Ba điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam
(Tài chính) Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm đã có nhiều khả quan, song vẫn có 3 điểm hạn chế cần lưu ý giải quyết trong thời gian tới.
Lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu thực hiện vượt kế hoạch từ 3-5% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96,5 tỷ USD (tăng 15,7%), nhập khẩu ước tính 96,6 tỷ USD (tăng 15,5%). Thu hút FDI, ODA và kiều hối ấn tượng; nguồn vốn FDI đăng ký cả mới và bổ sung đạt trên 15 tỷ USD (tăng 36,1%, vươt kế hoạch)...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn bộ lộ 3 điểm yếu cần tập trung giải quyết trong thời gian tới:
Thứ nhất, sản xuất công nghiệp và cầu thị trường phục hồi chậm. Xem xét sâu về thành phần tăng trưởng GDP cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng khoảng 5,6%, chỉ mới bằng cùng kỳ năm 2012; tốc độ tăng chỉ số hàng tồn kho tháng 9 ước xấp xỉ 9%, giảm hơn 2 lần so với đầu năm (21,5%) và cùng kỳ năm 2012 (20,4%), song mức giảm này chủ yếu do khó khăn nên các doanh nghiệp tiết giảm sản xuất (Trong 9 tháng đã có 42.459 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2012 và vào thời điểm tháng 8 có khoảng 66% doanh nghiệp không có khả năng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp).
Thứ hai, tồn kho bất động sản vẫn còn rất cao. Nhờ các biện pháp tổng thể của Chính phủ hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 01 và 02, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2013 đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tồn kho bất động sản hiện nay vẫn rất lớn. Mặc dù thống kê của Bộ âXy dựng cho thấy giá trị bất động sản tồn kho trong nửa đầu năm 2013 ước tính còn khoảng 108.000 tỷ đồng, giảm khoảng 15,4% so với đầu năm. Song theo thống kê từ 700 doanh nghiệp niêm yết, tỷ lệ hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang ở mức rất cao, khoảng 34,7%.
Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản cũng có xu hướng tăng và ở ngưỡng 6,53% (tương đương 15.500 tỷ đồng) cao hơn so với mức nợ xấu trung bình 4,65% của toàn hệ thống (thời điểm giữa năm 2013). Nhiều dự án bất động sản triển khai chậm tiến độ, không triển khai hoặc bị tạm dừng, bị thu hồi giấy phép đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Thứ ba, thị trường chứng khoán vẫn còn trầm lắng. Tính đến 26/9/2013, VN- Index tăng 3,98 điểm (+0,8%). Khối lượng cổ phiếu giao dịch bình quân trong quý III trên cả hai sàn Hồ Chí Minh và Hà Nội đạt 54,8 triệu cổ phiếu/phiên (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng/phiên), chỉ bằng 50% so với mức 104 triệu cổ phiếu/phiên của 6 tháng đầu năm 2013. Giá trị vốn hóa toàn thị trường trong quý III đạt khoảng 889 tỷ đồng, tuy tăng cao hơn 2,3% và 0,45% so với hai quý đầu năm nhưng không nhiều. Các quỹ ETFs đã rút ra khoảng 80% giá trị cổ phiếu đã mua vào trong 5 tháng đầu năm.
Thị trường chứng khoán giao dịch trầm lắng, sự hấp dẫn giảm sút có nguyên nhân do các chỉ số kinh tế vĩ mô tuy có cải thiện nhưng chưa vững chắc; các chính sách hỗ trợ thị trường (gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, xử lý nợ xấu thông qua VAMC...) diễn ra chậm và chưa có tác động hỗ trợ thị trường, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp thanh khoản thị trường như tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVRD), hay việc tham gia Hiệp định TPP của Việt Nam vẫn chưa có kết quả cụ thể...