Kiến nghị xử lý 2.175 tỷ đồng qua thanh, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động giao dịch liên kết
7 tháng đầu năm, ngành Thuế đã thực hiện 36.161 cuộc thanh kiểm tra, kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 25.972 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 128 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, qua đó đã kiến nghị xử lý 2.175 tỷ đồng.
Đây là con số vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Tài chính được tổ chức sáng ngày 6/8.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thuế đã thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ...
Tính đến ngày 15/7/2021, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 36.161 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 34,91% kế hoạch năm 2021 và tăng 10,08% so với cùng kỳ năm 2020; kiểm tra được 357.662 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, tăng 18,66% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 25.972,31 tỷ đồng bằng 84,61% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.466,47 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.080,48 tỷ đồng; giảm lỗ là 19.425,36 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.261,25 tỷ đồng, bằng 59,66% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, cũng trong 7 tháng qua, đối với công tác thu hồi nợ thuế, toàn ngành Thuế đã thực hiện thu hồi nợ đọng là 18.802 tỷ đồng, đạt 62,5% chỉ tiêu thu nợ giao. Theo Tổng cục Thuế, dù tiến độ thu nợ đạt khá so với chỉ tiêu được giao (cao hơn khoảng 4%), nhưng trong năm 2021 liên tiếp xảy ra các đợt bùng phát dịch với diễn biến phức tạp, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ thuế.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và đang lây lan nhanh tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và công tác thu ngân sách trong thời gian tới. Chỉ tính riêng 22 tỉnh, thành phố trọng điểm đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ đã có số thu ngân sách chiếm khoảng 64% tổng thu ngân sách.
Trong các tháng cuối năm, toàn ngành Thuế sẽ tổ chức triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý thu nợ thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Tiếp tục phân công, giao nhiệm vụ thu nợ đối với người nộp thuế có số nợ thuế lớn đến từng phòng quản lý, lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế, công chức quản lý nợ thuế.
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: Công an, Ngân hàng, Quản lý thị trường, Kế hoạch đầu tư,... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị quyết số 94/2019/QH14. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở kết quả đã đạt được trong 7 tháng qua, những tháng cuối năm, ngành Thuế tiếp tục có biện pháp yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...).
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh tại những địa bàn trọng điểm và những lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng...