7 “cây đũa thần” xử lý nợ xấu
(Tài chính) Mặc dù VAMC đã bắt đầu đi vào hoạt động, song Công ty xử lý nợ xấu này không phải là cây “đũa thần” duy nhất “phù phép” cho bài toán nợ xấu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có rất nhiều các giải pháp đồng bộ khác.

Chia sẻ trong Hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam”, chuyên gia xử lý nợ xấu, ông John M. Sheehan cho rằng, Việt Nam đang xảy ra hiện tượng tài sản thế chấp từ các khoản vay kém hiệu quả được định giá quá cao và điều này có thể khiến quá trình phục hồi kinh tế bị chậm thêm nhiều năm.
Có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ xấu ở nhiều thị trường khác nhau, thành viên Tổ chức giám định bất động sản Hoàng Gia Anh (FRICS), Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Capital Service Group, ông John Sheehan tỏ ra quan ngại về quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam.
Theo ông John Sheehan, nguyên tắc định giá nợ xấu là "thị trường làm vua". Tức là phải để cho thị trường chấp nhận giá bao nhiêu chứ không phụ thuộc vào việc ngân hàng có khả năng chịu lỗ đến đâu. Nếu đi ngược lại "câu thần chú" này, thiệt hại sẽ rất khó lường.
Ông lấy ví dụ, tại Cộng hòa Ireland, tài sản có giá 40 xu cho một USD nợ nhưng công ty xử lý nợ xấu của nhà nước đã mua vào với giá rất cao là 65 xu. Hậu quả là kinh tế nước này đã phải mất một thời gian dài trì trệ. Đến khi tài sản được định giá lại lần 2 là 25 xu (giảm gần một nửa so với giá trị thật ban đầu) cho 1 USD nợ xấu thì mọi chuyện mới được giải quyết.
Trong khi đó, tại Thái Lan, chính quyền đã chủ động chỉ bỏ ra 17 xu để mua 1 USD nợ xấu nên quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn. "Tôi nghĩ tài sản nợ xấu ở Việt Nam không thể cao hơn các nước trong khối ASEAN", ông nhận định.
Quan điểm của ông John Sheehan cho rằng, Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý để giải quyết nợ xấu. Vì vậy sẽ rất khó khăn để chuyển các khoản vay không hiệu quả thành tiền và lấy lại niềm tin để thị trường hồi phục sớm nhất.Chuyên gia này cũng chỉ ra một thực tế phũ phàng là khi thị trường đang tuột dốc, người mua luôn có tâm lý chờ đợi. Vì vậy, ngay cả khi tài sản đã được định giá thấp vẫn có thể phải giảm giá, chiết khấu thêm. Do đó khả năng giá trị tài sản giảm đến 2 lần hoặc nhiều hơn là rất lớn.
Ông đã chỉ ra 7 "cây đũa thần" để xử lý nợ xấu, đó là:
Một là, cần quy định việc mua bán, đánh thuế và quản lý các khoản vay không hiệu quả.
Hai là, các ngân hàng phải bán các tài sản thấp hơn giá trị sổ sách.
Ba là, thực thi pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Bốn là, ban hành luật phá sản.
Năm là, đảm bảo tính hiệu quả của các khoản vay khi được chuyển nhượng.
Sáu là, tiến hành cho đăng ký và cấp phép đối với các công ty quản lý tài sản tư nhân.
Bảy là, bảo vệ quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài đối với tài sản là nợ xấu.
"Nếu 7 yếu tố trên được cải thiện sẽ thúc đẩy quá trình thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào thị trường ngân hàng và thị trường vốn", ông dự báo.
Ngân hàng cần học hỏi để không cho vay rủi ro
Về giải pháp cho các khoản vay không hiệu quả của ngân hàng hiện nay, ông Sheehan cho biết, tín dụng ngân hàng là yếu tố vô cùng quan trọng của mọi nền kinh tế. Ngoài việc dám chấp nhận, nhìn thẳng để giải quyết vấn đề sớm chừng nào sớm chừng đó, các ngân hàng nên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở những quốc gia lân cận và trên thế giới.
Tự trang bị cho đội ngũ lãnh đạo đến nhân viên những kỹ năng cần thiết về xử lý nợ xấu, linh hoạt trong vấn đề xử lý tình huống bởi trong bối cảnh khủng hoảng không thể áp dụng các quy trình, kỹ thuật như trong bối cảnh bình thường. Con người mới, tư duy mới, kỹ năng mới cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, đưa ra các giải pháp quản trị, xử lý tình huống sẽ rất hữu ích.
Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý một điều các ngân hàng vốn sinh ra để hoạt động tín dụng chứ không phải hoạt động thu nợ, hai mô hình hoạt động này hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, nếu chưa kịp trang bị để xử lý tình huống thì lúc này có thể nghĩ đến những công ty quản lý tài sản (AMC), thu hồi nợ chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đồng thời đừng xem các khoản nợ là gánh nặng mà hãy coi đó như những khoản đầu tư vì vậy cần suy nghĩ xem cách nào để thu tiền về chứ không phải để nó nằm chết một chỗ. Thực tế cho thấy không ít khoản nợ xấu của ngân hàng lại sinh lời cho các nhà đầu tư khi họ có chiến lược phù hợp.
Thực tế đã chứng minh ở nhiều quốc gia, nếu không giải quyết được các khoản nợ xấu, chi trả được những tổn thất của ngân hàng, các tài sản không được luân chuyển với mức giá hợp lý thì niềm tin thị trường không thể lấy lại được.
Vì vậy, hệ thống ngân hàng không thể tiếp tục cho vay, bơm vốn ra thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hệ quả tất yếu là nền kinh tế sẽ trì trệ, không thể phục hồi, phát triển được.
Và nợ xấu càng minh bạch bao nhiêu, thì phương thức giải quyết càng hiệu quả bấy nhiêu. Bởi điều quan trọng không phải các khoản nợ lớn bao nhiêu mà là cách thức để giải quyết nó. Nếu nhìn rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ thấy được vấn đề này đã được chứng minh nhiều lần trên thực tiễn. Những quốc gia nào càng sớm chấp nhận thực trạng tài chính, nhìn thẳng vào những tổn thất và chủ động giải quyết các khoản vay không hiệu quả thì quốc gia đó càng sớm khôi phục hệ thống ngân hàng của đất nước họ.
Cách thức xử lý nợ xấu không có mẫu số chung cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, “Việt Nam nên nhanh chóng cải thiện một số vấn đề như quy định về mua bán, quản lý, đánh thuế các khoản vay không hiệu quả. Thực thi pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, pháp chế về phá sản tốt hơn. Đảm bảo hiệu quả cho các khoản vay khi được chuyển nhượng… Giải quyết được vấn đề này sẽ tăng tính thanh khoản trên thị trường và tạo sự thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn và ngân hàng tại Việt Nam”, ông Sheehan nhấn mạnh.