6 căng thẳng mấu chốt trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung là gì?
Kế hoạch có tên "Made in China 2025" với tham vọng đưa Trung Quốc lên đứng đầu nhiều ngành công nghệ trên thế giới, từ ngành robot cho đến ô tô điện khiến phía Mỹ không vui.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử những quan chức kinh tế hàng đầu đến Trung Quốc để đàm phán về vấn đề thương mại, theo quan điểm của Tổng thống, nhiều khả năng nó sẽ mang lại một thỏa thuận.
Tuy nhiên Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn với nhau về rất nhiều vấn đề, từ thuế trong ngành ô tô cho đến quan điểm quản lý kinh tế.
Dưới đây là một số vấn đề lớn mà Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng:
Công nghệ
Dù người ta không nhắc đến nhiều, nhưng những căng thẳng thương mại bắt đầu từ tranh chấp trong ngành công nghệ. Trong năm ngoái, Tổng thống Trump đã yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer để xem xét về những hành vi mà Trung Quốc đã làm với bản quyền trí tuệ Mỹ.
Trong bản báo cáo dài 215 trang, đại diện thương mại Mỹ đã kết luận Trung Quốc vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ bằng nhiều cách khiến Tổng thống Mỹ phải quyết định đánh thuế với khoảng 150 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Nguyên nhân ban đầu của căng thẳng này chính là việc Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đưa ra kế hoạch đầy tham vọng có tên Made in China 2025 với mục tiêu đưa Trung Quốc lên đứng đầu nhiều ngành công nghệ trên thế giới, từ ngành robot cho đến ô tô điện.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với ngành sản xuất Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc khẳng định Trung Quốc hoàn toàn có quyền sử dụng công nghệ làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, cũng giống như chính phủ nhiều nước đang phát triển khác đã làm.
Dư thừa công suất ngành thép
Ngay cả trước khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, chính phủ Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc bán thévới mức giá bán dưới giá thị trường. Trong tháng 3/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố đánh thuế với nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ, mục tiêu chính là nhắm đến Trung Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc sản xuất 832 triệu tấn thép trong khi đó tiêu thụ 737 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội thép Trung Quốc. Nếu so ra, con số này lớn hơn tổng sản lượng thép của Đức và Pháp cộng lại.
Nếu Trung Quốc có thể đồng ý với Mỹ về vấn đề nào đó, đó chính là công suất thừa trong ngành thép, rằng Trung Quốc đang thực sự sản xuất quá nhiều thép, Trung Quốc đã và đang cắt giảm sản xuất và đặt mục tiêu sẽ tiếp tục giảm thêm trong những năm tới, đồng thời áp dụng những quy chuẩn chặt chẽ hơn trong ngành.
Quyền tiếp cận thị trường
Theo quan điểm của phía Mỹ, cường quốc này cho rằng các công ty Mỹ không cạnh tranh công bằng với công ty Trung Quốc. Trung Quốc áp thuế 25% với ô tô khách. Mỹ áp thuế 2,5% với ô tô nhập khẩu. Đồng thời, các công ty Mỹ cũng sẽ gặp khó nhiều hơn khi muốn đầu tư vào Trung Quốc.
Khi mà các chính sách thuế mà Tổng thống Trump đưa ra thu hút nhiều sự chú ý, chính quyền Mỹ cũng đang cố gắng tìm cách hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong nỗ lực cân bằng quy mô và bảo vệ các công nghệ nhạy cảm.
Dù vẫn nằm trong nhóm các nước ít cởi mở nhất với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Trung Quốc vẫn tin rằng họ đã tiến rất xa bằng cách phát triển những tiêu chuẩn riêng. Trong tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết về một giai đoạn mở cửa, sau đó Trung Quốc thực sự đã công bố biện pháp mở cửa ngành tài chính và ô tô.
Thâm hụt thương mại Mỹ
Tổng thống Trump đã không ngừng phàn nàn về thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Trong năm ngoái, thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu với Trung Quốc lên đến 337 tỷ USD, tương đương gần nửa thâm hụt thương mại Mỹ với các nước trên thế giới. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc giảm đi 100 tỷ USD thâm hụt thương mại.
Người Trung Quốc thường hay nói rằng thâm hụt thương mại sẽ giảm nếu Mỹ giảm bớt các hạn chế trong xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, họ nhấn mạnh đến bản chất của chuỗi cung ứng toàn cầu: Trung Quốc nhập khẩu linh kiện để lắp đặt và sau đó bán hàng sang Mỹ, chính vì vậy thâm hụt thương mại cao.
Bản chất của kinh tế Trung Quốc
Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố mất cân bằng thương mại sẽ vẫn duy trì trừ khi bản chất của hai nền kinh tế thay đổi. Người Mỹ cần phải tiết kiệm nhiều hơn trong khi người Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên, để kịch bản người Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn có thể xảy ra, sẽ cần đến việc Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và định hướng đầu tư của nhà nước. Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiêu dùng và mua thêm hàng ngoại, thế nhưng Mỹ muốn đẩy nhanh hơn mọi chuyện.
Trong năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã từ chối không công nhận kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường bởi cho rằng việc nhà nước can thiệp quá nhiều vào thị trường gây ra nhiều sự bóp méo trong kinh tế Trung Quốc.
Thao túng tiền tệ
Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump đã hứa sẽ gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Từ khi nhậm chức, ông đã né tránh không làm điều này.
Trong báo cáo tiền tệ mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ trích Trung Quốc không giảm bớt mất cân bằng thương mại. Trong tháng 4/2018, Tổng thống Trump buộc tội Trung Quốc cùng với Nga đã "chơi chiêu" với đồng nội tệ của họ.
Trung Quốc thực ra đã điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ, không giống cáo buộc của Tổng thống Trump. Năm 2015 và 2016, Trung Quốc đã phải dành một phần dự trữ tiền để nâng tỷ giá đồng tiền chứ không phải hạ giá nó.