5 ảo tưởng tồi tệ nhất về bitcoin
Sẽ không bao giờ có chuyện bitcoin trở thành công cụ thanh toán trên phạm vi toàn cầu như tiền mặt hay thẻ tín dụng bởi nó còn quá nhiều điểm yếu cố hữu không thể khắc phục.
Trong tháng này, bitcoin, loại tiền kỹ thuật số do ông Satoshi Nakamoto, một trong những nhân vật bí ẩn nhất làng công nghệ thế giới, sáng tạo ra vào năm 2009, đã chính thức chạm ngưỡng giá 17.428,42USD/coin.
Bởi vì cấu trúc rất phức tạp của nó, không ít câu chuyện đã được thêu dệt về bitcoin, và theo Washington Post, dưới đây có thể coi như năm sự hiểu lầm tồi tệ nhất về loại tiền này.
Lượng tiền bitcoin có hạn
Theo một cuốn sách, bitcoin có thể coi như loại vàng kỹ thuật số bởi theo kế hoạch sẽ chỉ có 21 triệu bitcoin được đưa vào lưu thông.
Trong tuần qua, tổ chức tài chính nổi tiếng thế giới Goldman Sachs đã công bố báo cáo nghiên cứu cho thấy bitcoin có một lượng giới hạn nhất định. Còn nhiều người khác tuyên bố rằng không một chính phủ nào trên thế giới có thể phá được bitcoin bằng cách tăng nguồn cung của nó.
Tuy nhiên, Washington Post khẳng định không có gì đảm bảo rằng lượng cung bitcoin sẽ không thay đổi. Người sáng lập ra bitcoin khẳng định rằng sẽ chỉ có 21 triệu bitcoin được tạo ra trong một thế kỷ tới.
Thế nhưng điều này cũng có thể thay đổi bởi sự đồng thuận của cộng đồng, khi mà nhiều thành viên đang cùng sở hữu bitcoin thống nhất họ sẽ tăng nguồn cung, điều này thực ra cũng đã từng xảy ra vài lần.
Cộng đồng bitcoin luôn bảo vệ cho quan điểm số lượng bitcoin được đưa vào lưu hành sẽ chỉ hữu hạn nhưng chính các yếu tố chính trị bên trong cộng đồng bitcoin chứ không phải các thuật toán sẽ có thể khiến mọi chuyện thay đổi.
Người dùng bitcoin được ẩn danh
Nhà sáng lập ra bitcoin tuyên bố rằng tiền bitcoin mang đến sự ẩn danh cho người sở hữu bởi các giao dịch không được niêm yết dựa theo danh tính của người đó trên thực tế. Hệ thống xử lý giao dịch bitcoin sử dụng công nghệ truyền tải dữ liệu dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như sổ cái kế toán của một công ty để giám sát các giao dịch tiền mặt.
Người dùng có thể tạo ra nhiều tên giao dịch mà họ thích và thậm chí phần lớn phần mềm cũng cấp cho người dùng một tên riêng cho mỗi giao dịch mà họ thực hiện. WikiLeaks khuyến khích người quyên góp sử dụng bitcoin bởi nó giúp ẩn danh và không dễ để truy tìm nguồn gốc người góp tiền.
Chuyên gia kinh tế học đại học Harvard, ông Kenneth Rogoff, thậm chí còn khẳng định rằng chính phủ nhiều nước cuối cùng cũng sẽ phản đối tiền kỹ thuật số bởi đặc điểm ẩn danh của loại tiền này.
Tuy nhiên, lý thuyết là vậy những trên thực tế những người dùng bitcoin cũng không có được nhiều sự riêng tư hơn so với giao dịch ngân hàng truyền thống và họ cũng không được ưu đãi tài chính nhiều hơn nếu so với tiền mặt thông thường.
Ngoài ra, khi muốn đổi từ bitcoin sang các loại tiền thông thường khác, tất cả người dùng bitcoin đều phải khai báo thông tin thật. Một số người dùng bitcoin cũng vẫn có thể ẩn danh bằng cách sử dụng công cụ trộn coin, trong đó người dùng hoán đổi coin với nhau để giấu đi danh tính thật, tuy nhiên để làm được việc này sẽ cần đến thủ thuật khá phức tạp.
Bitcoin không bị pháp luật quản lý
Trong những ngày đầu tiên của bitcoin, bitcoin được coi như lựa chọn phù hợp cho thị trường dược phẩm ngầm có quy mô nhiều triệu USD. Chính vì vậy, ngay đến cả CEO của tổ chức tài chính JP Morgan hay nhà quản lý thị trường tài chính Pháp hay chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel cũng từng phàn nàn rằng bitcoin là thiên đường cho những kẻ muốn né tránh pháp luật.
Còn theo những người ủng hộ bitcoin thì loại tiền mà họ đang sở hữu đang đi trước so với bất kỳ luật pháp và sự chỉ trích nào.
Không hẳn như vậy. Khi có một công nghệ mới ra đời, nó cũng cần đến sự diễn giải của luật ở thời điểm lúc đó, và quá trình này cũng đang diễn ra với bitcoin. Giờ đây các sàn giao dịch bitcoin đang được quản lý bởi luật của một số bang ví như tại New York. Tất cả các sàn giao dịch bitcoin chính thống đều đang cố gắng nắm thông tin khách hàng để ngăn hành vi rửa tiền.
Cơ quan thuế vụ Mỹ coi bitcoin như loại tài sản chịu thế. Ủy ban chứng khoán Mỹ cũng đang siết chặt quản lý bitcoin còn chính phủ một số nước như Trung Quốc đang tính đến quản lý chặt chẽ bitcoin hoặc thậm chí cấm hẳn.
Bitcoin gây hao tốn năng lượng
Đào bitcoin cần rất nhiều năng lượng. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người đào bitcoin, thế nhưng anh ấy hoặc cô ấy cần phải có hệ thống chip phần ứng làm việc liên tục để phục vụ cho công việc của mình. Bởi bản chất phi tập trung của nó, không ai có thể biết chính xác lượng điện tiêu tốn là bao nhiêu, nhưng ước tính con số này cũng không hề nhỏ.
Chính vì vậy không ngạc nhiên khi mà nhiều nhà quan sát đã chỉ trích tác động môi trường của bitcoin bởi các báo cáo cho thấy một cá nhân đào bitcoin tiêu thụ lượng năng lượng tương đương với cả một gia đình và rằng bitcoin có thể tiêu tốn toàn bộ điện của thế giới chỉ trong vài năm.
Tuy nhiên so với các loại tiền khác, bitcoin không chắc tiêu tốn bằng. Các ngân hàng phải trả tiền cho nhân viên an ninh, chi phí an ninh mạng…tất cả chi phí này thậm chí còn cao hơn. Nếu người ta có những nghiên cứu sát sao hơn về bitcoin, có thể sẽ có cách khác để đào bitcoin theo cách tiết kiệm năng lượng hơn nhiều.
Bitcoin cuối cùng sẽ thay thế cho thẻ tín dụng hay tiền mặt
Nhà sáng lập ra ứng dụng chia sẻ Megaupload, ông Kim Dotcom, dự báo bitcoin cuối cùng sẽ thay thế nhiều loại hình thanh toán khác. Một nhà đầu tư khác vào thung lũng công nghệ Silicon Valley, ông Tim Draper, trong khi đó lại tuyên bố: “Sau năm năm nữa nếu bạn cố gắng sử dụng tiền bản vị, người ta sẽ chê cười bạn.”
Trong khi đó, trên thực tế, bitcoin còn thiếu quá nhiều yếu tố để có thể trở thành công cụ thanh toán trên phạm vi toàn cầu. Thứ nhất, hệ thống hiện tại mởi chỉ xử lý được vài giao dịch mỗi giây, tốc độ xử lý quá thấp nếu so với hàng chục nghìn giao dịch mà hệ thống thẻ tín dụng có thể xử lý.
Hệ thống sử dụng tiền mặt thậm chí còn có tốc độ xử lý cao hơn. Cộng đồng bitcoin đã nhiều năm cố gắng tìm ra cách tăng tốc độ giao dịch nhưng cho đến nay chưa giải pháp nào được đưa ra.
Thứ hai, giao dịch bitcoin từng miễn phí nhưng đang ngày một đắt đỏ hơn, mức phí hiện nay trung bình ở mức 20USD và thậm chí có thể lên mức 400USD dựa trên nhu cầu. Các nỗ lực cải thiện hệ thống giao dịch giờ đây đang đi chệch hướng.
Cuối cùng, khi thực hiện một giao dịch bitcoin, nó không có tác dụng ngay lập tức mà có khi phải mất 10 phút hoặc thậm chí nếu bạn muốn bảo mật cao hơn, bạn mất cả tiếng. Và kể cả cộng đồng bitcoin có đang cố gắng cải thiện hệ thống đến đâu đi nữa, sẽ không có khả năng bitcoin trở thành một công cụ thanh toán toàn cầu mà tối đa, nó cũng chỉ có thể trở thành công cụ giữ giá trị kiểu như trái phiếu Bộ Tài chính hay vàng.