Áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam sẽ đi ngược lợi ích nước Mỹ?
Theo phân tích của VinaCapital, việc nhắm mục tiêu vào Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ.
Đôi bên đều bất lợi
Mức thuế 46% được đưa ra dựa trên đánh giá của Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) cho rằng Việt Nam đang áp mức thuế 90% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Con số 90% này được tính toán bằng cách lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam chia cho tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam - cụ thể là lấy 123 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2024 chia cho 137 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ.

Mức thuế “đối ứng” được tính theo công thức trên trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), trong đó có ước tính về độ co giãn giá của hàng nhập khẩu từ Mỹ và mức độ tác động của thuế quan đến giá tiêu dùng. Đây cũng là phương pháp mà VinaCapital sử dụng để ước tính tác động dự kiến đến tăng trưởng GDP của Việt Nam do thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn tại Mỹ không kỳ vọng mức thuế của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao hơn đáng kể so với mức 10%, và đã không đẩy mạnh nhập khẩu từ Việt Nam từ trước thời điểm công bố mức áp thuế, nhưng đã tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc và ô tô từ EU.
Phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng, mức thuế đối ứng 46% chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump, và dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này.
Tuy nhiên, ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25%. Điều này sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Theo VinaCapital, việc nhắm mục tiêu vào Việt Nam cũng sẽ đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ.
Cần thêm thời gian để đánh giá tác động thực sự
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã giảm gần 7% trong phiên hôm nay, với lực bán trải đều trên toàn thị trường, cho thấy nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách này đến nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.
Ví dụ, cổ phiếu của FPT - công ty cung cấp dịch vụ gia công phần mềm - giảm tới 7% (giảm sàn) mặc dù mức thuế của chính quyền Tổng thống Trump không tác động gì đến sản phẩm của công ty này.
Trên thị trường ngoại hối, phản ứng ban đầu của tỷ giá USD/VND khá nhẹ nhàng, với mức mất giá chưa đến 1% sau tin tức này - và tổng cộng chưa đến 2% từ đầu năm đến nay. Dựa trên kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và các trường hợp khác (ví dụ như Mexico), thị trường ngoại hối của những quốc gia bị áp thuế thường chứng kiến đồng nội tệ mất giá khoảng một nửa so với mức thuế được áp.
Thực tế, biến động của tỷ giá USD/VND phản ánh việc còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng - bao gồm khả năng sẽ có các “ngoại lệ” (carve-outs) cho một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho biết, hiện tổ chức này đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau, và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn.
Những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP. Trong tháng 2, Chính phủ đã công bố tăng kế hoạch tăng chi cho đầu tư công, vốn đã rất tham vọng trong năm nay - và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này.
Ông Michael Kokalari cho biết: “Thông báo thuế quan ngày 3/4/2025 gây tác động tiêu cực hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ phận Nghiên cứu và Đầu tư để xây dựng danh mục đầu tư tối ưu, tập trung vào việc điều chỉnh rủi ro. Nhiều doanh nghiệp có nền tảng vững chắc có thể bị bán tháo quá mức do ảnh hưởng của thông tin về thuế, vì vậy chúng tôi sẽ duy trì chiến lược đầu tư kỷ luật, tận dụng cơ hội ngay cả trong bối cảnh không thuận lợi đối với Việt Nam”.