Ai đang lũng đoạn thị trường dầu mỏ?
(Tài chính) Giá dầu mỏ tiếp tục đà giảm khiến giới phân tích đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu ở đây có bàn tay chính trị chi phối thị trường vàng đen thế giới vì một cuộc chiến chống lại Iran và Nga? Hay đó là một cuộc chiến chống lại các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ? Hay đó chỉ đơn giản là quy luật cung cầu của thị trường dầu mỏ?
Giá dầu mỏ hạ liên tục từ 3 tháng nay đã gây thiệåt hại cho nhiều nước sản xuất dầu mỏ ở khu vực Trung Đông. Thiệt hại của mỗi nước cũng khác nhau, tùy theo việc phụ thuộc của nước đó vào thu nhập dầu lửa và sức mạnh của đồng tiền của nước đó so với đồng USD. Các nước vùng Vịnh, nơi có đồng tiền liên quan nhiều đến USD, phải chịu thiệt hại kép về thu nhập, vừa do giá dầu giảm bằng đồng nội địa vừa do giá USD tăng. Theo giới tài chính - tiền tệ, việc giá dầu giảm đã kéo đồng USD tăng giá khoảng 3% trong 3 tháng qua. Trong số các nước Ảrập ở vùng Vịnh, chỉ có Ả Rập Saudi có thể ứng phó được với việc giảm thu nhập này mà không phải áp dụng biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách nhờ lượng dự trữ USD của nước này rất lớn.
Là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng thời được cho là đang nắm giữ vai trò chủ chốt trên thị trường năng lượng thế giới, Ả Rập Saudi cũng đang tìm cách duy trì thị phần của mình và có cơ hội trong ngắn hạn nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể, chi phí sản xuất thấp để vượt qua các nhà sản xuất dầu khác. Sản lượng dầu của Riyadh là nguồn lực chiến lược khi Chính phủ Ả Rập Saudi đang nhanh chóng tận dụng lợi thế này. Ả Rập Saudi cũng đang tìm cách dùng đòn bẩy kinh tế ngắn hạn để tạo sức ép với các đối thủ khác trong đó có Nga, đặc biệt khi nước này hợp tác với Iran hỗ trợ cho sự tồn tại của Tổng thống Syria al-Assad.
Tuy nhiên, trở lại phần đặt vấn đề ở trên, giới chuyên gia nhận định nước này có lẽ không dám chơi trò pha trộn chính trị với dầu mỏ, bởi họ nhận thức được rằng một trò chơi như vậy sẽ rất nguy hiểm, có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và đe dọa sinh kế của người dân.
Sau nhiều cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al-Naimi đã đưa ra tuyên bố trong đó bác bỏ bất kỳ động cơ chính trị nào đằng sau tình trạng rớt giá hiện nay, đồng thời khẳng định rằng chỉ có thị trường mới có thể kiểm soát giá dầu. Ông Ali al-Naimi đã phản ứng trước những cáo buộc gần đây rằng Ả Rập Saudi đang tìm cách gây sức ép về chính trị đối với Iran và Nga bằng cách giảm giá dầu nhằm buộc hai quốc gia này phải chấp nhận một số lập trường chính trị nhất định.
Tuy nhiên những cáo buộc này có vẻ như không có cơ sở. Thứ nhất, Ả Rập Saudi không áp đặt bất cứ lập trường chính trị nào đối với Iran và Nga để tự chuốc lấy một cuộc phiêu lưu nguy hiểm có thể gây hại cho nguồn thu nhập duy nhất của quốc gia. Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp giá dầu sụt giảm mạnh thì chưa chắc Tehran và Moscow sẽ thay đổi lập trường.
Cáo buộc thứ hai nói rằng Ả Rập Saudi đang tìm cách hạ giá dầu để đối đầu với các ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đá phiến của Mỹ rõ ràng vượt quá khả năng của một quốc gia. Ả Rập Saudi biết rằng họ không thể tự tạo ra chiến lược giá cả bởi đó là một vấn đề liên quan đến tất cả các nước sản xuất dầu. Thực sự là Ả Rập Saudi cũng đang lo ngại trước việc giá dầu liên tục sụt giảm - lần đầu tiên giảm còn 80 USD/thùng trong vòng bốn năm - nhưng Ả Rập Saudi đã rút ra được bài học từ những trải nghiệm khắc nghiệt trong thập kỷ 1980 để không trở thành quốc gia duy nhất phải trả giá. Còn nhớ, kinh tế Ả Rập Saudi thời đó đã bị tổn thất do nước này chơi trò đánh đu (thao túng bằng cách nâng và hạ giá) với giá dầu.
Theo giới chuyên gia, Riyadh phải nhận diện được tương lai gần bởi chính họ đang phải đương đầu với những thách thức không nhỏ. Hiện Mỹ đã trở thành một quốc gia sản xuất dầu mỏ, với sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày, gần bằng mức 9,6 triệu thùng/ngày của Ả Rập Saudi. Năm 2015, dự báo Mỹ sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày thay vì phải nhập khẩu 13 triệu thùng dầu/ngày như trước kia. Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Ngoài ra, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ giảm do tốc độ phát triển kinh tế của nước này có chiều hướng chậm lại.
Việc giá dầu giảm là kết quả của tình trạng thặng dư chứ không phải do một quyết định chính trị có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Ả Rập Saudi và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, trong đó có Mỹ - nơi mà hoạt động khai thác dầu từ đá phiến đòi hỏi chi phí cao. Do đó, sự sụt giá hiện nay bắt nguồn từ bàn tay vô hình của thị trường chứ không phải do bàn tay chính trị nào.