78.500 tỷ đồng thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế trong 7 tháng

Việt Dũng

Triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Quốc hội, Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế với hơn 78.500 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, tính đến hết ngày 22/7, số tiền thuế đề nghị được toàn ngành Thuế gia hạn là 1.458 tỷ đồng.

Đồng thời, ngành Thuế triển khai thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2022.

Ước tính đến hết tháng 7, tổng số thuế đã gia hạn là khoảng 41.600 tỷ đồng; trong đó, thuế GTGT kỳ tháng 5, tháng 6 và quý II/2022 được gia hạn ước khoảng 16.600 tỷ đồng; thuế TNDN quý II/2022 ước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã triển khai giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định cụ thể. Tính đến ngày 31/07/2022, ước tính làm giảm thu NSNN là khoảng 12.000 tỷ đồng.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 736,5 tỷ đồng.

Việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 từ ngày 01/4/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 8.909 tỷ đồng.

Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 900 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, cùng với việc thực hiện các chính sách thuế mới được ban hành, cơ quan thuế tiếp tục triển khai nghiêm túc các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã triển khai trong năm 2021 vẫn còn hiệu lực.

Bên cạnh những hiệu quả rõ rệt mà Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 ban hành từ cuối năm 2021, việc thực hiện các chính sách cũng ảnh hưởng giảm thu ngân sách năm 2022 khoảng 6.133 tỷ đồng.

Cụ thể, việc giảm 30% tỷ lệ tính thuế GTGT làm giảm khoảng 1.116 tỷ đồng; giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 giảm khoảng 1.388 tỷ đồng; miễn thuế quý III, quý IV đối với hộ, cá nhân kinh doanh khoảng 3.629 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 5 tháng đầu năm 2022 khoảng 6.554,7 tỷ đồng.

Việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2021 đến hết 31/12/2021 theo Nghị quyết 1148/2020/UBTVQH14, làm giảm thu ngân sách của tháng 1/2022 khoảng 200 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, việc thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do tác động của đại dịch COVID-19 tạm thời làm giảm thu NSNN, nhưng đã thể hiện tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của Chính phủ, tạo thêm động lực giúp các doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực tái sản xuất, kinh doanh, có điều kiện giảm giá bán, giúp tăng trưởng nên kinh tế trong thời gian tới.