App tín dụng đen: Dẹp bỏ bằng cách nào?
Tình trạng tín dụng đen núp bóng các app vay tiền online đang gây ra nhiều hệ lụy và bức xúc trong xã hội. Vậy dẹp bỏ hoạt động này bằng cách nào?
Hệ lụy tín dụng đen qua app
Công an TP. Hồ Chí Minh vừa triệt phá băng nhóm do người Trung Quốc cầm đầu hoạt động cho vay lãi nặng thông qua app tín dụng đen trên điện thoại di động. Nhóm này tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên Vaytocdo, Moreloan, VD online. Các app này được quảng cáo trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... để thu hút người có nhu cầu vay tiền.
Đơn cử khi vay qua ứng dụng Vaytocdo thì người vay lần đầu chỉ được duyệt vay số tiền 1.700.000 đồng, nhưng trên thực tế khách hàng chỉ nhận được số tiền 1.428.000 đồng, còn 272.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu khách vay tiền trả chậm, sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày. Với phương thức như vậy, tính ra các đối tượng đã cho vay với lãi suất 2,5%/ ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm.
Theo giới chuyên gia, dịch vụ cho vay online nói chung và cho vay qua app nói riêng xâm nhập vào thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây và ngày càng phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, không ít các app vay tiền là hình thức biến tướng của tín dụng đen với lãi suất cho vay “cắt cổ” như nêu trên.
Không ít các chuyên gia công nghệ, và cả các app cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam thời gian gần đây đã lên tiếng cảnh báo rằng, hầu hết các app tín dụng đen đang hoạt động ở Việt Nam đều đến từ Trung Quốc. Ước tính có khoảng 60- 70 app tín dụng đen đang đội lốt P2P nhằm mục đích cho vay nặng lãi.
Do việc sử dụng khá dễ dàng; thủ tục cũng rất đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, thông tin một số giấy tờ như hộ khẩu, bằng lái xe hay CMND là có thể vay được tiền; thời gian giải ngân nhanh… nên đã có không ít người bị “sập bẫy”.
Nếu trả nợ đúng hạn còn đỡ; trường hợp không trả đúng hạn, hoặc không có khả năng thanh toán, người vay lập tức sẽ bị đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, bị xúc phạm tới danh dự và nhân phẩm. Không chỉ người vay, mà người thân, bạn bè của họ cũng thường xuyên bị “khủng bố” bằng những cuộc gọi đòi nợ hay những lời đe dọa. Đã có không ít trường hợp phải bán nhà để trả nợ. Cũng có không ít người phải tìm đến cái chết để giải thoát như trường hợp của anh K (27 tuổi)- Giảng viên của một trường cao đẳng ở Kiên Giang hôm 10/5 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Nhiều khoảng trống cần lấp đầy
Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty NextTech, sở dĩ các app tín dụng đen hoành hành khắp nơi do thị trường đang có nhiều khoảng trống.
Thứ nhất là còn thiếu các khoản tín dụng, cho vay nhỏ với thủ tục xét duyệt nhanh gọn và thuận lợi, tín chấp từ các tổ chức tín dụng hợp pháp, có uy tín.
Thứ hai, các loại hình P2P chưa được cấp phép để cung ứng các khoản vay nhỏ và nhanh trên thị trường. “Để đẩy lùi app tín dụng đen, cần sớm đẩy mạnh các hoạt động P2P trên thị trường. Tuy nhiên, việc thí điểm P2P cũng chậm được tiến hành”, ông Bình cho biết và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thử nghiệm P2P để tạo điều kiện cho các công ty cung ứng dịch vụ tài chính qua app một cách minh bạch, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Được biết, NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động P2P. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định này cũng đang khiến không ít người thất vọng khi thiếu các quy định cụ thể để hạn chế rủi ro cũng như bảo vệ người đi vay và cho vay; đặc biệt vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động P2P.
NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động P2P.
Thậm chí ngay cả khi có hành lang pháp lý cho P2P, cũng như có các sàn hoặc các app P2P chính thống được cấp phép, nhiều chuyên gia cho rằng chừng đó vẫn chưa đủ để có thể dẹp bỏ các app tín dụng đen. “Vũ khí của những app này chính là thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng. Trong khi các app chính thống sẽ cần phải có những thủ tục chặt chẽ hơn để giảm thiểu rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay”, một chuyên gia cho biết và dẫn chứng một thực tế là mặc dù hiện mạng lưới của các TCTD đã được phủ rộng khắp, thủ tục cho vay cũng được đơn giản hóa, nhưng tín dụng đen vẫn “sống như cỏ dại”.
“Muốn dẹp bỏ các app tín dụng đen nói riêng, tình trạng tín dụng đen nói chung, cần phải có sự hợp lực của nhiều bộ, ngành, địa phương, chứ một mình NHNN là không thể. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.