5 nhóm giải pháp kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Minh Phương

Ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án nêu rõ 5 nhóm giải pháp triển khai Mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Đề án đưa ra giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện phương án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin

Nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu như tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; được áp dụng hoặc không được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường trên cơ sở các nguyên tắc kiểm tra được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu, với những thông tin cơ bản bao gồm: hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; tờ khai hải quan; kết quả đánh giá sự phù hợp; kết quả kiểm tra của các cơ quan kiểm tra; danh mục các mặt hàng phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; thông tin liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình hậu kiểm.

Đồng thời, công khai, minh bạch các thông tin về chất lượng hàng hóa với những thông tin cơ bản gồm: danh mục các mặt hàng phải kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm; kết quả kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm; hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra; danh sách hàng hóa được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường, từ đó xác định hàng hóa không đủ điều kiện để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường mà phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt.

Cùng với đó là việc tích hợp Hệ thống thông quan tự động hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, trong đó kế thừa phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành.

Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro để bổ sung các tính năng mới (Kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan...).

Nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

Việc nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan hải quan. Theo đó, cơ cấu, tổ chức lại nhân lực của cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu; phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đào tạo, hướng dẫn cho công chức hải quan để đảm bảo chuyên môn thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Đề án cũng đưa ra giải pháp yêu cầu chuẩn hóa quy trình, thủ tục, trang bị bổ sung máy móc, thiết bị của cơ quan hải quan để đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực;

Đồng  thời, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định như rà soát, chuẩn hóa năng lực, quy trình nghiệp vụ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; tăng cường năng lực của các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm định, phân tích, giám định... của cơ quan hải quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động, chỉ định để tham gia thực hiện chứng nhận/giám định hàng hóa.

Hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm

Hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩmbằng việc xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa kiểm tra trước thông quan và kiểm tra sau thông quan

Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường cảnh báo đối với hàng hóa có rủi ro, nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan để ngăn chặn, phòng ngừa ngay tại cửa khẩu.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm quản lý rủi ro liên ngành, thông tin về việckiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan được công khai minh bạch để các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định số 38/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan đã bắt đầu tiến hành tổ chức, triển khai Đề án theo đúng các mục tiêu Đề án, đảm bảo hiệu quả và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

“Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm được thời gian làm thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm vì chủ yếu giao dịch với một đầu mối, thủ tục kiểm tra được lồng ghép trong thủ tục hải quan, áp dụng điện tử hóa tối đa vào quy trình kiểm tra;

Tạo thuận lợi giải quyết thắc mắc khi có vấn đề, do thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi thông quan; Tiết kiệm chi phí khi lô hàng được miễn, giảm kiểm tra (đối tượng được miễn kiểm tra được mở rộng hơn); Môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng hơn, do hàng nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch và khách quan hơn.