Ai chịu trách nhiệm về sức khỏe của trẻ uống phải sữa nhiễm khuẩn?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum đã được thu hồi gần hết. Nhưng một câu hỏi đang được đặt ra là những trẻ đã dùng các loại sữa này sẽ được bảo vệ bằng cách nào? Ai sẽ đứng ra bảo vệ trẻ?

Ai chịu trách nhiệm về sức khỏe của trẻ uống phải sữa nhiễm khuẩn?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo thông cáo báo chí của các doanh nghiệp phân phối, những sản phẩm sữa Abbot và Danone nghi có chứa chất độc đã cơ bản được thu hồi. Tuy nhiên, những con số 95%, 96% hay thậm chí là 100% sữa nghi nhiễm khuẩn được thu hồi cũng chưa giúp người tiêu dùng nước ta yên tâm. Kể cả khi theo đại diện Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người mua có thể tạm yên tâm nếu trẻ uống sữa trùng với số lô bị thu hồi không có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân, khó nói, khó thở… Bởi các sữa công thức này chủ yếu dành cho trẻ nhỏ, vốn có sức đề kháng không tốt, dễ nhạy cảm với bệnh tật. Trong khi, theo thông báo của Chính phủ New Zealand, sản phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum có thể gây chứng ngộ độc nặng và những căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe người dùng. Nguy cơ bị ảnh hưởng sau khi dùng sản phẩm bị nhiễm Clostridium Botulinum tùy thuộc vào độ tuổi của người tiêu dùng và hàm lượng tiêu thụ. Nó có thể gây bại liệt và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng chưa hài lòng vì doanh nghiệp chỉ mới thu hồi sản phẩm nghi nhiễm khuẩn, chưa triển khai thăm khám y tế cho các trẻ đã sử dụng sản phẩm. Trong khi, việc thực hiện thăm khám y tế cho trẻ uống sữa trùng với số lô bị thu hồi sẽ thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, xoa dịu bức xúc cho khách hàng. Sâu xa hơn, hành động này sẽ giúp củng cố thương hiệu cho doanh nghiệp. Song trên thực tế, họ chỉ nhanh chóng thông báo và thu hồi sản phẩm sữa bị nghi có chứa chất độc. Trong thông báo, thông cáo báo chí không đưa ra lý do thu hồi, triệu chứng nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải và hướng xử lý cho bố mẹ. Có chăng chỉ là khuyến cáo cha mẹ nghi ngờ có thể đưa trẻ đi khám. Nhưng khuyến cáo này giống như thông báo của cơ quan chức năng để hướng dẫn dân cách ứng xử trước sản phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây không phải thông báo cần và phải có từ doanh nghiệp khi đưa ra loại hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Chắc chắn bố mẹ của trẻ đã uống sữa trùng với số lô bị thu hồi sẽ đưa con mình đi khám. Song khám ở đâu, cần khám những triệu chứng nào có lẽ bố mẹ trẻ sẽ phải tự tìm tòi, hoặc chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Họ cũng phải tự chịu chi phí cho đợt khám bệnh này. Đành là như vậy, song doanh nghiệp không phúc đáp nhanh chóng yêu cầu này vì sẽ là sai với đạo đức kinh doanh và trái với quy định pháp luật. Bởi Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: nếu trong trường hợp trẻ em đã tiêu thụ sữa nhiễm độc và có biểu hiện ảnh hưởng từ lỗi của sản phẩm thì tất cả các thiệt hại bao gồm chi phí khám chữa bệnh sẽ do nhà sản xuất và người kinh doanh thực hiện. Vì thế, các hãng sữa không thể và không nên trốn tránh trách nhiệm thăm khám y tế đối với những trẻ em đã sử dụng các sản phẩm sữa nghi nhiễm độc.

Ai chịu trách nhiệm về sức khỏe và thể chất của những trẻ đã uống phải sản phẩm sữa chứa khuẩn độc vẫn là câu hỏi lớn dành cho các doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi thời gian qua và doanh nghiệp phải trả lời băn khoăn này của người tiêu dùng.