Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

5 dấu ấn của Bộ trưởng Đặng Việt Châu với công tác tài chính - ngân sách

PV.(T/h)

Đồng chí Đặng Việt Châu - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính thời kỳ 1965 – 1974, có thời gian tại vị gần 10 năm trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt trên cả hai miền Nam - Bắc. Đồng chí Đặng Việt Châu đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển ngành Tài chính, đặc biệt là 5 dấu ấn của Bộ trưởng Đặng Việt Châu với công tác tài chính - ngân sách.

Bộ trưởng Đặng Việt Châu đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định hợp tác kinh tế với đại diện Chính phủ Trung Quốc.
Bộ trưởng Đặng Việt Châu đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định hợp tác kinh tế với đại diện Chính phủ Trung Quốc.

 Dấu ấn thứ nhất

Đồng chí Đặng Việt Châu làm Bộ trưởng Tài chính vào đúng thời điểm cả nước có chiến tranh, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội, khốc liệt. Trong thời gian này, khó khăn lớn nhất của ngành Tài chính đó là nền kinh tế bị đảo lộn, bị tổn thất nặng nề trước sự đánh phá điên cuồng của giặc Mỹ, làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế và nguồn thu, trong khi nhu cầu chi tiêu cho chiến đấu, sản xuất, đời sống lại rất to lớn và khẩn trương.

Tuy nhiên, vẫn có những thuận lợi cơ bản như: Nhân dân tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng dốc sức người, sức của theo tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để chiến đấu và chiến thắng.

Đồng thời, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu anh em cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới… là nguồn tiếp sức quý báu đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vượt qua khó khăn, thử thách, Bộ trưởng Đặng Việt Châu đã lãnh đạo cùng toàn ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Dấu ấn thứ hai

Trong giai đoạn tại vị, Bộ trưởng Đặng Việt Châu đã chỉ đạo chính sách động viên tài chính đúng đắn, toàn diện hợp lý đối với các thành phần kinh tế. Theo đó, ông rất quan tâm đến các xí nghiệp quốc doanh có nguồn thu lớn, các vùng nông thôn, trung tâm buôn bán để nghiên cứu khả năng động viên tài chính, đề ra mức thu sát, đúng, hợp lý…

Thời điểm đó, Bộ Tài chính đã đưa ra các cơ chế, chính sách sau: Áp dụng rộng rãi chế độ thu quốc doanh đối với kinh tế nhà nước; Ổn định nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp cho nông dân; sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, tổ chức tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng viện trợ có hiệu quả...

Bộ trưởng Đặng Việt Châu rất chú trọng chỉ đạo nghiên cứu kỹ chế độ tổ chức tiếp nhận và thanh toán hàng viện trợ, nguồn thu lớn của ngân sách. Thời gian này, hàng viện trợ là nguồn lực cực kỳ quan trọng, có lúc chiếm đến 70 - 80% tổng số thu ngân sách nhà nước, không kể phần viện trợ vũ khí và thiết bị chiến tranh.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đề ra các biện pháp quyết liệt, tăng cường quản lý tài chính đối với hàng viện trợ, giảm bớt các khâu trung gian, đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận hàng, làm cho vật tư, hàng hóa được phân phối và sử dụng kịp thời, sớm phát huy tác dụng cao nhất. Các bộ, ngành được nhận vật tư hàng hóa trước, và thanh toán sau với Bộ Tài chính trên cơ sở hạch toán và theo dõi rành mạch.

Dấu ấn thứ ba

Bộ trưởng Đặng Việt Châu khẩn trương chỉ đạo xây dựng các chế độ quản lý tài chính thích hợp trong các xí nghiệp quốc doanh, chế độ phân cấp quản lý tài chính giữa Trung ương và địa phương ở miền Bắc. Đồng thời, khẩn trương đổi mới phân cấp quản lý tài chính giữa Trung ương và địa phương, nhằm phát huy tính năng động sáng tạo trong việc chỉ đạo quản lý toàn diện của chính quyền địa phương.

Năm 1967, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ phân cấp quản lý tài chính cho tỉnh, thành phố với nội dung là mỗi tỉnh, thành phố có ngân sách của mình do chính quyền địa phương xây dựng và quản lý. Hội đồng nhân dân địa phương xét, duyệt, phê chuẩn trong khuôn khổ quy định của Hội đồng Chính phủ. Điều lệ quy định rõ các khoản thu cố định và thu điều tiết cho ngân sách địa phương theo kế hoạch dài hạn để bảo đảm tính ổn định của ngân sách và sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc bồi dưỡng, khai thác nguồn thu, bố trí hợp lý chi tiêu, tự cân đối thu, chi một cách tích cực.

Năm 1972, Chính phủ ban hành Điều lệ ngân sách xã, xác định rõ nội dung và cơ cấu thu, chi ngân sách xã, quan hệ giữa xã và hợp tác xã, chế độ phân cấp quản lý thu chi giữa tỉnh, huyện và xã, tạo điều kiện cho Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân xã thực hiện chức năng của cấp chính quyền cơ sở.

Đầu năm 1969, trên cơ sở nghiên cứu đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đặng Việt Châu, Chính phủ ban hành chế độ đổi mới cấp phát vốn XDCB đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương.

Năm 1970, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đã kiện toàn lại tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính, từ Bộ Tài chính tới các Sở Tài chính ở các địa phương, tạo thành một khối thống nhất, tăng cường công tác thanh tra tài chính ở các ngành, các cấp, các đơn vị, phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm về chính sách chế độ tài chính, góp phần đưa công tác quản lý tài chính vào nền nếp, bảo vệ chính sách, chế độ và kỷ luật của Nhà nước.

Dấu ấn thứ tư

Ngoài quan tâm tới nhiệm vụ bảo đảm tài chính cho xây dựng, củng cố miền Bắc, chăm lo quốc phòng miền Bắc, Bộ trưởng Tài chính Đặng Việt Châu còn chỉ đạo chăm lo nguồn vốn cấp bách cho chiến trường miền Nam. Cụ thể, tập trung nguồn vốn xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, nối liền hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình thế, chi viện kịp thời, liên tục sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đi đôi với việc cung cấp sức người cho các sư đoàn chiến đấu, binh đoàn chiến đấu và phương tiện chiến tranh từ miền Bắc vào, ngân sách Trung ương còn dùng tiền mặt để chi viện cho Cách mạng miền Nam, lúc đầu bằng tiền Ngụy Sài Gòn, bằng tiền Riel và sau cùng bằng đô la Mỹ với số lượng tăng lên nhanh chóng theo yêu cầu đẩy mạnh chiến tranh từng giai đoạn (chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh,…). Thời kỳ 1966 – 1975, huy động nguồn vốn tài chính trong nước và cả nguồn viện trợ nước ngoài tăng lên nhanh chóng, bình quân năm tăng gấp 5 lần so với thời kỳ 1961 - 1965 để bảo đảm cho sản xuất và chiến đấu trong cả nước.

Dấu ấn thứ năm

Bộ trưởng Tài chính Đặng Việt Châu rất quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý tài chính Nhà nước, đào tạo cán bộ, kể cả việc lo chi viện cán bộ tài chính cho Cách mạng miền Nam.

Cụ thể, đầu năm 1974, theo đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Đặng Việt Châu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/1974/NĐ-CP, xác định rõ tổ chức bộ máy, chức trách nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính. Theo Nghị định này và một số văn bản hướng dẫn, tổ chức Bộ Tài chính được mở rộng quy mô hoạt động, đề cao vai trò hệ thống quản lý ngân sách, tăng cường quản lý theo chuyên ngành trong kinh tế quốc doanh, đẩy mạnh công tác quản lý và hạch toán các nguồn vốn của Nhà nước về ngoại tệ, về hàng viện trợ, phát triển nghiệp vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực tài chính trong ngành và trong các ngành khác.

Nghị định 61/1974/NĐ-CP còn quy định bộ máy quản lý tài chính Nhà nước ở địa phương: ở các thành phố trực thuộc Trung ương có Sở Tài chính, ở các tỉnh có Ty tài chính, ở các quận, huyện, thị xã có Tài chính, ở các xã có cán bộ chuyên trách tài chính xã.

Ngoài ra, Chính phủ cho thành lập Phòng giám sát hoạt động kinh tế tài chính đối với các xí nghiệp Trung ương đóng tại địa phương, trực thuộc Sở, Ty Tài chính và giao cho Giám đốc Sở, Ty giúp Bộ trưởng Tài chính nắm chắc tình hình quản lý tài chính của các Xí nghiệp Trung ương này.

Theo chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Đặng Việt Châu, đi đôi với việc kiện toàn tổ chức, công tác đào tạo cán bộ tài chính cho ngành Tài chính, cũng như cho các ngành kinh tế quốc dân, kể cả cho miền Nam được đẩy mạnh. Ngay trong năm học 1967 - 1968, Trường Đại học Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trung ương đã mở lớp bồi dưỡng cán bộ tài chính riêng cho miền Nam với một khoa đào tạo, gọi là chuyên tu B. Trong thời kỳ này, hàng trăm cán bộ tài chính - ngân hàng có trình độ chuyên môn giỏi và quan điểm lập trường vững vàng được tăng cường cho cách mạng miền Nam, đã trở thành lực lượng nòng cốt, thiết thực phục vụ yêu cầu bổ sung, sửa đổi chính sách và củng cố bộ máy quản lý tài chính ở miền Nam ngày càng đạt hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).