Ấn Độ tìm kiếm “mùa xuân mới” cho nền kinh tế

Theo tapchicongsan.org.vn

(Tài chính) Sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ hồi tháng 5/2014, mục tiêu dẫn dắt nền kinh tế phục hồi và phát triển - một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-di một lần nữa được tái khẳng định tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế Ấn Độ diễn ra ở Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ) từ ngày 04 đến 06/11/2014 với sự tham gia của đông đảo các quan chức chính phủ, các tập đoàn kinh tế, công nghiệp, tổ chức tài chính, xã hội, doanh nghiệp Ấn Độ và các nước.

 Ấn Độ tìm kiếm “mùa xuân mới” cho nền kinh tế
Mục tiêu dẫn dắt nền kinh tế phục hồi và phát triển - một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ. Nguồn: internet
Đất nước giàu tiềm năng

Ấn Độ là một quốc gia có lịch sử phát triển từ rất lâu đời với nền văn minh sông Ấn, sông Hằng nổi tiếng và là nơi phát nguyên của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Là quốc gia lớn nhất của khu vực Nam Á, sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường trên cơ sở kế hoạch hóa. Tuy nhiên, đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, mô hình kinh tế này đã không phát huy hiệu quả, Ấn Độ lâm vào khủng hoảng kinh tế. Do đó, đến năm 1991, Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế toàn diện và sâu rộng theo hướng tự do hóa và mở cửa, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, trong đó chú trọng cải cách cơ cấu, nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính, ngân hàng, nâng cấp kết cấu hạ tầng và tăng đầu tư vào những khu vực có khả năng tạo nhiều việc làm, phi đầu tư hóa các cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Đến nay, nền kinh tế Ấn Độ được đánh giá là lớn thứ 10 trên thế giới nếu tính theo tỷ giá hối đoái so với đồng USD.

Nền kinh tế Ấn Độ đa dạng và bao gồm các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, thủ công nghiệp, dệt, chế tạo và nhiều ngành dịch vụ khác. Dù 2/3 lực lượng lao động Ấn Độ vẫn trực tiếp hay gián tiếp sống bằng nghề nông nhưng dịch vụ là một lĩnh vực đang tăng trưởng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ. Trong thời đại công nghệ thông tin, kỹ thuật số với dân số trẻ, có học vấn, thông thạo tiếng Anh, Ấn Độ đang dần chuyển thành một điểm đến quan trọng của các dịch vụ điều hành kinh doanh của các công ty toàn cầu và là nước xuất khẩu chính nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực phần mềm và các dịch vụ tài chính. Các lĩnh vực khác, như chế tạo, dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu và hàng không đang rất phát triển và đạt mức tăng trưởng ngày càng cao.

Về nông nghiệp, lúa và lúa mì là những cây lương thực chính của Ấn Độ. Các loại cây công nghiệp như chè, bông, gai, mía ngày càng được trồng nhiều tại các đồn điền lớn. Đây là những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ. Hai cuộc “cách mạng xanh” (được thực hiện từ năm 1965) và “cách mạng trắng” (nuôi trâu, bò để lấy sữa được triển khai từ năm 1970) trong nông nghiệp đã đem lại kết quả to lớn, đưa Ấn Độ từ một quốc gia nghèo, có tỷ lệ dân số nghèo đói lớn, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới và đạt sản lượng sữa cao.

Ấn Độ là một trong 10 cường quốc công nghiệp trên thế giới. Ngoài trữ lượng than tương đối lớn - cơ sở năng lượng cho các ngành công nghiệp, Ấn Độ còn có nhiều khoáng sản quý, như kim cương, bô-xít, ti-tan, đồng và sắt, đồng thời có trữ lượng đáng kể dầu mỏ và khí tự nhiên. Các ngành dệt, sản xuất xe cộ, sắt, thép, dược liệu và ngành điện đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Ấn Độ còn là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu phần mềm máy tính; là một trong ba cường quốc hạt nhân ở châu Á.

Tuy nhiên, hiện nay, Ấn Độ cũng đang gặp phải những khó khăn trong thanh toán quốc tế và phải dựa vào viện trợ nước ngoài để phát triển. Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng dân số tăng nhanh và đòi hỏi giảm bất bình đẳng kinh tế - xã hội. Vấn nạn nghèo vẫn còn khá nghiêm trọng, cho dù tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể kể từ khi quốc gia này giành được độc lập, chủ yếu là nhờ cuộc cách mạng xanh và công cuộc cải tổ kinh tế. Một khó khăn lớn nữa là do quy mô dân số khổng lồ lên tới 1,3 tỷ người khiến GDP bình quân đầu người chỉ đạt mức 4.031 USD tính theo sức mua tương đương, hay 885 USD tính theo GDP danh nghĩa. Trên 1/3 dân số còn sống trong nghèo đói, vì thế, Ngân hàng thế giới (WB) vẫn xếp Ấn Độ vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Cải cách kinh tế sẽ là một chặng đường dài

Với chủ đề “Định nghĩa lại hợp tác công - tư cho một khởi đầu mới”, Hội nghị Diễn đàn kinh tế Ấn Độ do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) phối hợp tổ chức, nhằm tạo cơ hội để giới kinh doanh của các nước thành viên tiếp xúc với chính phủ mới của Thủ tướng N. Mô-đi, cùng nhau xác định giai đoạn tiếp theo cho tiến trình cải cách tại Ấn Độ.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ A. Giai-lây (Arun Jaitley) chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, cải cách kinh tế của Ấn Độ sẽ là một “hành trình dài” với những thay đổi mang tính đột phá. Theo ông A. Giai-lây, các vấn đề kinh tế của Ấn Độ sẽ không thể được giải quyết trong thời gian một sớm, một chiều mà thay vào đó, chính phủ nước này sẽ kiên định theo đuổi những chương trình cải cách theo một hướng. Chính phủ mới được thành lập của Thủ tướng N. Mô-đi hiện đứng trước nhiều khó khăn trong việc loại bỏ các hàng rào pháp lý và hành chính cho doanh nghiệp, trong bối cảnh đất nước đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Niu Đê-li đã đưa ra một số cải cách nhằm xem xét lại toàn bộ luật lao động, với hy vọng đưa Ấn Độ trở thành cường quốc về công nghiệp và tìm kiếm việc làm cho lực lượng lao động trẻ đang ngày càng tăng. Trên thực tế, những thay đổi này chưa thực sự quyết liệt, do vậy, chưa đáp ứng sự kỳ vọng của các nhà đầu tư. Chẳng hạn, những sửa đổi về luật lao động mới chỉ chú trọng việc đơn giản hóa thủ tục hơn là nới lỏng các quy định cứng nhắc về tuyển dụng và sa thải nhân viên…

Ngoài xem xét chính sách đối với người lao động, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cũng ủng hộ quyết định cải cách luật đất đai, vốn được xem như một rào cản chính trong việc xây dựng nhà máy sản xuất và kế hoạch tư nhân hóa một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, nhằm củng cố lòng tin và thu hút thêm các nhà đầu tư.

Thách thức lớn đối với Thủ tướng N. Mô-đi là giải thành công bài toán khó về kinh tế để thay đổi bộ mặt kinh tế nước này như đã tuyên bố trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong hai năm gần đây chỉ còn bằng một nửa mức năm 2010, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở mức cao, môi trường kinh doanh được đánh giá không thuận lợi và nhất là phải bảo đảm năng lượng cho hơn 1,3 tỷ dân. Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cần phải đạt từ 8% - 9% mới tạo đủ việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động đang thất nghiệp.

Đem lại “mùa xuân mới” cho nền kinh tế

Trong cuộc tổng tuyển cử quy mô lớn nhất thế giới với 800 triệu người tham gia hồi tháng 5 vừa qua, Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã nêu quyết tâm phục hồi kinh tế làm “đòn bẩy” và nhờ đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16. Sau khi thành lập Chính phủ, Thủ tướng N. Mô-đi cùng các cộng sự trong nội các của ông ngay lập tức triển khai thực hiện cam kết này đối với cử tri.

Những biện pháp quyết liệt của Chính phủ BJP đã lấy lại lòng tin của thị trường, giới đầu tư và người dân. Các thị trường chứng khoán Ấn Độ liên tục tăng điểm, đồng ru-pi ổn định ở mức dưới 60 ru-pi/1 USD so mức thấp kỷ lục xấp xỉ 69 ru-pi/1 USD hồi tháng 8/2013 là những dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Ấn Độ.

Quyết tâm phục hồi kinh tế đã được thể hiện rõ khi phát biểu tại lễ phát hành cuốn sách “Dẫn dắt Ấn Độ đến phồn vinh - một chương trình hành động cải cách” mới đây, Thủ tướng N. Mô-đi khẳng định, bên cạnh việc thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, đất nước cần tập trung phổ biến kỹ năng cho thế hệ trẻ để tăng sức cạnh tranh. Ấn Độ cần khai thác tiềm năng nhân khẩu học bởi 65% dân số của nước này dưới độ tuổi 35, do đó, phát triển kỹ năng cần được ưu tiên. Thủ tướng N. Mô-đi nhấn mạnh đến sự ưu tiên phát triển những lĩnh vực chủ chốt vì sự tăng trưởng toàn diện của Ấn Độ, theo đó cần tiến hành cuộc “cách mạng xanh” lần thứ hai, tập trung tăng sản phẩm nông nghiệp, giá trị gia tăng, công nghệ, nông nghiệp và phi tập trung hóa hệ thống kho tàng; tiến hành cuộc “cách mạng trắng” lần thứ hai nhằm tăng sản lượng sữa và phát triển một hệ thống hỗ trợ bảo đảm sức khỏe gia súc. Về lĩnh vực năng lượng, cần một cuộc “cách mạng màu nghệ tây”, tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 10/9/2014 đã đưa ra những tín hiệu lạc quan, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, trong khi mức tăng của các nền kinh tế đang phát triển nói chung chỉ đạt khoảng 4,5%-5%. Trong báo cáo dự báo về phát triển và thương mại, UNCTAD nhận định, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, chế tạo và dịch vụ cải thiện đã thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ lên 5,7% trong quý đầu của tài khóa 2014 - 2015 (đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/2014), so với 4,7% cùng kỳ tài khóa trước đó và là mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã giảm nhẹ nguy cơ và đưa ra những nhận định khả quan hơn đối với nền kinh tế Ấn Độ, với mức tăng trưởng có thể đạt 5,2% trong năm 2014 và 6,5% vào cuối năm 2015. Các nhà phân tích kinh tế của Moody’s nhận định rằng, những ngày cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng N. Mô-đi “khá yên ổn” và ông đã có cơ hội để nâng đà phát triển của nền kinh tế trong dài hạn.

Là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, có thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, với giá trị sẽ lên tới khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2020, trên cơ sở một chính phủ ổn định, có những quyết sách đúng đắn, có quyết tâm cao sẽ là “chìa khóa” để thực hiện các chương trình lớn trong nước và toàn cầu của Ấn Độ. Dư luận Ấn Độ và dư luận quốc tế đều mong muốn rằng chính phủ mới của đất nước có lịch sử văn minh lâu đời này sẽ thành công trong mục tiêu đưa “mùa xuân mới” đến cho nền kinh tế nước này, góp phần đưa đất nước Ấn Độ ngày càng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phồn vinh của nhân loại.