Loạt bài: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững

Bài 3: Xây dựng hệ thống thuế thông minh: Khi công nghệ dẫn đường, niềm tin làm đích đến

Thùy Linh

Chuyển đổi số trong ngành Thuế không đơn thuần là sự thay đổi về công nghệ, mà là một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy, mô hình quản lý và phương thức tương tác giữa nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Phía sau những con số ấn tượng về hóa đơn điện tử, dịch vụ công trực tuyến hay dữ liệu số là cuộc “cách mạng nhận thức” chưa từng có trong ngành thuế Việt Nam.

Bước tiến lớn về công nghệ và dữ liệu

Trong suốt thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành Thuế được triển khai sâu rộng trên nhiều trụ cột quan trọng: Từ khai, nộp, hoàn thuế điện tử, đến hóa đơn điện tử, cổng thông tin cho nhà cung cấp nước ngoài, thương mại điện tử và hệ thống tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia. Đến nay, ngành Thuế đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.

Thực hiện: Ngô Hoàn.
Thực hiện: Ngô Hoàn.

Những thành tựu này đã góp phần định hình một hệ thống thuế hiện đại, công khai, thuận tiện và tiệm cận với mô hình quản lý thuế tiên tiến trên thế giới.

Những rào cản phía sau cuộc cách mạng số

Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng ấy không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Đó là hành trình đầy gian nan mà mỗi cán bộ thuế đều phải trải qua – một hành trình vượt qua cả rào cản hạ tầng, kỹ thuật lẫn tâm lý, văn hóa và thói quen quản lý cũ.

Một trong những thách thức đầu tiên và lớn nhất mà ngành Thuế phải đối mặt khi bước vào chuyển đổi số là hạ tầng công nghệ. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý thuế hay kết nối dữ liệu ở các đô thị lớn đã là một thách thức, thì với các chi cục thuế ở vùng sâu, vùng xa – nơi hạ tầng viễn thông còn hạn chế, thiết bị lạc hậu, cán bộ kiêm nhiệm nhiều vai trò – khó khăn lại nhân lên gấp bội.

Còn nhớ trước đây, ở những vùng sâu, vùng xa, có cán bộ thuế vẫn phải sử dụng máy tính cũ, mạng internet chập chờn, không có kỹ sư công nghệ hỗ trợ tại chỗ. Các phần mềm mới khi vận hành thường gặp lỗi, không tương thích với hệ thống máy tính của doanh nghiệp, gây tắc nghẽn, sai sót dữ liệu, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý hồ sơ thuế. Trong giai đoạn đầu triển khai, hàng ngàn lỗi kỹ thuật phát sinh buộc cán bộ thuế vừa phải là người vận hành, vừa là người hỗ trợ kỹ thuật, vừa là người “gỡ rối” tâm lý cho người nộp thuế.

Song, khó khăn lớn hơn lại nằm ở chính con người. Nếu hạ tầng kỹ thuật là rào cản dễ thấy, thì rào cản về tư duy, thói quen cũ và tâm lý e ngại lại là những thử thách ngấm ngầm nhưng bền bỉ. Trong nhiều năm, ngành Thuế vận hành dựa trên mô hình quản lý trực tiếp, thủ công, với cơ sở dữ liệu phân tán, việc xử lý thủ tục thuế gắn với hồ sơ giấy, gặp gỡ trực tiếp giữa cán bộ và người nộp thuế. Điều đó dễ làm nảy sinh cơ chế xin – cho, thỏa thuận không chính thức.

Khi chuyển sang hình thức số hóa, công khai và minh bạch, không ít người kinh doanh nhỏ lẻ cảm thấy “lạ lẫm”, bối rối với các khái niệm như chữ ký số, mã số thuế, phần mềm kê khai, hóa đơn điện tử. Có người phản ứng vì cho rằng: “Doanh thu chỉ vài triệu, sao cũng bắt phải kê khai?”, “Cài máy tính tiền làm gì cho phức tạp?”...

Vượt qua được tâm lý “ngại thay đổi” đó là cả một quá trình thuyết phục, đồng hành, hỗ trợ từ phía cán bộ thuế – những người không chỉ làm công việc chuyên môn mà còn phải trở thành người truyền thông, thậm chí người tư vấn công nghệ cho hàng chục nghìn hộ kinh doanh.

Ngành Thuế đang dần thoát khỏi "bóng dáng" của một mô hình quản lý hành chính lạc hậu, để xây dựng một hệ thống thuế công bằng, minh bạch.
Ngành Thuế đang dần thoát khỏi "bóng dáng" của một mô hình quản lý hành chính lạc hậu, để xây dựng một hệ thống thuế công bằng, minh bạch.

Vượt qua sự “kháng cự” từ hệ thống cũ

Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi phải đụng đến lợi ích và thói quen của cả hệ thống. Trong quá trình chuyển đổi số, ngành Thuế đã phải đối mặt với sự “kháng cự thầm lặng” từ chính những mô hình cũ vốn đã vận hành quen thuộc hàng chục năm. Như câu chuyện về cơ chế thuế khoán, dù nhiều bất cập, vẫn là lựa chọn “an toàn” cho cả cơ quan quản lý và người kinh doanh. Chuyển sang mô hình quản lý bằng dữ liệu, hóa đơn điện tử, kê khai theo doanh thu thực tế đồng nghĩa với việc phải đối mặt với minh bạch, với giám sát, với trách nhiệm pháp lý rõ ràng hơn.

Chính vì vậy, việc ban hành các chính sách như Nghị định 70/2025/NĐ-CP hay Nghị quyết 68-NQ/TW về chấm dứt thuế khoán không chỉ là bước ngoặt pháp lý, mà là sự dũng cảm về chính trị và thể chế. Ngành Thuế buộc phải đi đầu, phải kiên quyết và không thoái lui trước những áp lực ngầm, những phản ứng từ một bộ phận lợi ích quen “mập mờ”.

Hành trình chuyển đổi số của ngành Thuế chắc chắn chưa kết thúc – và sẽ còn nhiều chông gai phía trước. Nhưng có một điều không thể phủ nhận: Đây là con đường duy nhất nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền tài chính công khai, hiện đại và hội nhập. Những nỗ lực thầm lặng của hàng vạn cán bộ thuế ở mọi miền đất nước, từ hỗ trợ doanh nghiệp khai hóa đơn điện tử, hướng dẫn hộ kinh doanh cài đặt máy tính tiền, đến việc xử lý hàng triệu dòng dữ liệu mỗi ngày… là minh chứng cho một quyết tâm cải cách sâu rộng, không phô trương nhưng vô cùng kiên cường.

Với mỗi bước tiến trong chuyển đổi số, ngành Thuế đang dần thoát khỏi bóng dáng của một mô hình quản lý hành chính lạc hậu, để xây dựng một hệ thống thuế công bằng, minh bạch – nơi công nghệ không chỉ là công cụ, mà là nền tảng cho sự phát triển bền vững, và nơi mỗi cán bộ thuế không chỉ là công chức, mà là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa quốc gia.

Chuyển đổi số trong ngành Thuế, suy cho cùng, không chỉ là việc triển khai phần mềm hay nâng cấp hệ thống. Đó là cuộc cách mạng nhận thức – nơi mỗi cán bộ thuế phải thay đổi tư duy, học hỏi kỹ năng mới, và chấp nhận rũ bỏ thói quen cũ để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong một môi trường hoàn toàn mới. Ngành Thuế đang dần thoát khỏi hình ảnh cồng kềnh, thủ công để kiến tạo một hệ thống thuế thông minh – nơi công nghệ là nền tảng, dữ liệu là tài sản, và niềm tin xã hội là đích đến cuối cùng.