APEC cần là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tuần qua tại Bắc Kinh không nằm ngoài mục tiêu tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế thế giới, thông qua thúc đẩy hợp tác đa phương, đặc biệt giữa các khu vực phát triển năng động với những khu vực yếu.

APEC cần là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tuần qua tại Bắc Kinh. Nguồn: internet
Các quan chức tham dự hội nghị nhất trí rằng sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn gặp khó khăn do “những nguy cơ tiêu cực còn hiện hữu”. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có “sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế phát triển lớn”, ám chỉ tới việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm mạnh chương trình thu mua trái phiếu quy mô lớn vốn được triển khai để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu. Giá hàng hoá giảm, dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, khủng hoảng Ukraine và bất ổn chính trị bắt nguồn từ sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tiến trình này.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại đã trở thành yếu tố không nhỏ chi phối nghị sự hội nghị. Sau nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Sự kiện này đứng đầu nghị trình thảo luận của các vị bộ trưởng tài chính APEC. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – 7,3% - và đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua nước này có nguy cơ không đạt được mục tiêu kinh tế đã đề ra, làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang trở thành gánh nặng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Mức tăng này chỉ cao hơn một chút so với mức các nhà phân tích dự báo là 7,2%, tuy nhiên thấp hơn mức 7,5% trong quý II. Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2002. Đầu tư cũng giảm dần mỗi tháng và sản lượng công nghiệp hàng quý, vốn trung bình luôn tăng trên 8%, đã bắt đầu giảm nhẹ từ quý II.

Các số liệu đã củng cố thêm những dự đoán rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ thấp hơn mục tiêu mà nước này đề ra trong năm 2014 là 7,5%, và đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc không đạt được mục tiêu đề ra kể từ năm 1999. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần tuyên bố rằng chính phủ sẽ chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn dự đoán một chút trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực định hình lại nền kinh tế để nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư.

Thị trường bất động sản suy yếu tiếp tục tạo gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý III. Do giá nhà ở sụt giảm tại nhiều thành phố và số công trình xây dựng mới cũng giảm xuống, nên chính phủ Trung Quốc tháng trước đã giảm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số người đi mua nhà. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những số liệu không mấy khả quan của nền kinh tế Trung Quốc khiến lãnh đạo tài chính các nền kinh tế thành viên APEC không khỏi quan ngại. Để trấn an dư luận, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường khẳng định kinh tế Trung Quốc vẫn trong “biên độ tăng trưởng hợp lý” trong ba quý đầu của năm 2014, với một số thay đổi tích cực và mạnh mẽ. Với những chuyển biến tích cực về cơ cấu, việc làm và tiết kiệm năng lượng, ông cho biết các động lực phát triển mới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã “lấy được đà” nhờ việc hợp lý hóa bộ máy quản lý, phân bổ quyền lực và các biện pháp cải cách khác.  

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung gồm 18 điểm tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu và khu vực; đầu tư và tài trợ cơ sở hạ tầng; cải cách chính sách tài khóa và thuế phục vụ tái cơ cấu kinh tế; cải thiện dịch vụ tài chính... Tuyên bố chung khẳng định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với tổng cầu yếu, tăng trưởng không đồng đều và vẫn thấp hơn mức độ cần thiết để tạo việc làm, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tiếp tục lên cao, khu vực APEC, với vai trò là động lực của nền kinh tế thế giới, cần dẫn đầu quá trình phục hồi toàn cầu hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.