Kinh tế Anh ra sao nếu không đạt được thỏa thuận hậu Brexit?

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Nguy cơ không thể đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp Brexit ngày càng rõ rệt khi chính phủ Anh thừa nhận bắt đầu dự trữ thực phẩm và thuốc men, nhằm chuẩn bị cho biến cố có thể xảy ra. Vậy kinh tế Anh sẽ ra sao?

Trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP năm sau của Anh chắc chắn sẽ “chịu ảnh hưởng tương đối lớn”. Nguồn: internet
Trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP năm sau của Anh chắc chắn sẽ “chịu ảnh hưởng tương đối lớn”. Nguồn: internet

Trả lời phỏng vấn của Business Insider, Bộ trưởng Thương mại Anh - ông Liam Fox cho biết, Anh sẽ ra đi tay trắng nếu không thể đạt được một thoả thuận nào trước khi kết thúc kỳ hạn của Điều khoản 50 Lisbon. Những cảnh báo xung quanh vấn đề này thường đề cập tới khả năng khan hiếm hàng hóa, chuyến bay và các vấn đề biên giới. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì nền kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Trong bài viết mới nhất của mình, bà Vicky Redwood - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics nói, tuy có quá nhiều cảnh báo về việc không đạt được thoả thuận với EU sẽ ảnh hưởng đến kinh tế đang “bị thổi phồng”, nhưng rõ ràng những tác động nặng nề vẫn có thể xảy ra.

Theo chuyên gia kinh tế này, viễn cảnh không đạt được thoả thuận chung sẽ tạo tác động tốt, xấu hay không đáng kể đến nền kinh tế trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc “Anh thành công thế nào trong việc ký kết những thỏa thuận thương mại” và “có tổ chức tài chính nào chuyển trụ sở khỏi Anh hay không”.

Tuy cho rằng sẽ rất khó để dự đoán được ảnh hưởng kinh tế trong dài hạn, nhưng bà không phủ nhận trước mắt các tác động tiêu cực có vẻ đáng kể. Trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP năm sau của Anh chắc chắn sẽ “chịu ảnh hưởng tương đối lớn”.

Bà cho rằng việc không đạt được thoả thuận đồng nghĩa với việc giá đồng bảng Anh không thể tránh khỏi tổn thất lớn. Đây là một trong những lý do khiến mức độ tăng trưởng của xứ sở sương mù có thể sụt giảm trong một năm tới.

Dù có mặt tốt là giúp xoa dịu tác động tiêu cực đối với hoạt động suất khẩu, bà Redwood cho rằng vấn đề trên sẽ “làm tăng lạm phát, khiến tình trạng giảm thu nhập thực tế lại tái diễn, giống như sau đợt trưng cầu dân ý tháng 6/2016”.

Tiền lương thực của người lao động Anh đã giảm đáng kể chỉ trong vòng 18 sau cuộc trưng cầu dân ý, trong tình cảnh lạm phát tăng 3% nhưng tiền lương vẫn chỉ tăng khoảng 2%.

Anh có nền kinh tế hướng về người tiêu dùng, vì thế người lao động bị giảm thu nhập và không chi tiêu vào những thứ không phải nhu yếu phẩm, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nữ chuyên gia tin rằng vấn đề này vẫn có thể kiểm soát nếu nước Anh “áp thuế nhập khẩu đối với EU và tăng giá nhập khẩu”.

Ngoài ra, một số lượng đáng kể các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin vào viễn cảnh Brexit nhẹ nhàng nhất, nên trường hợp không đạt được thỏa thuận sẽ là một cú sốc lớn đối với giới kinh doanh nhìn chung. Thế nhưng, bà Redwood tỏ ra lạc quan hơn nhiều chuyên gia khác, khi không cho rằng không có thỏa thuận Brexit sẽ “đẩy nước Anh vào tình trạng suy thoái”.

Lý do là quốc gia này trên thực tế không cần phải trả khoản phí nào cho Brussels để tách ra. Ngày 21/7, Bộ trưởng phụ trách Brexit Anh Dominic Raab đã tuyên bố nước của ông sẽ không nộp khoản “phí ly hôn” trị giá 40 tỷ bảng Anh (khoảng 52,5 tỷ USD), gần tương đương 2% GDP.

Theo bà Redwood, số tiền này có thể dùng để bù đắp cho những thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, bà cũng cho rằng việc Anh sẽ quay về với những quy tắc thương mại của WTO “không phải là tận thế”.

“Chừng nào thương mại còn được coi trọng, quay trở về với những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới không phải là tận thế. Trong khi hàng xuất khẩu từ Anh vào EU sẽ phải đối mặt với biểu thuế nhập khẩu của khối này, thuế suất sẽ ở mức trung bình thấp, khoảng 4%”, bà kết luận.