5 việc ngành ngân hàng cần tập trung xử lý
(Tài chính) Nhóm Công tác Ngân hàng đã có một báo cáo chi tiết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra đầu tuần này ở Hà Nội, trong đó, nêu 5 việc ngành ngân hàng cần tập trung xử lý để cạnh tranh và tham gia vào các thị trường tài chính khu vực.
Thị trường vốn. Phần lớn các ngân hàng đang có vấn đề do chênh lệch lớn về kỳ hạn giữa tài sản có và nguồn vốn, trong đó bình quân có trên 80% nguồn vốn có kỳ hạn dưới 6 tháng trong khi 40% giá trị tài sản có kỳ hạn hơn 3 năm. Một trong những giải pháp chính để xử lý rủi ro mất cân đối về kỳ hạn này là phải tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn nội địa hiện còn non yếu.
Tuy nhiên, để phát triển được thị trường vốn/thị trường nợ nội địa và quản lý tài sản/nguồn vốn hiệu quả không hề dễ dàng trong tình hình hiện nay và phải có nhiều nỗ lực và cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý. Nhóm Công tác Ngân hàng cho rằng, cần điều chỉnh, tăng cường các chế độ kế toán trong nước cho phù hợp, hay chí ít theo kịp tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường đáng kể khung pháp lý về xử lý các trường hợp phá sản/vỡ nợ để bảo vệ nhà đầu tư. Đặc biệt, cần áp dụng các phương pháp giá trị thị trường (cả về rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng) để đánh giá đúng mức độ rủi ro và giá trị sổ sách. Cần tăng cường đáng kể thị trường trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) căn cứ trên khối lượng và mức độ ổn định của các đợt phát hành theo những kỳ hạn chính vì uy tín của Chính phủ sẽ là cơ sở của mọi công cụ nợ nội địa. Áp dụng chuẩn lãi suất thực (ít nhất phải có kỳ hạn ổn định là 1 tháng hay 3 tháng) với sự điều tiết của một cơ quan quản lý cụ thể (tốt nhất là NHNN). Xây dựng thị trường hoán đổi lãi suất nội tệ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như các đơn vị phát hành trong việc quản trị các rủi ro tài sản có/tài sản nợ cũng như tình trạng mất cân đối kỳ hạn – việc này chỉ có thể giải quyết được nếu xử lý được các vấn đề nêu trên. Cần cho phép các đơn vị phát hành trái phiếu nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam nhằm hình thành những tài sản có chất lượng cao nhất cho thị trường, từ đó góp phần gia tăng quy mô các nhà đầu tư trái phiếu thường xuyên. Thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm trong nước theo các thông lệ tối ưu quốc tế để tăng cường minh bạch, nâng cao lòng tin của nhà đầu tư đối với tất cả các kỳ hạn trái phiếu. Cho phép các ngân hàng nước ngoài tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu bằng VNĐ để thu hút thêm các đơn vị phát hành quốc tế vào Việt Nam cũng như tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế và quản trị doanh nghiệp tối ưu trên thị trường.
Cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những nội dung liên quan đến quá trình phát triển của thị trường vốn là cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua việc xây dựng, hoàn thiện thị trường vốn ở Việt Nam, sẽ có sự chuyển dịch một phần các khoản tín dụng ra khỏi phạm vi của ngành ngân hàng (sang các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm). Khi đó ngân hàng sẽ nâng cao được năng lực huy động vốn để cho vay những khu vực doanh nghiệp khác, như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một lần nữa, cần nhận thức được rằng hoạt động cho vay căn cứ trên yếu tố lưu chuyển tiền tệ phải được tăng cường, song song với hình thức cho vay có bảo đảm truyền thống. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ sẽ có nhu cầu về vốn lưu động vượt ngoài khả năng bảo đảm bằng tài sản của chủ doanh nghiệp, và nếu bên cho vay xem xét kỹ và có nhận thức phù hợp về bên đi vay thì đây sẽ là một hình thức cho vay có thể góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng ở những lĩnh vực có đóng góp lớn vào tăng trưởng chung trong tương lai.
Giảm rào cản đối với thương mại quốc tế. Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP đã tăng từ khoảng 50% GDP năm 2000 lên gần 89% GDP tính đến thời điểm này của năm 2014. Trong tiến trình hội nhập khu vực, nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh về sản xuất hàng xuất khẩu, Việt Nam cần hoàn thiện, hiện đại hóa các cơ chế quản lý ngoại hối, bảo hiểm rủi ro, thủ tục hành chính. Các ngân hàng và cả khách hàng hiện đang phải chịu những gánh nặng thủ tục đáng kể, vì vậy cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục. Cần tạo điều kiện cho cả các đơn vị xuất khẩu và nhập khẩu quản lý (bảo hiểm rủi ro) tốt hơn nguồn ngoại tệ của mình với kỳ hạn dài hơn nhằm giảm đáng kể các biến động, rủi ro cho doanh nghiệp.
Công nghệ. Các công nghệ trong lĩnh vực tài chính, thanh toán quốc tế đang phát triển nhanh chóng, và đây có thể là cơ hội để Việt Nam đi trước đón đầu bằng cách nhanh chóng áp dụng những công nghệ mới, đồng thời vẫn bảo đảm sự an toàn, an ninh quốc gia. Chẳng hạn, các công nghệ thanh toán dùng thẻ hay không dùng thẻ đang được một số nước trong khu vực áp dụng nhằm giảm bớt gánh nặng thanh toán bằng tiền mặt, tăng cường minh bạch, chế độ kế toán, giảm tham nhũng. Đây có thể là những lợi thế đáng kể để Việt Nam đẩy mạnh chiến lược Chính phủ điện tử.
Quy chế ứng xử. Ngân hàng là một lĩnh vực kinh tế hoạt động trên cơ sở lòng tin. Vì vậy cần có các tiêu chuẩn đạo đức, chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực này. Nhóm Công tác Ngân hàng hiện đang nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường quy chế ứng xử cho lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam, và sẽ chia sẻ các kết quả với NHNN trong thời gian sớm nhất có thể.