Áp dụng Quản lý rủi ro: Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm
(Tài chính) Việc áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong hoạt động nghiệp vụ hải quan góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế. Đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi đối với người thực hiện XNK, XNC, quá cảnh tuân thủ tốt pháp luật. Đó là những nội dung được quy định rõ tại Thông tư 175/2013/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ 15/01/2014).
Quản lý tuân thủ
Thông tư mới này gồm 3 Chương, 33 Điều nhằm thống nhất việc áp dụng QLRR trong toàn ngành Hải quan.
Một trong những nội dung quan trọng là đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh. Trong đó, cơ quan Hải quan thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế đối với doanh nghiệp để áp dụng chính sách ưu tiên hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác trong quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh của doanh nghiệp.
Đồng thời, việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp được thực hiện hàng ngày (vào 0 giờ) trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, trên cơ sở hệ thống tự động tích hợp, xử lý dữ liệu từ hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống thông tin, dữ liệu có liên quan của ngành Hải quan theo các điều kiện để phân loại doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh theo 3 loại gồm: doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế (doanh nghiệp tuân thủ tốt); doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế ở mức độ trung bình (doanh nghiệp tuân thủ trung bình); doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế (doanh nghiệp không tuân thủ).
Đối với doanh nghiệp được đánh giá tuân thủ tốt phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Có hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa thường xuyên trong thời gian 2 năm tính đến ngày đánh giá; trong thời gian 2 năm liên tục trở về trước (tính đến ngày đánh giá) doanh nghiệp không có vụ việc vi phạm bị khởi tố vụ án, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không bị khởi tố bị can về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế; không bị các cơ quan Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế; không bị xử lý vi phạm pháp luật về hành vi xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu…
Bên cạnh đó, qua áp dụng QLRR cũng đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp được xếp hạng mức độ rủi ro, bao gồm: doanh nghiệp ưu tiên; doanh nghiệp rủi ro rất thấp; doanh nghiệp rủi ro thấp; doanh nghiệp rủi ro trung bình; doanh nghiệp rủi ro cao; doanh nghiệp rủi ro rất cao. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp được cung cấp, làm cơ sở cho việc áp dụng chính sách ưu tiên, áp dụng chế độ, chính sách quản lý hải quan, quản lý thuế hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và các biện pháp nghiệp vụ khác trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Qua đó, việc đánh giá điều kiện áp dụng chính sách ưu tiên, chế độ chính sách quản lý hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được áp dụng trong các trường hợp: Công nhận và áp dụng chính sách đối với doanh nghiệp ưu tiên; áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với với hàng hóa nhập khẩu (nguyên liệu, vật tư sản xuất hàng xuất khẩu); xác định trước trị giá hải quan, xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ ; chấp nhận áp dụng bảo lãnh tiền thuế phải nộp…
Xác định trọng điểm kiểm tra, giám sát hải quan
Căn cứ vào áp dụng tiêu chí QLRR, quản lý hệ thống thông tin nghiệp vụ, cơ quan Hải quan còn có thể xác định trọng điểm kiểm tra sau thông quan, cũng như xác định trọng điểm giám sát hải quan.
Đối với việc xác định trọng điểm kiểm tra sau thông quan, cơ quan Hải quan sẽ xác lập danh sách doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra để đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế theo kế hoạch hàng năm; xác định lô hàng xuất nhập khẩu rủi ro để tiến hành kiểm tra. Ngoài ra, việc xác lập danh sách doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra được thực hiện bằng việc cập nhật tiêu chí cấp Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên hệ thống thông tin nghiệp vụ; hệ thống tự động đánh giá, lập danh sách doanh nghiệp kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ theo kế hoạch hàng năm.
Việc xác định đối tượng trọng điểm kiểm tra sau thông quan được áp dụng trong các trường hợp như cơ quan Hải quan áp dụng tiêu chí QLRR lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế trong từng thời kỳ; công chức tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phúc tập tờ khai phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế nhưng chưa có điều kiện làm rõ; qua phân tích rủi ro phát hiện lô hàng xuất nhập khẩu, quá cảnh đã được thông quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan; kết quả phân tích, đánh giá cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế; theo các chuyên đề trọng điểm về QLRR.
Đối với xác định trọng điểm giám sát hải quan, cơ quan Hải quan quản lý hệ thống thông tin nghiệp vụ, áp dụng tiêu chí QLRR để xác định hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh rủi ro cao cần tăng cường giám sát hải quan.
Cùng với đó, đơn vị QLRR tại Hải quan các cấp tiến hành thu thập, phân tích thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải XC, NC, quá cảnh trước khi đến hoặc rời cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ và các địa điểm làm thủ tục hải quan khác theo quy định của pháp luật để lựa chọn đối tượng trọng điểm cần tập trung giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên địa bàn hoạt động hải quan.
Tổng cục Hải quan quy định, hướng dẫn, phân công trách nhiệm trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm giám sát hải quan.