4 lý do khiến việc tăng tỷ giá được coi là "thông minh, nhạy cảm"
(Tài chính) Quyết định điều chỉnh tỷ giá được NHNN mới đây của NHNN được các chuyên gia đánh giá là thông minh, nhạy cảm. Nhiều phân tích về quyết định bất ngờ này của NHNN đã được đưa ra, nhưng tựu chung có 4 nguyên nhân chính khiến quyết định này nhận được lời khen nhiều hơn chê!
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 dự báo vẫn ở mức thấp, lạm phát yếu. Đồng USD tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, nhất là quốc gia nợ nhiều bằng USD.
Trong bối cảnh đó, "điều chỉnh tỷ giá là quyết định khá bất ngờ nhưng thông minh và nhạy cảm của NHNN, đồng thời cho thấy NHNN đã hiểu rõ, sâu sắc tình hình thương mại, tài chính toàn cầu, hiểu vị thế, cách ứng xử của Việt Nam trong thương mại toàn cầu", TS. Lê Xuân Nghĩa bình luận.
Theo chuyên gia này, dự báo cán cân vãng lai 2015 của Việt Nam sẽ thâm hụt nhiều hơn năm 2014. Do đó, việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái là giải pháp hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu, giúp DN có được nguồn lợi kép: giá nhiên liệu đầu vào rẻ, giá đầu ra (xuất khẩu) tăng. Bên cạnh đó, tăng tỷ giá cũng có lợi cho nguồn thu ngân sách đến từ dầu thô.
Tán thành ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, quyết định tăng tỷ giá của NHNN thời điểm này là phù hợp.
Thứ nhất, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới, USD đang tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác. Để đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu, Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp.
Thứ hai, tín hiệu thị trường cho thấy, nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào thời điểm trước tết nguyên đán, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tỉ giá kịch trần. Thứ ba, lạm phát Việt Nam thấp và điều chỉnh tỉ giá thời điểm này không tạo áp lực tăng lạm phát.
"Điều chỉnh tỷ giá có tác động tích cực tới xuất khẩu, thể hiện sự phản ứng linh hoạt, kịp thời của NHNN với thị trường cả bên trong với bên ngoài", TS. Lực nói.
Cũng theo chuyên gia này, mục tiêu ổn định tỷ giá 2% như cam kết của NHNN là rất quan trọng, song cũng cần đảm bảo tính thị trường và tính linh hoạt. Nhiệm vụ của NHNN bám sát thị trường và thấy tín hiệu thị trường nhanh nhạy để có quyết sách kịp thời.
Theo đó, NHNN cam kết điều chỉnh ở mức 2% nhưng không có nghĩa là phải làm việc đó bằng mọi giá mà cần có độ dung sai nhất định.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỷ giá không điều chỉnh?
“Mặc dù chúng tôi dự đoán tiền đồng sẽ giảm giá trong năm nay, động thái này đã diễn ra sớm hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh USD đang mạnh hơn so với hầu hết các loại tiền tệ ở những thị trường mới nổi vào đầu năm 2015 và tỷ giá USD/VND thường đóng cửa giao dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua thì động thái này không gây quá nhiều ngạc nhiên”, chuyên gia của HSBC chia sẻ.
Trước đó, trả lời phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đã dự đoán, tỷ giá sẽ tăng 0,5-1% trong quý I/2015, song tăng ngay ở tuần đầu năm mới có lẽ là điều ít ai ngờ.
Câu hỏi đặt ra là, nếu tỷ giá không được điều chỉnh, chuyện gì sẽ xảy ra?
Theo như thông lệ, ngay từ đầu năm, NHNN đã thông báo biên độ điều chỉnh tỷ giá của cả năm là 2%. Với đà tăng giá của đồng bạc xanh trên thế giới, khả năng tăng tỷ giá năm 2015 là khó tránh, tâm lý đầu cơ vào đồng USD đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Động thái điều chỉnh tỷ giá bất ngờ ngay từ đầu năm đã chặn được tâm lý này.
"NHNN đã đưa ra biên độ điều chỉnh tỷ giá là 2%, tất yếu sẽ nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ. Tuy nhiên, với việc điều chỉnh tỷ giá 1% ngay từ đầu năm, dư địa điều chỉnh còn lại của cả năm chỉ còn 1%. Như vậy, tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ giảm bớt", chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương phân tích.
Một cái "mất" nữa nếu NHNN không tăng tỷ giá thời điểm này, với nhu cầu ngoại tệ đang tăng cao dịp cuối năm, thị trường sẽ khó tránh khỏi những cơn sốt nóng. Khi đó, theo TS. Lê Thẩm Dương, NHNN sẽ phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, làm "kho" dự trữ ngoại hối bị vơi đi. Bên cạnh đó, cuối năm đang là thời điểm các DN xuất khẩu nhận tiền thanh toán. Không tăng tỷ giá thời điểm này sẽ khiến các DN "lỡ" cơ hội vàng hưởng lợi từ tỷ giá.
Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân chính khiến quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN thời điểm này là hợp lý. Thứ nhất, dự báo cán cân vãng lai 2015 của Việt Nam sẽ thâm hụt nhiều hơn năm 2014. Do đó, việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái là giải pháp hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu. Thứ hai, USD đang tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác. Để đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu, Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp. Thứ ba, tín hiệu thị trường cho thấy, nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào thời điểm cuối năm trước tết nguyên đán, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tỉ giá kịch trần. Thứ tư, lạm phát Việt Nam thấp và điều chỉnh tỷ giá lúc này sẽ không tạo áp lực tăng lạm phát.
Xuất khẩu lợi lớn nhưng lo nợ công
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, việc tăng tỷ giá sẽ khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta như nông lâm sản, khoáng sản, dầu khí, thủy sản... hưởng lợi lớn. Bởi đây là những ngành xuất siêu lớn. Một số ngành hàng xuất khẩu doanh thu cao như dệt may, điện thoại, điện tử, giày dép, túi xách... được hưởng lợi không nhỏ nhưng cũng phải chi một lượng lớn USD nhập khẩu nguyên vật liệu.
Dĩ nhiên, điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ khiến nhập khẩu phải bỏ ra nhiều tiền đồng hơn. Song nước ta đang xuất siêu 2 tỷ USD, vì vậy điều chỉnh tỷ giá nhìn chung vẫn có lợi hơn là có hại, nếu xét về cơ cấu xuất nhập khẩu.
Điều đáng lo nhất đối với điều chỉnh tỷ giá là những tác động bất lợi nhất định. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ giá tăng sẽ phần nào tạo áp lực đến lạm phát và trách nhiệm trả nợ của Chính phủ, nhất là các khoản vay bằng USD. Tuy nhiên, hai tác động này cũng chưa rõ ràng. Bởi thứ nhất, lạm phát năm 2015 được dự báo sẽ ở mức thấp. Thứ hai, áp lực nợ công do tăng tỷ giá phải phụ thuộc vào cơ cấu vay nợ bằng USD là bao nhiêu. Hiện Chính phủ không công bố cơ cấu vay nợ quốc gia, song chắc chắn là các khoản vay không chỉ bằng USD mà còn rất nhiều đồng tiền khá như Yên, Won, euro...
Quyết định mạo hiểm của Ngân hàng Nhà nước?
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng: "Năm 2015, tỷ giá đương nhiên phải điều chỉnh, điều chỉnh càng sớm thì xuất khẩu càng có lợi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quyết định của NHNN vẫn có chút mạo hiểm. Vì khả năng giữ được biên độ tỷ giá 1% từ nay đến cuối năm là rất khó khăn".
Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo trên, giá USD thế giới năm 2015 khó đi xuống do kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt. Do đó, tỷ giá USD khó có khả năng giảm. Với dư địa ít ỏi còn lại, từ nay đến cuối năm, NHNN chỉ còn 1 lần điều chỉnh tỷ giá (mức độ 1%) hoặc tối đa 2 lần điều chỉnh (0,5%).
Các chuyên gia của HSBC cho rằng, sẽ không có một cú tăng đột biến về tỷ giá USD/VND trong những tháng sắp tới. Điều này được đảm bảo bởi những yếu tố cơ bản vẫn còn hỗ trợ: vốn FDI tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tốt hơn dù đã có thể được NHNN sử dụng một phần để bán ra thị trường, lạm phát thấp, lãi suất vẫn đảm bảo thực dương, chính sách ngoại hối của NHNN cũng trở nên linh hoạt hơn...
Dù vậy, HSBC cũng dự báo từ nay tới cuối năm, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá thêm một lần nữa. “Chúng tôi vẫn tin rằng với bối cảnh USD tiếp tục mạnh hơn trong năm nay, tiền đồng sẽ tiếp tục được giảm giá thêm 1%, đưa tỷ giá VND/USD lên khoảng 21.750 vào cuối năm”, khối phân tích của HSBC dự báo.
Cùng chung nhận định này, Ngân hàng ANZ cho rằng, tiền đồng sẽ giảm giá mạnh hơn nữa và sẽ ở mức đạt 22.050 VND/USD vào tháng 12/2015.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, thị trường ngoại hối trong năm 2015 điều chỉnh không quá 2% là mục tiêu khó khăn khi nhìn dự báo xuất khẩu tăng 10%, thâm hụt cán cân thương mại 5%... Bởi vậy, để ổn định tỷ giá trong biên độ đặt ra, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất cao.
Rõ ràng, có rất nhiều thách thức đang đặt ra với điều hành tỷ giá năm 2015. Song nhìn một cách toàn diện những yếu tố được và mất, có thể thấy rằng cái được vẫn lớn hơn. Và đồng thái đi trước, điều chỉnh tỷ giá để dập tắt sóng tỷ giá của NHNN không phải là mạo hiểm mà là quyết định khôn ngoan. Còn nhìn một cách lạc quan, dư địa điều chỉnh tỷ giá của năm 2015 vẫn "còn nguyên" như mức của năm 2014.
Ngoài ra, theo TS. Lê Thẩm Dương, có nhiều yếu tố đảm bảo tỷ giá năm nay vẫn sẽ giữ được ở mức 2%, cụ thể: nền kinh tế xuất siêu 2 tỷ USD, xuất khẩu dự báo tăng trưởng tốt, kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với 11 tỷ USD, dự trữ ngoại hối cũng tăng đáng kể với 35 tỷ USD...
Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, việc điều chỉnh tỷ giá còn làm nguồn cung ngoại tệ tăng lên (do xuất khẩu thu về nhiều ngoại tệ hơn, kiều hối chảy về nhiều hơn và giải ngân vốn FDI tốt hơn).
Với thị trường, Thống đốc NHNN đã tạo được niềm tin khi mấy năm gần đây đều cam kết biên độ biến động tỷ giá ngay từ đầu năm và luôn giữ được cam kết đó. Cho nên, dù khó khăn, NHNN cũng sẽ không dễ để niềm tin đó bị đổ vỡ trong năm nay. Và ngay cả trong trường hợp có độ dung sai nhất định, với bối cảnh đồng USD thế giới tăng giá mạnh, thị trường ắt cũng dễ thông cảm..