Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Hà Nội còn tiềm ẩn phức tạp
Phát biểu tại buổi làm việc với các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội ngày 11/5/2018, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn có diễn ra phức tạp.
Theo đó, hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế để gian lận thương mại như: Nhập lậu hàng hóa qua các cửa khẩu kê khai hải quan (cửa khẩu Quảng Ninh, Hải Phòng); Áp giá mã hàng sai; Lợi dụng chính sách trung chuyển hàng hóa và tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp; Sử dụng hóa đơn chứng từ quay vòng để hợp thức hóa hàng nhập lậu... Các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa khác nhau nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Hàng hóa nhập lậu thường theo hình thức hàng xách tay để lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho những đối tượng nhập cảnh được mang hàng hóa với số lượng cho phép theo quy định. Các đối tượng này thường sử dụng không hết và đem bán, ký gửi tại các cơ sở kinh doanh; Hoặc được một số đối tượng khác thu mua gom lại để bán kiếm lời (với số lượng không lớn), gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Nhiều doanh nghiệp chủ hàng là người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nhập khẩu hàng hóa qua nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau, trực tiếp kinh doanh trên thị trường và thông qua người Việt Nam làm thuê, phiên dịch cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Tại buổi làm việc, đại diện lực lượng Quản lý thị trường nêu lên thực trạng hiện nay, ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài và từ Trung Quốc vào trong nước tiêu thụ. Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, quần áo, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề như: Sơn Hà, Phú Yên (huyện Phú Xuyên), La Phù (huyện Hoài Đức), Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm
Về tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm: Vẫn còn tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng mua lại một số mặt hàng hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng để tẩy xóa, sửa lại nhằm kéo dài hạn sử dụng đưa ra thị trường tiêu thụ và ở các vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội. Đáng chú ý là tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm không đảm bảo; Sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi vẫn còn tồn tại, Tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng quy định của pháp luật; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Ngay từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã ban hành và triển khai các kế hoạch và văn bản chỉ đạo sau: Kế hoạch số 38/KH-BCĐ389/TP ngày 02/02/2018 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 05/KH-BCĐ389/TP ngày 30/01/2018 về tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch kiểm tra liên ngành số 12/KH-BCĐ 389/TP ngày 28/3/2018 về kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá, thực phẩm...
Kết quả, trong 4 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã tổ chức thanh, kiểm tra: 8.908 vụ; Xử lý: 7.432 vụ (giảm 306 vụ so với 4 tháng đầu năm 2017); Số vụ khởi tố: 18 vụ đối với 22 đối tượng.
Tại buổi làm việc, Chánh văn phòng thường trực Đàm Thanh Thế đánh giá cao công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, phát huy được sức mạnh của các lực lượng trên địa bàn Thành phố.
Đó là sự phối hợp giữa Công an Thành phố và Quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá, pháo, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...; Phối hợp giữa Công an Thành phố và Hải quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng vàng trang sức, ngà voi, động vật quý hiếm; Phối hợp giữa lực lượng Thuế và Công an Thành phố trong thanh tra, xử lý việc sử dụng hoá đơn bất hợp pháp và thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra; Phối hợp giữa Quản lý thị trường và Y tế trong thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; Phối hợp giữa Quản lý thị trường và Nông nghiệp trong thanh tra, kiểm tra các mặt hàng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra, kiểm soát gia cầm nhập lậu,...
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kinh doanh thương mại được đặc biệt quan tâm, duy trì thường xuyên, liên tục, trong đó có công tác tổ chức ký cam kết không buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm tuyên truyền, cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe người tiêu dùng từ các hàng hóa không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; Răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật thương mại; Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.