Ai đã thoát thành công?

Lê Thuận - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Sau khi vươn tới đỉnh cao, trong lúc nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn đang "say sóng" với niềm tin, hy vọng, thị trường sẽ tăng mạnh thì thị trường đã quay đầu giảm điểm nhiều phiên liên tiếp. Dòng tiền vẫn bền bỉ mua vào, bán ra, rủi ro rình rập, kỳ vọng tăng trưởng trở lại vẫn còn cao. Tuy nhiên, trong lúc thị trường đang hưng phấn, hàng loạt cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đua nhau thoái vốn, chốt lãi, thoát khỏi thị trường.

Ai đã thoát thành công?
Nhiều NĐT đã nhanh chân thoát khỏi thị trường. Nguồn: internet

Sau 8 phiên giảm đều đặn, ngày 25/9, chứng khoán đã phục hồi xanh điểm trở lại. Dòng tiền nóng vẫn mua bán nhịp nhàng tạo thế giằng co đi ngang, có khi giảm sâu, có lúc lại xanh điểm, càng gây thử thách, áp lực lên tài khoản của NĐT. Số đông vẫn tin tưởng thị trường vẫn đang chu kỳ tăng trưởng trung và dài hạn mà chưa bị gẫy. Hoạt động giao dịch vẫn tốt, ổn định mang tính kiên trì, bền bỉ của dòng tiền khiến thị trường không bị sụp đổ hay bán tháo như hồi sự kiện biển Đông.

Quan sát trên thị trường, cho thấy các thế lực khác là NĐT lớn, cổ đông chiến lược đã chọn cách "thoát" ra khỏi thị trường ngay trên đỉnh sóng thu về lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, thị trường chỉ còn lại những NĐT nhỏ lẻ mua bán với nhau khiến chỉ số đã giảm nhiều phiên liên tiếp.

Tháo chạy khỏi cổ phiếu nóng

Thống kê trên thị trường, cho thấy dòng cổ phiếu tạo lập cho đợt sóng vừa qua tăng mạnh nhất thì cổ đông lớn cũng thoái vốn khỏi DN với mật độ cao nhất. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí được kéo lên mạnh mẽ nhưng rồi cũng bị xả hàng với khối lượng lớn. Chỉ tính trong thời gian ngắn, đã có nhiều vụ thoái vốn "khủng" lên tới hàng chục triệu cổ phiếu, đúng thời điểm NĐT đang "say sóng" nên vẫn được mua vào rất mạnh.

Trong đợt sóng cổ phiếu dầu khí tăng mạnh, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) liên tục đăng ký bán ra các cổ phiếu thuộc "họ" PV.

Quy mô của đợt "xả hàng" này của PVComBank như vậy có thể lên tới trên 1.400 tỷ đồng. Chỉ riêng đợt "xả hàng" 4 triệu cổ phiếu PVDrilling có thể mang lại cho PVComBank nguồn thu hơn 390 tỷ đồng tiền mặt.

PVComBank tiếp tục đăng ký thoái vốn hoàn toàn khỏi PVD bằng cách bán nốt 4,55 triệu cổ phiếu PVD hiện ngân hàng này đang còn nắm giữ. Hiện giá cổ phiếu PVD đã giảm đáng kể, nhưng với lượng cổ phiếu trên thì trị giá vẫn nằm ở mức cao hơn 455 tỷ đồng để cơ cấu khoản mục đầu tư.
PVCombank cũng đã bán ra 5 triệu cổ phiếu PVS của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, vào ngày 4/9/2014, ở vùng trên dưới 40.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, số lượng cổ phiếu bán ra của PVComBank có giá trị khoảng 200 tỷ đồng.

Sau đó, PVComBank lại vừa tiếp tục đăng ký bán thêm 10 triệu cổ phiếu công ty này để có thể thu về khoảng 400 tỷ đồng. Chưa biết tính PVComBank có thực sự muốn thoái vốn hết 11 triệu cổ phiếu PVS hay không?

Các cổ phiếu họ PV khác cũng được PVComBank bán ra lần này, bao gồm PV2, PVV, PVL và cổ phiếu PCT của Công ty CP Dịch vụ vận tải Dầu khí Cửu Long. Tuy nhiên, với mức giá không thực sự cao, số tiền thu về của PVComBank xung quanh các thương vụ này chỉ giao động xung quanh 10 tỷ đồng.

Một cổ phiếu dầu khí khác là PXS của Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí được coi là cổ phiếu biến động mạnh thời gian qua cũng đã chứng kiến việc chốt lãi của hàng loạt cổ đông nội bộ.

Có lẽ, đây cũng là cổ phiếu "bị" cổ đông nội bộ thoái vốn mạnh nhất thời gian qua. Từ Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc đến trưởng ban kiểm soát và rồi cả người thân, gia đình của các lãnh đạo đều bán ra một phần, có người bán hết cổ phiếu đang nắm giữ.

Sau khi tăng nóng, cổ phiếu PXS đã có nhiều phiên giảm mạnh trở lại về vùng giá hấp dẫn hơn. Điều đó cho thấy suy nghĩ của NĐT không phải lúc nào cũng đúng trong mọi hoàn cảnh của thị trường.
Đợt sóng vừa qua, cổ phiếu giữ vai trò chủ đạo, giá cổ phiếu các DN họ dầu khí đã có sự biến động mạnh, đặc biệt là PVC, PVT, PVS PXS và PVD tăng từ 80% trở lên. PVcomBank đã chọn đúng con "sóng" tốt để thoát hàng.

"Thay máu" cổ đông nội bộ

Như vậy, không chỉ dòng cổ phiếu dầu khí bị cổ đông lớn, cổ đông nội bộ chốt lời mà nhiều cổ phiếu nóng cũng bị bán ra hàng loạt. Hàng loạt các vụ bán vốn tại công ty con, công ty liên kết đã diễn ra với những giao dịch thỏa thuận cực kỳ sôi động và tạo nên cơ hội cho rất nhiều NĐT.

Có rất nhiều thương vụ "khủng" được thị trường quan tâm theo dõi như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thoái vốn khỏi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM).

Ngày 20/8, VNPT công bố thông tin thoái vốn khỏi SAM. Theo đó, VNPT đăng ký bán gần như toàn bộ 40,6 triệu cổ phiếu SAM, tương đương 31,04% vốn điều lệ Sacom mà tập đoàn này đang nắm giữ. Sau khi công bố thông tin thoái vốn, ngày 28/8, SAM được thỏa thuận 20,7 triệu đơn vị tại giá sàn (10.100 đồng) tương đương 209 tỷ đồng. Cũng trong ngày này, Công ty CP Đầu tư và Thương mại XNK HFC Việt Nam (HFC) đã mua 20,7 triệu cổ phiếu SAM và trở thành cổ đông lớn.

Ngày 9/9, SAM được thỏa thuận 8 triệu đơn vị (87,2 tỷ) tức 6% vốn điều lệ. Ngày 10/9, thỏa thuận 7,5 triệu đơn vị (84,1 tỷ đồng). Tổng khối lượng 2 ngày này là 15,5 triệu đơn vị. Thực tế, HFC chỉ là đơn vị trung chuyển khi đã bán gần 15,7 triệu cổ phiếu SAM, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 15,82% xuống còn 3,82% - tương đương 5 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của SAM nữa.

Tuy nhiên, ngày 22/9, SAM lại được thỏa thuận 19,9 triệu đơn vị tương đương 213 tỷ đồng. Sau 2 đợt giao dịch khủng, VNPT hoàn tất việc thoái vốn khỏi SAM, thu về 422 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán sôi động là cơ hội cho tất cả các NĐT. Cổ đông cũ thì muốn rũ bỏ các khoản đầu tư mà mình nắm giữ, để nhanh chóng thoát được vốn thu về lượng tiền mặt đáng kể.

Một số NĐT mới lại mua vào kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục thăng hoa, bay cao. Như vậy, trong đợt sóng vừa qua, có những người đã nhanh chân thoát khi thị trường tăng cao, nhưng cũng có không ít NĐT vào sau bị nhốt lại.