4 điểm nổi bật từ hoạt động điều hành thị trường tiền tệ ở Việt Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thị trường tiền tệ Việt Nam được hình thành vào những năm 90 của thế kỷ XX cùng với bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp. Đến nay, thị trường tiền tệ Việt Nam đã dần phát triển, từ những giao dịch cho vay đơn thuần giữa các ngân hàng, từ những hàng hóa đơn giản, số lượng thành viên ít ỏi, thị trường tiền tệ đã tăng trưởng cả về quy mô lẫn doanh số, cơ sở hạ tầng cho hoạt động thị trường ngày càng hoàn thiện… qua đó thị trường tiền tệ đã thực sự trở thành kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và là nơi điều tiết vốn ngắn hạn giữa các tổ chức tín dụng.

4 điểm nổi bật từ hoạt động điều hành thị trường tiền tệ ở Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến nay, có thể nói, thị trường tiền tệ đã bước đầu hình thành đồng bộ các cấu phần của thị trường. Mặc dù mới phát triển chưa lâu nhưng về cơ bản, thị trường tiền tệ Việt Nam đã hình thành tương đối đồng bộ. Hệ thống công cụ tài chính của thị trường đã được hình thành tương đối đầy đủ như tín phiếu, trái phiếu Chính phủ; tín phiếu NHNN, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính quyền địa phương. Các thành viên của thị trường ngày càng đông đảo về số lượng, đa dạng về loại hình và tính chuyên nghiệp được nâng lên.

NHNN tham gia thị trường tiền tệ với vai trò vừa là một thành viên thị trường vừa là cơ quan quản lý. Với tư cách là một thành viên thị trường, NHNN tham gia thị trường tiền tệ thông qua phát hành tín phiếu NHNN và tham gia mua, bán giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Với tư cách là cơ quan quản lý, NHNN thực hiện ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường tiền tệ và theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động của thị trường tiền tệ để phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Bài viết xin điểm lại những nét hoạt động chính của NHNN trong vai trò điều hành, quản lý thị trường tiền tệ trong thời gian qua, cụ thể:

Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của thị trường tiền tệ

Ngay từ khi thị trường tiền tệ được hình thành, NHNN đã chú trọng công tác tổ chức và điều hành thị trường, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định cụ thể đối với từng loại hình hoạt động, như Chỉ thị số 07/CT-NH1 ngày 07/10/1992, Quyết định số 132/QĐ-NH14 ngày 10/07/1993 về việc thành lập thị trường liên ngân hàng, Quyết định số 114/QĐ-NH14 về Quy chế về tổ chức và hoạt động của thị trường liên ngân hàng, Quyết định số 190/QĐ-NH14 ngày 6/10/1993 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế về tổ chức và hoạt động của thị trường liên ngân hàng.

Đây là những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được NHNN ban hành, là hành lang pháp lý cơ bản để tạo lập, hình thành nên thị trường quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng. Giai đoạn này, thị trường liên ngân hàng còn ở mức độ phát triển sơ khai, do các tổ chức tín dụng chưa quen với hình thức giao dịch này và chưa có sự tín nhiệm lẫn nhau nên quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng hầu như không phát sinh hoặc phải thông qua trung gian là NHNN.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 10 năm hoạt động, từ số lượng thành viên ít ỏi với doanh số hoạt động không nhiều, thị trường đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng thành viên tham gia thị trường cũng như doanh số giao dịch. Những thông tin phát ra từ thị trường đã trở thành tín hiệu quan trọng, phản ánh tương đối rõ nét tình hình thanh khoản của các thành viên trên thị trường liên ngân hàng, là cơ sở để NHNN đưa ra những quyết định chính sách phù hợp.

Để xây dựng khung pháp lý cho thị trường tiền tệ liên ngân hàng phù hợp với hoạt động của các tổ chức tín dụng trong điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu quản lý của NHNN, ngày 15/10/2001, NHNN đã ban hành Quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng kèm theo Quyết định 1310/2001/QĐ-NHNN thay thế các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thị trường vay vốn giữa các TCTD trên liên ngân hàng nói trên. Quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng với những quy định thông thoáng đã trao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong quan hệ vay vốn lẫn nhau, tạo điều kiện cho thị trường liên ngân hàng phát triển mạnh mẽ, sôi động.

Từ năm 2001 đến cuối năm 2011, cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước, thị trường tiền tệ Việt Nam nói chung và thị trường cho vay - gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng có nhiều biến chuyển gắn liền với những thay đổi lớn lao của kinh tế trong nước và thế giới. Năm 2012, thị trường được đánh dấu bởi bước ngoặt bởi Thông tư 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 quy định hoạt động cho vay, đi vay, mua, bán giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Thông tư 21/2012/TT-NHNN chỉ phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giao dịch lẫn nhau với thời hạn giao dịch dưới 1 năm. Đây là những quy định mới, chặt chẽ hơn, phù hợp với bản chất giao dịch vốn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng và quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 nhằm quản lý hoạt động liên ngân hàng được an toàn, hiệu quả. Sau khi Thông tư 21/2012/TT-NHNN có hiệu lực, thị trường có một số biến động nhất định nhưng đến nay thị trường đã hoạt động ổn định.

Thực tế cho thấy, từ khi được hình thành đến nay, quy mô giao dịch của thị trường liên ngân hàng ngày càng tăng và thị trường đang tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế. Danh số hoạt động của thị trường cho vay, gửi tiền liên ngân hàng có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Năm 2000, khi thị trường liên ngân hàng mới bước đầu được hình thành, tổng doanh số giao dịch cho vay, gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng chỉ vào khoảng 280 tỷ đồng thì đến 2005 con số này đã lên tới 760 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,7 nghìn lần so với giai đoạn đầu mới hình thành.

Năm 2011, tổng doanh số giao dịch toàn thị trường đạt 6.896 nghìn tỷ đồng tăng 1.860 nghìn tỷ so với doanh số năm 2010 và cao gấp 9 lần so với số liệu năm 2005. 10 tháng đầu năm 2012, doanh số cho vay, gửi tiền lẫn nhau giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã lên tới 5.354 nghìn tỷ. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của thị trường liên ngân hàng trong việc đáp ứng khả năng thanh khoản và nhu cầu vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng.

Cùng với quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý của hoạt động cho vay liên ngân hàng, hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường mua, bán giấy tờ có giá cũng dần được hoàn thiện. Những văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời của thị trường sơ cấp được NHNN ban hành như Quy chế phát hành tín phiếu NHNN kèm theo Quyết định số 211/QĐ-NH1 ngày 22/9/1994, Quy chế đấu thầu tín phiếu kho bạc tại NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 61/QĐ-NHNN19 ngày 8/3/1995 trong khi cơ sở pháp lý đầu tiên cho thị trường thứ cấp phát triển là Quy chế tổ chức và hoạt động của thị trường mua, bán lại tín phiếu, kèm theo Quyết định số 76/QĐ-NH14 ngày 18/3/1995.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý và sự phát triển của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp, từ những năm 2000, NHNN đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định số 1325/2004/QĐ-NHNN ngày 15/10/2004 về việc ban hành Quy chế chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Đối với hoạt động mua, bán giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, Thông tư 21 thay thế các quy định về hoạt động này tại các văn bản trước đây nhằm quản lý thống nhất và chặt chẽ hơn nữa hoạt động này.

Quy chế đầu tiên về nghiệp vụ thị trường mở được Thống đốc NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 85/2000/QĐ-NHNN14 ngày 9/3/2000 là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của thị trường tiền tệ Việt Nam. Ngày 5/1/2007, Thống đốc NHNN đã ban hành Quy chế về nghiệp vụ thị trường mở kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-NHNN và Quy chế này được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 27/2008/QĐ-NHNN ngày 30/9/2008. Để hỗ trợ và tăng tính linh hoạt cho thị trường tiền tệ, ngày 7/4/2004, Thống đốc NHNN ban hành Quy chế về môi giới tiền tệ kèm theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN nhằm tạo lập những chủ thể chuyên nghiệp cho thị trường.

Cùng với thị trường liên ngân hàng, nghiệp vụ thị trường mở cũng có sự tăng trưởng, phát triển không ngừng về doanh số giao dịch cũng như số lượng thành viên thị trường. Cơ chế, quy trình nghiệp vụ ngày càng hoàn thiện: quy trình thanh toán được rút ngắn, từ thanh toán sau 2 ngày kể từ năm 2000, rút xuống còn 1 ngày vào năm 2001, và từ năm 2002 đến nay thanh toán ngay trong ngày thực hiện giao dịch. Định kỳ giao dịch cũng được rút ngắn, từ 10 ngày/phiên năm 2000 xuống còn 1 phiên/tuần vào năm 2001, 2 phiên/tuần vào năm 2002, 3 phiên/tuần từ tháng 11/2004, đến nay NHNN thực hiện theo định kỳ hàng ngày.

Khối lượng giao dịch nghiệp vụ thị trường mở tăng mạnh qua các năm. Năm 2008, NHNN thực hiện 401 phiên đấu thầu, tăng 46 phiên so với năm 2007. Tổng doanh số giao dịch năm 2008 là 1.036 nghìn tỷ đồng, tăng 618 nghìn tỷ đồng so với năm 2007. Năm 2011, để đáp ứng nhu cầu vốn cho các tổ chức tín dụng trong điều kiện gặp khó khăn về thanh khoản, NHNN tổ chức 431 phiên mua có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổng doanh số trúng thầu là 2.800 nghìn tỷ đồng. Năm 2012, thanh khoản của hệ thống được cải thiện hơn, số tiền NHNN cung ứng cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong 10 tháng đầu năm đạt 404 nghìn tỷ đồng với số phiên đấu thầu giảm xuống còn 257 phiên.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hoạt động của thị trường tiền tệ

Với vai trò là cơ quan quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, NHNN rất chú trọng công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho hoạt động của thị trường và công tác phát triển thị trường tiền tệ. NHNN đã xây dựng phần mềm để thực hiện các giao dịch thị trường tiền tệ giữa NHNN với các tổ chức tín dụng là thành viên thị trường như nghiệp vụ đấu thấu tín phiếu kho bạc, nghiệp vụ thị trường mở và một phần nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu và cho vay cầm cố giấy tờ có giá.

Các thông tin thị trường thu thập được qua kênh này cũng là căn cứ để NHNN xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ phù hợp trong từng thời kỳ. Từ năm 2002, NHNN bắt đầu vận hành hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đây là hệ thống thanh toán trực tuyến online hiện đại phục vụ hoạt động thanh toán, bù trừ giữa các thành viên.

Qua 10 năm vận hành và phát triển, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã chứng tỏ vai trò, tầm quan trọng không nhỏ của mình trong việc hỗ trợ hoạt động thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiền tệ.

Theo dõi, giám sát và điều hành thị trường tiền tệ

Nhiệm vụ xây dựng và phát triển một thị trường tiền tệ an toàn, lành mạnh và minh bạch về thông tin luôn là mục tiêu hướng tới của NHNN. Chính vì vậy, công tác thu thập, phân tích và công bố thông tin về hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng nói chung cũng như thông tin về thị trường tiền tệ nói riêng luôn được NHNN hết sức coi trọng.

Các thông tin hoạt động của toàn thị trường cũng như thông tin về từng thành viên tham gia thị trường là cơ sở quan trọng đối với NHNN trong việc ra các quyết sách và xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với từng thời kỳ. Mặt khác, các thông tin về hoạt động của thị trường như doanh số, lãi suất và kỳ hạn giao dịch cũng được NHNN cung cấp thường xuyên, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin, đặc biệt là qua website NHNN cũng là những thông tin hữu ích để các thành viên thị trường trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của mình.

Trong công tác quản lý, điều hành thị trường, nhằm hỗ trợ cho hành lang pháp lý phát huy tác dụng, trong thời gian qua NHNN đã sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm điều hành, kiểm soát thị trường tiền tệ. Trước năm 2000, cơ chế điều hành lãi suất của NHNN chủ yếu dựa trên hệ thống khung lãi suất chỉ đạo hoặc mức lãi suất trần do NHNN quy định. Từ tháng 8/2000, cùng với việc áp dụng lãi suất cơ bản bằng VND làm lãi suất tham chiếu cho các quan hệ tín dụng trên thị trường, bên cạnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất trúng thầu nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng được NHNN theo dõi sát sao.

Có thể thấy rõ, trong mỗi giai đoạn khác nhau, trong điều hành thị trường tiền tệ, NHNN đã sử dụng tương đối linh hoạt phương pháp điều hành cũng như kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ để phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới cũng như xu hướng phát triển của thị trường. Từ năm 2008, khi thị trường tín dụng tăng trưởng quá nóng, lãi suất cho vay của các ngân hàng bị đẩy lên cao, NHNN đã liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua việc mua lại giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại trên thị trường mở.

Cùng với việc đẩy mạnh cung ứng tiền qua nghiệp vụ thị trường mở, giai đoạn này, NHNN ban hành các chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiêm túc thực hiện và duy trì việc cho vay lẫn nhau tập trung ở Hội sở chính, với mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố, qua đó, đã góp phần không nhỏ hạ nhiệt lãi suất thị trường, cung ứng nguồn thanh khoản cho các thanh viên thị trường, nhất là những thành viên gặp khó khăn về nguồn vốn.

Dưới sự điều hành của NHNN, sang năm 2012, tình hình căng thẳng về vốn của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, lãi suất giao dịch trên thị trường đã được hạ nhiệt và dần đi vào ổn định, thị trường giao dịch sôi động trở lại và là kênh điều hòa vốn hiệu quả giữa các thành viên thị trường.

Định hướng và giải pháp phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam đến năm 2020

Nhằm xây dựng và phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam ngày càng vững mạnh, hội nhập với thị trường quốc tế, ngày 12/8/2010, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1910/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam, trong đó nêu rõ mục tiêu, định hướng và giải pháp, lộ trình phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam đến năm 2020.

Theo đó, mô hình thị trường tiền tệ Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc "phát triển một thị trường tiền tệ an toàn, đồng bộ và mang tính cạnh tranh cao nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng chuyển đổi cho đồng Việt Nam". Trên cơ sở đó, Đề án cũng đã đưa ra những giải pháp để phát triển thị trường tiền tệ trong tương lai, trong đó tập trung vào các giải pháp như lựa chọn mô hình thị trường, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nâng cao trình độ của thành viên thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm, giao dịch... và lộ trình cụ thể thực hiện các giải pháp trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Có thể nói, đến nay thị trường tiền tệ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô cũng như trình độ, đóng vai trò quan trong trong việc truyền dẫn tác động của chính sách tiền tệ đến với nền kinh tế. Đây là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện vai trò tổ chức, điều hành thị trường của NHNN. Thị trường tiền tệ ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc điều hòa vốn của hệ thống ngân hàng.

Thông qua đó, vai trò quan trọng của NHNN Việt Nam trong việc tổ chức, quản lý và phát triển thị trường tiền tệ cũng được khẳng định một cách rõ rệt, thị trường tiền tệ theo đó đã trở thành một công cụ đắc lực, là nơi truyền tải nhanh chóng, chính xác và hiệu quả của chính sách tiền tệ đến hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.