4 tháng đầu năm 2018, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp
Sáng ngày 18/5/2018, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị giao ban thường trực quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2018. Chủ trì Hội nghị Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và sự tham gia lãnh đạo Cơ quan Thường trực Bộ Công Thương, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng....
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, 4 tháng đầu năm 2018 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao, chính vì vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Tuyến biên giới đường bộ, nổi lên hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, pháo nổ, hàng hóa như: quần áo, hoa quả, nông sản, thực phẩm, các loại gia cầm, đặc biệt là xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả (vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt 2 đối tượng chuyển gần 500 triệu đồng tiền giả vào Việt Nam).
Biên giới miền Trung, tình trạng buôn lậu gỗ, ma túy, pháo (Hà Tĩnh), rượu ngoại, đường cát... diễn ra rất phức tạp (Quảng Trị). Biên giới các tỉnh miền Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ Long An và biên giới tỉnh An Giang.
Phương thức, thủ đoạn buôn lậu đến nay không có nhiều thay đổi, nhưng thủ đoạn của đối tượng tinh vi hơn, manh động hơn như: Sử dụng ô tô nhỏ, cất giấu trong các khoang hàng, để vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa; đối tượng tổ chức theo dõi chặt chẽ lực lượng chức năng và sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ như: ngày 22/12/2017 tại khu vực Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt đối tượng đã đâm xe ô tô làm 1 cán bộ Thuế hy sinh, ngày 07/3/2018 tại Bình Dương đã phát hiện, bắt giữ 03 đối tượng về hành vi vận chuyển 12.850 bao thuốc lá hiệu 555 nhập lậu, đối tượng đã chống đối, tông xe vào lực lượng chức năng khiến 06 chiến sỹ bị thương....
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như: vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà...( vụ BCĐ 389 TP. Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ 12.230 bao thuốc lá điếu và 25.700 điếu xì gà nhập lậu, hiện đã bàn giao hồ sơ cho Công an TP. Hà Hội xử lý).
Từ đầu năm đến nay, tình hình vận chuyển cần sa từ Mỹ về TP. Hồ Chí Minh qua đường hàng không (chủ yếu dưới dạng quà biếu) có hiện tượng tăng đột biến, có ngày phát hiện, bắt giữ 2 vụ, tổng trọng lượng cần sa bắt giữ gần 20kg, trung bình khoảng 2-3/kg mỗi vụ. Tình trạng lợi dụng hình thức quà biếu, hàng xách tay trốn thuế và thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ cũng diễn ra phổ biến.
Tuyến biển đường biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng còn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau...
Các đối tượng trong nước móc nối, trực tiếp liên lạc với các chủ đầu nậu ở nước ngoài để vận chuyển xăng, dầu với số lượng lớn, khi phương tiện đến lãnh hải Việt Nam thì tổ chức sang mạn vận chuyển lên các tàu của Việt Nam.
Cá biệt, có tàu quốc tịch nước ngoài tổ chức sang mạn trên vùng biển Việt Nam (lực lượng Cảnh sát biển đang tạm giữ 2 tàu nước ngoài sang mạn với số lượng khoảng 7 triệu lít dầu, hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ).
Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu còn diễn ra nhiều nơi.
Đặc biệt là tại các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm, nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân như vụ công ty TSC tại Hà Nội, vụ Vinaca tại Hải Phòng, vụ Cà phê pin tại Đăk Nông...
Đáng quan tâm qua các vụ việc trên, có tình trạng một số Hiệp hội đã trao tặng thương hiệu sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm cho quần chúng nhân dân hoang mang, lo lắng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác 2018 tới các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực, với mục đích, yêu cầu phải kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, tập trung đấu tranh để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và Quyết định 05/QĐ-BCĐ của BCĐ 389 quốc gia ngày 23/9 /2015 về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; Quản lý, xử lý hiệu quả thông tin đường dây nóng; Tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; Chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; Kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Một số đơn vị chức năng đã chủ động xác định địa bàn, tuyến trọng điểm, dự kiến những hiện tượng, tình huống vi phạm có thể phát sinh để xây dựng phương án đấu tranh, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đạt hiệu quả.
Số liệu sơ bộ quý I năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 45.949 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 4.062,862 tỷ đồng, khởi tố 642 vụ (tăng 51,77% so với cùng kỳ năm 2017), 754 đối tượng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017).
Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng cấm và các mặt hàng khác như: Xăng dầu, quặng, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, linh kiện máy công cụ, ô tô, xe máy đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, nước ngọt, động vật hoang dã, gỗ, quần áo, vật liệu xây dựng,…và nhận diện các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.