từ xã hội và công luận. Với sự giám sát, phản ánh đa chiều này sẽ góp phần đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật của DN.

Khi đã buộc phải cung cấp thông tin đầy đủ và công khai hóa thông tin thì các DN sẽ phải tự điều chỉnh các hoạt động cho đúng. Khi giám sát DN được xã hội hóa sẽ thiết lập được một cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với DN, giữa bản thân các DN trong nền kinh tế và giữa cộng đồng với các hoạt động của DN.