Phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu


Tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: internet
Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: internet

Đề án nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đề án bao gồm 07 nội dung cải cách, cụ thể: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới được thực hiện tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan hải quan theo lựa chọn của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện tại cơ quan hải quan, cơ quan hải quan giải quyết đồng thời thủ tục hải quan và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Để triển khai hiệu quả mô hình mới, Đề án đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ cần tập trung triển khai. Trong đó, về hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện phương án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu như: tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; được áp dụng hoặc không được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường trên cơ sở các nguyên tắc kiểm tra được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu; công khai, minh bạch các thông tin về chất lượng hàng hóa; tích hợp Hệ thống thông quan tự động hải quan với cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Về nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Đề án xác định nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan hải quan; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Một giải pháp khác được đề cập là hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Cùng với đó là tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan. Theo đó, bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường cảnh báo đối với hàng hóa có rủi ro, nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm, kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan để ngăn chặn, phòng ngừa ngay tại cửa khẩu.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm quản lý rủi ro liên ngành, thông tin về việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan được công khai minh bạch để các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, những điểm cải cách nổi bật trong Đề án như một cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu, mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa.

Từ đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay.

Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023: Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trong quý II/2021. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026: Rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.