Ai sẽ xây chỉ số chứng khoán toàn thị trường?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Xây chỉ số chứng khoán chung toàn thị trường là một trong nhiều giải pháp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra trong năm 2014, nhưng HOSE hay HNX, hay một tổ chức nào khác sẽ chủ trì xây dựng và vận hành chỉ số này?

Ai sẽ xây chỉ số chứng khoán toàn thị trường?
Xây chỉ số chứng khoán chung toàn thị trường là một trong nhiều giải pháp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra trong năm 2014. Nguồn: internet

Thực tế, đã có nhiều tổ chức xây chỉ số chứng khoán chung toàn thị trường, thậm chí Báo Đầu tư cũng từng làm việc này cách đây 6 năm (VIR 50), nhưng một chỉ số chung, kết nối chứng khoán niêm yết trên sàn HOSE và HNX, được thừa nhận tính pháp lý, đến nay vẫn chưa xuất hiện.

Mỗi Sở xây chỉ số theo một cách

Không khó để nhận thấy, HOSE và HNX đều đang vận hành nhiều loại chỉ số, trong đó có những chỉ số tương tự về cái tên. Ngoài 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đại diện cho sự biến động giá cổ phiếu của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn, cả 2 Sở đều nỗ lực xây các chỉ số riêng, để giúp nhà đầu tư có thêm công cụ đo đếm thị trường. Nếu sàn HOSE có VN30 thì sàn HNX có HNX30; sàn HOSE có chỉ số VN 70, VN 100, chỉ số ngành, thì sàn HNX có chỉ số HNX Large Cap Index, HNX Mid/Small Cap Index tương tự và bộ chỉ số ngành. Thậm chí, Hội đồng chỉ số của 2 Sở có một số gương mặt chung, đại diện cho khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Tuy nhiên, về kỹ thuật tính toán chỉ số thì 2 Sở có những nét khác biệt, đặc biệt là cách tính tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và cách phân loại doanh nghiệp theo ngành để tính chỉ số ngành. Đây là vấn đề kỹ thuật, nhưng để có thể “hợp nhất” chỉ số toàn thị trường lại là câu chuyện không nhỏ, bởi các bộ chỉ số này không phải chỉ tính cho hiện tại, mà phải có hệ thống dữ liệu quá khứ chạy ổn định, mới có thể hình thành một chỉ số chuẩn mực và xuyên suốt cho tương lai.

Về phía các thành viên thị trường, trước nhu cầu đo đếm thị trường theo những cách khác nhau, một số tổ chức đầu tư và Công ty chứng khoán từ lâu cũng đã xây dựng nên bộ chỉ số cho riêng mình, làm rầm rộ nhất có lẽ là Công ty chứng khoán CBV và Công ty chứng khoán Dầu khí. Nguồn dữ liệu để xây chỉ số của các doanh nghiệp này được mua từ Sở. Tuy nhiên, các chỉ số này chỉ mang giá trị tham khảo với thị trường.

Vì sao việc xây chỉ số chung là cần thiết?

Vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam xuất hiện một loại nhà đầu tư ngoại mới, đó là quỹ ETF, mà chỉ riêng 2 quỹ lớn nhất (Quỹ DB Tracker Vietnam và Quỹ Market Vectors Vietnam) đã có quy mô khoảng 800 triệu USD, đang đầu tư vào các cổ phiếu hàng đầu trên sàn TP. Hồ Chí Minh. Các quỹ này kiếm được khoản lời không nhỏ từ thị trường Việt Nam và có triển vọng huy động lượng vốn ngày càng lớn hơn từ nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư vào chứng khoán Việt. Trước sự xuất hiện ấn tượng của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam, câu chuyện làm thế nào để thu hút nhiều hơn loại quỹ này và có thể có quỹ ETF được thành lập bởi các tổ chức tại Việt Nam, là nhu cầu tất yếu của thị trường.

Bản chất của quỹ ETF là đầu tư theo chỉ số nhất định và vì thế, khi có ý tưởng lập loại quỹ này, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã lên tiếng đề xuất cần có thêm các bộ chỉ số mới, trong đó nên có chỉ số kết nối 2 thị trường (HOSE, HNX) hoặc kết nối các cổ phiếu lớn nhất 2 thị trường. Cùng với đó, nhà quản lý (Ủy ban Chứng khoán) đã chính thức xây dựng quy chuẩn pháp lý cho loại hình quỹ ETF, tạo hành lang pháp lý đầu tiên chuẩn bị cho Việt Nam có quỹ ETF nội.

Một trong những mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán đặt ra trong năm 2014 là xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn thị trường, bao gồm cổ phiếu tại cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán và xây dựng tiêu chí thống nhất tại 2 Sở để phân loại cổ phiếu vào các nhóm ngành, theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tổ chức nào sẽ đứng ra làm đầu mối xây chỉ số này khi 2 Sở sở hữu hệ thống dữ liệu riêng biệt và chưa có một hệ thống kết nối chung thông tin toàn thị trường?