5G đang phát triển ra sao trên thế giới?

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nhiều dự án ở Malaysia, Trung Quốc, UAE, châu Âu... đang tận dụng lợi thế của 5G để vận hành ổn định, hiệu quả, thông minh với chi phí thấp hơn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

5G thương mại bắt đầu triển khai trên thế giới cách đây 2 năm. Từ đó, số nhà mạng, người dùng, thiết bị 5G… tăng trưởng nhanh chóng. Đến cuối năm 2021, hơn 200 nhà khai thác triển khai mạng 5G thương mại, phục vụ cho hơn 700 triệu người dùng với trên 1.200 thiết bị 5G đang được sử dụng. Số lượng người dùng ngày càng gia tăng mang lại lợi nhuận cho các nhà khai thác, thúc đẩy triển khai liên tục mạng 5G.

Các thiết bị 5G với nhiều mức giá dễ tiếp cận cùng loạt ứng dụng 5G như AR, VR và video mới mang lại lợi ích cho cả người dùng lẫn nhà khai thác, đồng thời thúc đẩy nền tảng người dùng 5G tăng trưởng.

Theo phân tích của Gizmochina, 5G là hạ tầng không thể thiếu của kinh tế số toàn cầu. Dự kiến hơn 50% GDP thế giới sẽ được số hóa trong năm nay. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… đều công bố kế hoạch đầu tư mạnh tay vào nền kinh tế số.

Cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, các nhà mạng ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tốc độ phát triển của nền kinh tế số trong tương lai. Trước mắt, kết nối mạng 5G là trung tâm của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông.

Tại nhiều quốc gia, mạng riêng 5GtoB được triển khai trên quy mô lớn trong nhiều ngành công nghiệp.

Ở Trung Quốc, ứng dụng 5G của Huawei tại mỏ than để điều khiển các máy đào từ xa, đảm bảo an toàn cho các công nhân khai thác than.

Tại Sarawak, một trong những bang lớn nhất ở Malaysia với dân số khoảng 2,8 triệu người, lưới điện vi mô thông minh hỗ trợ cung cấp điện bền vững cho người dân địa phương. Giải pháp này chứa hệ thống lưu trữ năng lượng và hỗ trợ truy cập máy phát điện diesel, giúp cung cấp điện trong tối đa 3 ngày khi thiếu ánh sáng mặt trời.

Kết nối 5G có điểm mạnh về băng thông lớn, độ trễ thấp và khả năng kết nối lớn, kết hợp cùng trí tuệ nhân tạo AI đem tới các giải pháp đột phá cho doanh nghiệp. Trung tâm dữ liệu ở UAE dự kiến vận hành chính thức vào tháng 5 tới được đánh giá có mức độ phát thải carbon thấp chưa từng có nhờ ứng dụng 5G và AI để giải bài toán tản nhiệt cho server.

Theo báo cáo của chuyên gia Huawei tại triển lãm di động toàn cầu MWC 2022 đang diễn ra tại Barcelona, 3 “đòn bẩy” trong chiến lược phát triển của nhà mạng có thể thúc đẩy và định hình tương lai nền kinh tế số là mật độ kết nối, đa dạng điện toán và giảm thiểu carbon.

Cụ thể, các nhà mạng có thể tăng mật độ kết nối từ đó phát triển lượng người dùng 5G và mở rộng phạm vi kinh doanh. Bằng cách đa dạng hóa các nguồn tài nguyên điện toán, nhà khai thác có thể tạo ra sức mạnh hợp lực giữa kết nối và công nghệ thông tin để thúc đẩy số hóa doanh nghiệp, tạo đà bứt phá tăng trưởng mới.

Đối với đòn bẩy giảm thiểu carbon, các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông “xanh” mới ra mắt sẽ góp phần tăng dung lượng mạng và cắt giảm tiêu thụ năng lượng trên mỗi bit để hướng đến phát triển bền vững.

Tuy vậy, khi ngày càng nhiều ngành tham gia vào cuộc đua số hóa, hạ tầng công nghệ thông tin cần phải xây dựng lại để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Việc kết hợp công nghệ thông tin (IT) và công nghệ truyền thông (CT), đám mây và vùng biên, đám mây và mạng, giúp các nhà khai thác mạng vận hành số hóa và thông minh hơn, từ đó đạt được mức tăng trưởng doanh thu mới.

Cuối cùng, công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) “xanh” là chìa khóa tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế số tương lai. ICT cung cấp hàng loạt giải pháp mới giúp các ngành công nghiệp khác giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ môi trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều gấp 10 lần so với chi phí khoản đầu tư ban đầu vào công nghệ.

Mục tiêu của các giải pháp “xanh” để phát triển bền vững là các nhà khai thác mạng tăng dung lượng và cắt giảm được mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi bit. Vì vậy, cần xây dựng chỉ số “Mật độ carbon mạng” để đo lường lượng khí thải carbon của ngành ICT, qua đó giúp các nhà khai thác theo đuổi chiến lược xanh hóa.