Loạt bài: Ổn định thị trường vàng, vững tâm lý người đầu tư

Bài 1: Bỏ độc quyền giúp phát huy thế mạnh xuất khẩu vàng trang sức

Tuấn Thủy

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Huỳnh Trùng Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, bỏ độc quyền vàng không chỉ giúp hạ giá vàng, liên thông thế giới mà còn thúc đẩy xuất khẩu trang sức, một tiềm năng lớn của Việt Nam.

Phóng viên: Sau hơn 10 năm thực thi, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang trở thành “chủ đề nóng” và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, tổng kết lại. Theo ông, một số quy định trong Nghị định này có tác động như thế nào đến thị trường vàng trong thời gian qua?

Ông Huỳnh Trùng Khánh: Trước năm 2012, thị trường vàng rất “lộn xộn”, “vàng hóa” các giao dịch nên gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm ổn định lại thị trường trong sự quản lý khắt khe của NHNN.

Ông Huỳnh Trùng Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Trùng Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam.

Theo thông tin từ NHNN, trong 10 năm gần đây, NHNN hầu như không cho sản xuất một lượng vàng mới nào, cũng không nhập khẩu một ký vàng nguyên liệu nào. Thành thử ra, trong thập kỷ qua, lượng cung vàng trên thị trường luôn trong tình trạng khan hiếm. Khan hiếm từ vàng miếng SJC đến khan hiếm vàng nguyên liệu. Cung “cạn” ắt sẽ đẩy giá thành lên cao, mới có hiện tượng giá vàng SJC có lúc chênh với giá vàng thế giới hơn 20 triệu đồng một lượng, cả chênh lệch giữa vàng SJC với vàng nhẫn tới hơn chục triệu một lượng.

Trước tình trạng vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời để ổn định thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế.

Có thể thấy, sau những cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phía NHNN cũng đã có tuyên bố sẽ xem xét, nghiên cứu dỡ bỏ độc quyền thương hiệu, đà tăng giá vàng trong nước đã ít nhiều chững lại. Mặc dù, giá vàng thế giới tăng liên tiếp lập kỷ lục mới, nhưng giá vàng SJC trong nước vẫn quanh ngưỡng 80-81 triệu đồng/lượng, không tăng lên. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp lại từ 20 triệu đồng xuống còn 11-12 triệu đồng/lượng.

Như vậy, mới chỉ là những tuyên bố về mặt chủ trương chính sách thôi mà giá vàng trong nước đã được kiềm chế. Đấy là còn chưa tăng nguồn cung vàng miếng, chưa chính thức sửa đổi chính sách, chưa có có quyết định gỡ bỏ độc quyền quản lý vàng, mà mức chênh lệch đã giảm.

Phóng viên: Ông có thể giải thích rõ hơn về thương hiệu vàng SJC?

Ông Huỳnh Trùng Khánh: Trước năm 2012, thị trường có rất nhiều thương hiệu vàng, cũng rất nhiều đơn vị được nhập khẩu vàng như các công ty kinh doanh vàng, các ngân hàng thương mại. Khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng  SJC.

SJC là thương hiệu của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Tức là vàng miếng được niêm phong theo khuôn mẫu của SJC, khi nào cần thì mở niêm phong ra. Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng/lượng.

Phóng viên: Thế còn đối với vàng trang sức, cơ chế quản lý độc quyền nhập và xuất khẩu vàng có ảnh hưởng gì tới chế tác vàng trang sức – một thị trường cũng rất tiềm năng, thưa ông?

Ông Huỳnh Trùng Khánh: Trong 10 năm qua, Nhà nước quản lý rất chặt vàng miếng, còn vàng trang sức vẫn cho buôn bán tự do. Tuy nhiên, NHNN chưa cho nhập vàng nguyên liệu, dẫn đến việc chế tác vàng trang sức cũng phần nào bị hạn chế.  

Tháng 8/2023, VGTA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép một số đơn vị đầu ngành Chế tác trang sức (3 đơn vị: SJC, PNJ, DOJI) nhập thêm vàng nguyên liệu về để chế tác vàng trang sức. Mỗi đơn vị được nhập khoảng 500 kg vàng nguyên liệu trong 3 - 6 tháng để chế tác nữ trang vàng cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được đồng ý.

Thực ra, ngành Chế tác trang sức Việt Nam cũng đã thỏa mãn được nhu cầu trong nước. Các doanh nghiệp lớn trong nước (PNJ, DOJI, SJC) đều đầu tư máy móc hiện đại, tự chế tác được, không cần nhập vàng trang sức.

Tuy nhiên, nếu được nhập nguyên liệu, ngành Chế tác vàng trang sức Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ, mở rộng cánh cửa xuất khẩu trong tương lai. Có thể nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore, họ đều xuất khẩu nữ trang rất nhiều và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, cơ chế và chính sách chưa cho phép chúng ta phát huy xuất khẩu vàng trang sức. Có một số đơn vị trong nước đã xuất nhưng không đáng kể.

Phóng viên: Ông có đề xuất gì để thị trường vàng sớm ổn định, liên thông với quốc tế?

Ông Huỳnh Trùng Khánh: Vấn đề này, những ngày gần đây, Chính phủ đã có chỉ đạo. NHNN và các chuyên gia đều hướng đến sửa đổi, gỡ bỏ độc quyền nhà nước đối với thương hiệu vàng miếng SJC. Vì chính việc độc quyền đã đẩy vàng thương hiệu SJC trong nước luôn cao hơn thế giới đến như tôi đã nói ở trên, chưa kể tình trạng buôn lậu, thao túng thị trường....

Tuy nhiên, muốn sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không phải là một sớm một chiều làm được, phải có sự cho phép từ Chính phủ và NHNN, phải lấy ý kiến rộng rãi, sau đó trình các cấp có thẩm quyền, nên cần có thời gian.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!