5 lưu ý khi hoạt động kinh doanh thông qua website
(Tài chính) Thương nhân, tổ chức, cá nhân khi thiết lập website thương mại điện tử cần lưu ý về hình thức website, trách nhiệm đăng ký, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng,…
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) có thể được tổ chức dưới hình thức website bán hàng (do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình) hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT (do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm: sàn giao dịch TMĐT; website đấu giá trực tuyến; website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công thương quy định).
Thứ hai, về chủ sở hữu website
Chủ sở hữu website bán hàng có thể là thương nhân có đăng ký kinh doanh, tổ chức mà trong chức năng, nhiệm vụ có bao gồm việc tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động TMĐT hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đối với website cung cấp dịch vụ TMĐT, chỉ thương nhân và tổ chức có đăng ký ngành nghề kinh doanh hoặc có chức năng, nhiệm vụ phù hợp mới được thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT.
Thứ ba, về trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Chủ sở hữu website bán hàng không cần phải đăng ký mà chỉ phải thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website bán hàng. Trường hợp không thông báo, chủ sở hữu website sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động TMĐT từ 6 tháng đến 12 tháng.
Đối với website cung cấp dịch vụ TMĐT, chủ sở hữu website phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương về việc thiết lập website sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng. Chủ sở hữu thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng và đình chỉ hoạt động TMĐT từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Lưu ý, trường hợp website cho phép người tham gia tiến hành mua bán hàng hóa theo phương thức của Sở giao dịch hàng hóa thì phải có giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa và tuân thủ các quy định pháp luật về Sở giao dịch hàng hóa.
Thứ tư, về nghĩa vụ công bố thông tin trên website
Website bán hàng phải công bố đầy đủ thông tin về người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ, các phương thức thanh toán, giá cả (nếu có) áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website.
Website cung cấp dịch vụ TMĐT phải công bố đầy đủ, chính xác các thông tin như sau:
Sàn giao dịch TMĐT phải công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch, thông tin của người bán trên sàn giao dịch và cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch;…
Website đấu giá trực tuyến phải thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa được bán đấu giá, giá khởi điểm, mức giá chấp nhận bán (nếu có);…
Website khuyến mại trực tuyến phải nêu thông tin về từng hoạt động khuyến mại trên website như: tên, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên hệ khác của thương nhân, tổ chức, cá nhân có hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; mô tả hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, thời gian khuyến mại;…
Trường hợp không công bố hoặc công bố không đầy đủ, cung cấp sai lệch các thông tin mà pháp luật quy định bắt buộc phải công bố trên website, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của mỗi hành vi mà chủ sở hữu website sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc cải chính thông tin.
Thứ năm, chủ sở hữu website có nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng
Chủ sở hữu website có hành vi đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, hoặc bán các thông tin cá nhân của khách hàng trong giao dịch TMĐT khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động TMĐT từ 6 tháng đến 12 tháng, đồng thời buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm này.