Anh và EU đạt thỏa thuận tạm thời về dịch vụ tài chính
Ngày 1/11, giá trị của đồng bảng Anh đã tăng 0,5% so với đồng USD sau khi báo The Time (Anh) số ra cùng ngày đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, cho phép các công ty dịch vụ tài chính của Anh tiếp tục được tiếp cận thị trường châu Âu sau khi nước này rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Linh hoạt xử lý các quy định tài chính mới
Đó là một thỏa thuận tạm thời về mọi mặt của mối quan hệ đối tác trong tương lai liên quan tới dịch vụ và trao đổi dữ liệu tài chính. Theo thỏa thuận, các công ty của Anh được phép tiếp cận các thị trường châu Âu chừng nào quy định tài chính của Anh vẫn “tương ứng” với những quy định tài chính của EU.
Các quan chức EU cho biết, hệ thống tiếp cận thị trường tài chính toàn khối theo mô hình “tương ứng” có thể là lợi ích tốt nhất của Anh. Hệ thống này cho phép các đối tác ngoại khối như các ngân hàng và công ty nước ngoài được tiếp cận thị trường tài chính EU nếu luật định tại quốc gia của họ đủ tương ứng với những luật định của EU. Theo thỏa thuận mới, hệ thống này sẽ được mở rộng và đặt dưới sự quản lý của một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn, cho phép EU và Anh thay đổi hoặc đề ra các quy định tài chính mới sau khi 2 bên tiến hành tham vấn lẫn nhau trước.
Hiện lĩnh vực tài chính tạo ra hơn 70 tỷ bảng Anh (92 tỷ USD) thu nhập từ thuế cho Chính phủ Anh mỗi năm, trong đó EU là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất. Nhiều ngân hàng đã thành lập trụ sở mới ở các thành phố lớn của châu Âu như Paris (Pháp), Frankfurt (Đức)... và bắt đầu điều chuyển hoạt động, đội ngũ điều hành và nhân viên đến những thành phố này nhằm đảm bảo dịch vụ phục vụ khách hàng không bị gián đoạn nếu Anh chia tay EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Dẫn đầu cuộc “di tản” việc làm và tiền mặt là các ngân hàng đầu tư và quỹ quản lý tài sản của London. Dự kiến, 10.000 việc làm và hàng tỷ USD từ thu nhập thuế hàng năm của Anh sẽ được chuyển ra nước ngoài.
Các lĩnh vực khác cũng đang “chảy máu”
Một báo cáo gần đây cho thấy, các nhà máy trên khắp nước Anh đã cắt giảm nhân sự sang tháng thứ 2 liên tiếp. Ngành công nghiệp công nghệ cũng đang hứng chịu “nỗi đau” từ Brexit do các nhà sáng lập rời bỏ nước Anh. Điều đáng lo ngại nhất là thiệt hại tiềm tàng đối với ngành dịch vụ thực phẩm, các nông trại và nhà máy chế biến - phần lớn là các chế phẩm từ sữa, trứng, cá và ngũ cốc - phụ thuộc vào 40% lực lượng lao động đến từ EU.
Truyền thông Anh cho biết, nhiều công ty vận tải tại “xứ sở sương mù” đang sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất khi London rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Nếu kịch bản trên xảy ra, các điểm kiểm tra hải quan mới lập sẽ gây cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguy cơ dẫn đến các chuỗi cung ứng xuyên biên giới bị gián đoạn và ách tắc phương tiện tại các cửa khẩu.
Giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải đường bộ Anh ước tính mỗi phương tiện dừng hoạt động trong một giờ sẽ thất thu 50 bảng Anh và nếu sự việc tái diễn trong nhiều tuần, những công ty vận tải sẽ buộc phải ngừng hoạt động. Trong lĩnh vực ngoại giao, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt vừa cho biết, Chính phủ Anh đang hướng tới việc mở rộng mạng lưới ngoại giao, với việc lần đầu tiên thuê các doanh nhân làm nhân viên ngoại giao trong bối cảnh London sẽ tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới bên ngoài EU.
Theo giới phân tích, để ngăn chặn dòng nhân tài và vốn chảy ra khỏi Anh, có khả năng chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã nhượng bộ. Tuy nhiên, chỉ còn 5 tháng nữa sẽ chính thức rời EU, nhưng cho đến nay, Anh mới dàn xếp được 14 trên tổng số 236 thỏa thuận quốc tế mà EU đã ký với các nước trên thế giới.