Ba vấn đề của hàng không Việt Nam

Tư Hải

(Tài chính) Càng đầu tư, chất lượng phục vụ càng giảm, thiếu giá trị cốt lõi và không có định hướng phát triển là 3 vấn đề của hàng không Việt Nam hiện tại. Do thế mà không chỉ hãng hàng không tiềm lực mạnh như Vietnam Airlines, mà các hãng hàng không nhỏ còn lại đều "khó nhọc" cất cánh.

Ba vấn đề của hàng không Việt Nam
Hãng hàng không càng nhỏ, thì tỷ lệ hoãn, chậm chuyến càng lớn. Nguồn: internet

Đầu tư tăng, chất lượng giảm, đó là thực tế hiện tại của hàng không Việt Nam, do chính cơ quan quản lý chuyên ngành - Cục Hàng không Việt Nam - thừa nhận. Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không nội địa đã lên tới 25%, tăng tới 9% so với cùng kỳ của năm trước đó.

Số 25% có thể là khó ước tính, nên có thể hình dung một cách đơn giản hơn, là trong 6 tháng qua, cứ 4 chuyến bay của tất cả các hãng hàng không nội địa, thì có 1 chuyến bị chậm, hoặc hủy bay. Đó là một con số khó tin ở ngành được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng những năm qua và hiện được quản lý theo những tiêu chuẩn chung, hiện đại, áp dụng cho toàn thế giới là hàng không.

Hoãn, hủy chuyến do năng lực kém

Nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không nội địa chủ yếu xuất phát từ năng lực phục vụ, nói cách khác là xuất phát từ chính các hãng hàng không, các cảng hàng không. Cụ thể, có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy là từ nguyên nhân này, cũng lại cao hơn tới 42,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Mặt khác, khi xảy ra chậm, hủy chuyến, cách giải quyết của nhiều hãng hàng không lại chưa thỏa đáng, dẫn tới tình trạng hành khách bức xúc, gây mất trật tự, từ đó kéo dài thời gian làm thủ tục cho hành khách khác.

Cũng có nhiều chuyến bay bị hoãn hay hủy chuyến vì lý do thương mại (không đủ hàng và khách để bay) và cơ sở vật chất của một số cảng hàng không cũng chưa đủ để phục vụ khách sử dụng dịch vụ, nhất là vào những giờ cao điểm, làm các máy bay phải chờ, dù đã tới giờ cất cánh…

Từ nhiều năm nay, thị trường hàng không Việt Nam luôn có mức tăng trưởng khá tốt. Năm 2014, hết 6 tháng đầu năm đã có 16,3 triệu lượt hành khách, và 372.000 tấn hàng hóa sử dụng các dịch vụ hàng không do các hãng nội địa cung cấp, đạt tỷ lệ tăng trưởng 13% về lượng hành khách và 24% về tấn hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính từ các cảng hàng không, thì đã có tổng cộng 24,7 triệu lượt khách, 448.000 tấn hàng hóa thông quan các cảng hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 15% về số hành khách và 22% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2013.

Tăng trưởng của hàng không đã đạt cả về số lượng khách tham gia, lẫn tổng đầu tư cho ngành. Nhưng thay vì nâng cao, ngành hàng không lại giảm hẳn về chất lượng quản lý, phục vụ.

Cụ thể, trong khi tăng trưởng về số lượng hành khách không quá 15%, tăng trưởng sản lượng hàng hóa cũng chưa quá 24%, thì tỷ lệ hoãn, hủy, sự cố bay có nguyên nhân trực tiếp từ khả năng phục vụ của các hãng hàng không, cảng hàng không đã tăng tới 42,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đó mới là vấn đề đáng báo động. Vì thực tế, càng thời gian gần đây, những sự cố hàng không của các hãng hàng không nội càng ở mức độ tồi tệ hơn. Bao gồm cả những vụ việc cười ra nước mắt, chẳng hạn như việc không biết rơi bánh đáp lúc nào, hay là việc hạ cánh nhầm sân bay gần đây.

"Bay" về phương trời nào?

Báo cáo của Cục Hàng không về thực tế hoạt động ngành hàng không Việt Nam 6 tháng qua có chi tiết rất hay. Đó là, càng hãng hàng không "trẻ" tuổi, hoặc hãng hàng không nhỏ, thì tỷ lệ hoãn, chậm chuyến càng lớn.

Cụ thể, VietjetAir có tới 51% chuyến bay chậm, hủy trên tổng số chuyến bay đã thực hiện, Jetstar Pacific có tỷ lệ là 50%, Vasco - hãng hàng không nhỏ, nhưng đã có 20 năm tuổi, chuyên khai thác các đường bay ngắn ở phía Nam - có tỷ lệ hoãn, hủy chuyến 17% tổng số chuyến của hãng. Chỉ riêng Vietnam Airlines thì tỷ lệ hoãn, hủy chuyến chỉ là 14%, thấp hơn so với các hãng hàng không nước ngoài (khoảng 15%), chứ chưa cần so với các hãng nội địa.
Tuy nhiên, cách "thống kê" này dễ dẫn tới một hiểu nhầm về thực tế của hàng không Việt.

Dường như chỉ Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia, với tiềm lực cơ sở vật chất hùng mạnh - thì mới có tỷ lệ hoãn, chậm, hủy chuyến thấp. Các hãng còn lại, được gọi là hàng không giá rẻ, tiềm lực vật chất nhỏ thì chất lượng phục vụ mới thấp. Rẻ đã được đồng nghĩa với chất lượng thấp. Và đối với ngành hàng không, đó là cách hiểu sai lầm.

Vì quyết định kinh doanh hàng không có giá vé rẻ là lựa chọn kinh doanh của từng hãng hàng không. Nhưng quản lý chất lượng dịch vụ và năng lực phục vụ của hãng hàng không thì lại là nhiệm vụ của Cục Hàng không.

Nói cách khác là bất kể giá rẻ hay không rẻ, thì chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không vẫn bắt buộc phải đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách bay. Do thế, trong sự suy giảm chất lượng phục vụ của các hãng hàng không nội, thể hiện cụ thể ở gia tăng tỷ lệ chậm, hủy chuyến, có trách nhiệm không quản lý được tốt của Cục Hàng không, trước khi là hạn chế của các hãng hàng không.

Thứ nữa, cách "thống kê" của Cục Hàng không dường như cho thấy ở Việt Nam chỉ tồn tại 2 loại hàng không giá rẻ và hàng không giá không rẻ. Đó cũng lại là sai nữa. Giá vé hàng không của các hãng Việt Nam rẻ là so với nhau, chứ không phải là so với chất lượng dịch vụ đem lại.

Trong đó, giá vé của Vietnam Airlines được mặc định coi như là "chuẩn", để các hãng hàng không sinh sau căn cứ và xác lập giá vé của mình. Có nghĩa là thay vì xác định giá trị cốt lõi trong hoạt động, tạo ra các khác biệt về chất lượng dịch vụ tương ứng với giá thành vé… để cạnh tranh, thì ngay từ khi ra đời các hãng hàng không đã lao vào cuộc chiến giá vé để cạnh tranh. Kết quả là chất lượng dịch vụ bị suy giảm không đúng như cam kết ban đầu.

Rõ ràng là, giá vé rẻ không thể là định hướng phát triển, cũng không tạo nên giá trị cốt lõi trong hoạt động của bất kỳ hãng hàng không nào. Thế nhưng, giá vé rẻ lại hiện đang tạo nên nét "sinh động" nhất của thị trường hàng không Việt. Trong sự hạn chế này, nên quy trách nhiệm cho ai, cho hành khách, hãng hàng không, hay cơ quan quản lý?