Ba nguyên nhân cản trở sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp Việt
Ông Nguyễn Đình Cung đặc biệt nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, chỉ riêng kiểm tra chuyên ngành có đến 300 văn bản được ban hành, được thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau.
Đây là ý kiến được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) đưa ra trong bài tham luận mới nhất tại hội thảo về nông nghiệp vừa được tổ chức.
Theo đó, người đứng đầu CIEM cho rằng, sau gần 10 năm, khu vực doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng được hình thành và phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Nếu tính cả doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp lĩnh vực khác có đầu tư vào nông nghiệp, cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp, chiếm khoảng 8% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Trong tổng số các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay, có 89% thuộc khu vực ngoài Nhà nước, 8% thuộc khu vực Nhà nước và 3% thuộc khu vực FDI.
Nếu xét theo lĩnh vực, trong số các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay, 50% là trong lĩnh vực nông nghiệp, 35% trong lĩnh vực thủy sản và 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp phi nông nghiệp quy mô lớn đã đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp.
Sự hình thành và phát triển khu vực doanh nghiệp đã từng bước làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, tuy nhiên, so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, TS. Cung cho rằng, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.
Theo đó, ông Nguyễn Đình Cung đã đưa ra ba khó khăn, bất cập cản trở sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam.
Thứ nhất, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Viện trưởng CIEM cho rằng, quá trình hình thành và phát triển của một doanh nghiệp nông nghiệp trải qua nhiều giai đoạn với nhiều hoạt động khác nhau, từ đăng ký doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng đến giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Quá trình này chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và địa phương với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thậm chí trong một số trường hợp chỉ là công văn, hướng dẫn hoặc thông báo.
Riêng về kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có khoảng 300 văn bản được ban hành, thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau. Cùng với đó, cách thức quản lý nhà nước của các bộ, ngành chưa hiện đại, còn dựa nhiều vào cách quản lý "tiền kiểm"; tính ổn định của các văn bản luật chưa cao, trung bình khoảng 8 - 10 năm là phải sửa đổi, điều chỉnh một lần.
"Điều này làm cho môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo", ông Cung cho hay.
Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Đình Cung lấy ví dụ, theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/2/2015, các dự án trồng cây công nghiệp, vùng trồng cây thức ăn gia súc, vùng trồng rau, hoa tập trung có diện tích từ 50 ha trở lên là phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn hàng hóa tốt (VietGAP, GlobalGAP) ít ảnh hưởng đến môi trường nên việc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường là không cần thiết.
Trong khi đó, theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), hiện nay còn nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thể tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh như kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh; kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thủy sản; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh phân bón; kinh doanh giống cây trồng.
"Việc thực hiện các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không cần thiết luôn gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, kể cả chi phí không chính thức. Hiện nay chưa có số liệu đánh giá riêng cho khu vực doanh nghiệp nông nghiệp nhưng thông qua báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới và báo cáo PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phần nào thấy được khó khăn này", Viện trưởng CIEM nhận định.
Cụ thể, báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, thủ tục nộp thuế trong một năm của các doanh nghiệp Việt Nam phải mất trung bình khoảng 478 giờ, trong khi các nước khác chỉ mất khoảng 64 giờ đến 262 giờ.
Còn theo báo cáo PCI năm 2017 của VCCI, có tới 45% doanh nghiệp FDI cho rằng có cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức.
Mức chi trả cho các khoản không chính thức phần lớn là dưới 1% thu nhập hàng năm của doanh nghiệp, đặc biệt có tới 2,6% doanh nghiệp phải chi trả trên 10% thu nhập doanh nghiệp.
Ông Cung đánh giá, sau nhiều năm có sự cải thiện đáng kể, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng khó hơn nên rất có thể những năm tiếp theo môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn khó được cải thiện vượt bậc, thậm chí theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh năm 2019 của Việt Nam xếp thứ 69, tụt một bậc so với năm 2018.
Bất cập thứ hai, theo Viện trưởng CIEM là tiếp cận một số nguồn lực còn khó khăn. Ông Cung cho biết, quá trình đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có 2 nguồn lực quan trọng là đất đai và nguồn vốn.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cả 2 nguồn lực này. Về đất nông nghiệp, một số quy định trong Luật Đất đai 2013 đang hạn chế doanh nghiệp tiếp cận đối với đất nông nghiệp, điển hình như những quy định về công tác quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang quá chi tiết và hạn chế sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Hay, không cho xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm là ngắn so với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao", ông nói.
Về vốn, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nguyên nhân chính là do thủ tục phức tạp, điều kiện khó khăn, một số quy định chưa phù hợp với thực tế, thậm chí ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương không có khả năng bố trí nhiều để thực hiện những chính sách này.
Khó khăn thứ ba gây trở ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp, theo ông Cung là sự hỗ trợ của chính quyền chưa đủ mạnh.
Ông cho biết, hiện nay chính quyền địa phương nhiều nơi đang quá tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hơn là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các địa phương đều quy hoạch các khu công nghiệp và có chính sách hỗ trợ hạ tầng điện, nước, giao thông đến hàng rào doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
"Nhưng chưa có nhiều địa phương ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kể cả nông nghiệp công nghệ cao. Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 210 ngày 19/12/2013 của chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn cho thấy, đến năm 2017, cả nước mới triển khai được 64 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư là 6.400 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách mới chiếm 5,9%", đại diện CIEM thông tin.
Nguyên nhân chính được ông Cung đưa ra là các địa phương chưa thực sự vào cuộc dẫn đến việc bố trí vốn hỗ trợ rất ít, thậm chí vốn trung ương giao về cho các địa phương nhưng địa phương không bố trí hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, chủ trương thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đang được trung ương thúc đẩy thực hiện nhưng thực tế chưa có nhiều địa phương ban hành được kế hoạch và chính sách hỗ trợ thực hiện, nếu có thì mỗi địa phương làm một kiểu vì thiếu sự hướng dẫn của trung ương.
"Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Đặt mục tiêu này đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển doanh nghiệp, đưa tốc độ phát triển doanh nghiệp trung bình từ 9,6%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 17,7%/năm giai đoạn 2016 - 2020, tương đương từ 442.485 doanh nghiệp năm 2015 lên 1.000.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Để làm được điều này thì cần phải nỗ lực giải quyết những bất cập trên, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới", ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.