Áp lực tăng trưởng tín dụng 12%
Tăng trưởng tín dụng đạt 12% là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nay tới cuối năm. Ở thời điểm hiện tại, nhiều dữ kiện cho thấy mục tiêu này không quá xa vời, cùng với đó, việc bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng là áp lực không nhỏ.
So với năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này đã tốt hơn trong khi tình hình chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước có vẻ ấm hơn so với năm ngoái. Đây là một cơ sở để lạc quan. (Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng với tiền đồng tính đến hết tháng 7 chỉ tăng 0,93% so với cuối năm 2011). Một dữ liệu tích cực nữa là năm nay lạm phát không đáng lo ngại như 2012, điều này tạo dư địa tốt hơn cho điều hành chính sách tiền tệ.
Trên thực tế, cuối tháng 6 vừa qua, NHNN lần lượt công bố các quyết định điều chỉnh về lãi suất, tỷ giá. Với việc hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn sáu tháng trở xuống về 7%/năm, NHNN đã chính thức xác nhận đáy của lãi suất hiện nay. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng được điều chỉnh ở mức 21.036 đồng, tăng 1% so với mức tỷ giá 20.828 đồng áp dụng suốt khoảng 1 năm rưỡi qua. “Lý do cho lần điều chỉnh này là khả năng kiểm soát lạm phát và dư địa sử dụng công cụ lãi suất”, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ được cải thiện, giống quy luật của nhiều năm qua là những tháng cuối năm nhu cầu vốn thường tăng hơn, đặc biệt trong bối cảnh các lãi suất tiếp tục giảm và nhiều gói hỗ trợ được đưa ra. Sự ra đời Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng là một tín hiệu tích cực. Dù không kỳ vọng quá lớn vào số nợ xấu mà VAMC có thể giải quyết, nhưng chắc chắn nó sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, qua đó giúp dòng vốn chảy vào nền kinh tế nhiều hơn. Đặc biệt, việc hoãn Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro vừa qua cũng giúp cho nợ xấu không bị tăng mạnh, các ngân hàng có điều kiện cho vay ra tốt hơn.
Người ta cũng có thể tin tưởng vào khả năng cải thiện rõ rệt của tăng trưởng tín dụng thời gian tới khi nhìn vào quyết tâm của NHNN. Trong Thông cáo báo chí về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2013, NHNN khẳng định, toàn hệ thống thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ 12%.
Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng dù có những tín hiệu tích cực nhưng về cơ bản thì thị trường không thể xuất hiện bước phát triển thần kỳ. “Chúng ta không nên đặt ra các ảo vọng vì thị trường phát triển theo quy luật riêng của nó, mà chính sách chỉ tác động một phần”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Lê Hùng Dũng thận trọng. “Trong 6 tháng cuối năm sẽ có thể ấm lên chứ chúng ta đừng nghĩ sẽ có một bước nhảy vọt phát triển được. Tôi nghĩ thị trường sẽ phục hồi theo từng giai đoạn, cuối 2013 sẽ ấm hơn, sang năm 2014 và 2015 sẽ tốt hơn”. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho rằng, những tháng cuối năm nhu cầu vốn thường tăng hơn, nhưng đó chỉ là một phần, quan trọng nhất là sự khôi phục thực sự của kinh tế vĩ mô. “Khi kinh tế tăng trưởng tốt, doanh nghiệp có nhiều cơ hội kinh doanh, phát triển ổn định, theo đó nhu cầu vay vốn cũng tăng lên”. Ông Tùng cho biết thêm, năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN cho phép OCB ở mức 9%, với tình hình hiện nay có lẽ OCB cũng chỉ sử dụng hết chỉ tiêu này.
Tăng trưởng tín dụng rất cần thiết cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế. Và, cũng không khó khăn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% về mặt số học. Nhưng một bài học mà nhiều ngân hàng thương mại đã thấm thía: nếu đẩy tín dụng ra một cách thiếu kiểm soát, không đúng chuẩn để đạt cho được chỉ tiêu thì những món nợ xấu mới trong tương lai chính là cái giá rất đắt và có thể không trả nổi. Vì lẽ đó, nếu tín dụng không thể tăng trưởng 12% trong năm nay – cũng không phải là một điều tồi tệ.