Loạt bài: Chính sách tài khóa: “Bệ đỡ” hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển
Bài 4: Thành tựu phát triển kinh tế không thể thiếu sự đóng góp tích cực của chính sách tài khoá
Trao đổi với Tạp chí Tài chính bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, những thành tựu, kết quả nền kinh tế đã đạt được không thể không nói đến sự đóng góp tích cực của chính sách tài khoá.
Đóng góp tích cực vào phục hồi, phát triển kinh tế
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế của nước ta thời gian qua, đặc biệt là 3 năm qua khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức?
Đại biểu Lê Minh Nam: Các năm qua, kinh tế nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, các vấn đề bất ổn của kinh tế chính trị thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng, các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh tăng… Tất cả các yếu tố đó đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu ảnh hưởng nhiều từ những tác động bên ngoài.
Bên cạnh đó, nội tại nền kinh tế cũng đối diện với những khó khăn, thách thức, do dịch bệnh tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, đến việc làm, thu nhập và suy giảm nhu cầu tiêu dùng… Vì vậy, với khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao, chưa bền vững lại chịu những tác động bên ngoài đã làm nền kinh tế nước ta phải gồng lên để chống đỡ, ứng phó để có thể phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự nỗ lực đổi mới phương thức thể chế hoá chính sách của Quốc hội; sự quyết liệt trong quản lý điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, nền kinh tế nước ta đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Theo đó, GDP của nước ta năm 2022 tăng trưởng 8,02%, năm 2023 tăng trưởng 5,05%, quý I/2024 tăng trưởng 5,66%. Tuy năm 2023 tăng trưởng không đạt mục tiêu 6,5% và tốc độ tăng trưởng quý I/2024 chưa cao nhưng so với khu vực, thế giới song đây cũng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Đặc biệt, chúng ta đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, có tăng trưởng… đảm bảo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước, giữ vững an ninh quốc phòng, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội và chủ động trong thực hiện chính sách ngoại giao.
Phóng viên: Trong kết quả chung của nền kinh tế, theo ông, chính sách tài khoá có những đóng góp như thế nào?
Đại biểu Lê Minh Nam: Nền kinh tế đạt được những kết quả, thành tựu như trên không thể không nói đến sự đóng góp của chính sách tài khoá.
Để thúc đẩy phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch và ứng phó với những khó khăn như tôi đề cập ở trên, Quốc hội khoá XV đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp, chính sách tài khoá, tiền tệ đã mang lại kết quả rất tích cực giúp chúng ta đạt được những kết quả, thành tựu nêu trên. Trong đó, theo tôi, chính sách tài khoá có những đóng góp tích cực trên một số khía cạnh sau:
Một là, thông qua công cụ thuế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân như miễn, giảm, giãn, hoãn các loại thuế. Điển hình như chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm các loại phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; giảm thuế giá trị gia tăng để tăng tiêu dùng, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm góp phần ổn định đời sống nhân dân…
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 tổng các chính sách hỗ trợ này lên đến 191 nghìn tỷ đồng nhưng thu ngân sách vẫn tăng so với dự toán. Điều này khẳng định việc miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí đã phát huy mục tiêu chính sách, tạo động lực thúc đẩy phát triển nguồn thu.
Cùng với đó, ngành Tài chính cũng đã nỗ lực triển khai các giải pháp công khai minh bạch, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; ứng dụng công nghệ, triển khai hoá đơn điện tử, tăng cường tổ chức thu thuế thương mại điện tử, cổng thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài… đã giúp công tác thu thuế, quản lý thuế tốt hơn, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Hai là, chi tiêu công cũng có những điểm rất tích cực, về cơ cấu chi đã từng bước tăng tỷ trọng chi đầu tư so với chi thường xuyên, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đây là nền tảng thúc đấy phải triển kinh tế không chỉ trước mắt mà còn là dài hạn. Thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung đầu tư cho các dự án giao thông, chống biến đổi khí hậu, cơ cấu lại kinh tế… là những giải pháp rất tích cực giúp nền kinh tế ổn định, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ba là, thực hiện chính sách tài khoá về quản lý vay nợ. Chúng ta thấy rằng, tỷ lệ nợ công hiện đang ở ngưỡng 37% GDP, nợ Chính phủ 34% GDP, trong cơ cấu nợ Chính phủ có đến 71% nợ trong nước… Điều này đã khẳng định mức độ dần chủ động về quản lý nợ hướng đến bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hỗ trợ đúng nhóm đối tượng trọng tâm, trọng điểm
Phóng viên: Theo ông, có nên mở rộng miễn, giảm thuế theo diện rộng không?
Đại biểu Lê Minh Nam: Thuế không chỉ là một công cụ phục vụ thu ngân sách nhà nước mà còn là công cụ để quản lý vĩ mô, sử dụng quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế để thúc đẩy phát triển hoặc quản lý, kiểm soát những hoạt động, lĩnh vực không khuyến khích. Do đó, chính sách thuế cần quan tâm xem xét, đánh giá căn cứ thực tế đặc thù nền kinh tế Việt Nam, xu hướng phát triển, các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam để có các chính sách thuế nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này.
Về việc miễn, giảm thuế cần đánh giá tổng thể, toàn diện để lựa chọn những nhóm lĩnh vực, nhóm đối tượng có trọng tâm, trọng điểm mà Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển gắn với các mục tiêu kinh tế - xã hội trong cả ngắn, trung và dài hạn. Nếu miễn giảm đồng bộ cho nhiều đối tượng thì lúc đó là chính sách thuế áp dụng chung, phổ biến chứ không còn là công cụ quản lý, điều tiết, hỗ trợ theo mục tiêu của Nhà nước nữa.
Có thể nói, công cụ chính sách thuế được vận hành hiệu quả, tác động thực tiễn cao sẽ mang lại hiệu quả phát triển cả về kinh tế và xã hội.
Phóng viên: Vậy, ngoài chính sách tài khoá, cần có thêm chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ, thưa ông?
Theo tôi, chính sách tài khoá cũng cần song hành, kết hợp linh hoạt với chính sách tiền tệ để tạo xung lực, nâng cao hiệu quả của chính sách.
Nếu chúng ta chỉ quan tâm giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không tạo cơ hội và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, không kiểm soát tỷ giá, lãi suất… để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh thì cũng chưa đủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển toàn diện, đồng bộ.
Tuy nhiên, khi áp dụng các chính sách tiền tệ thì cũng phải đảm tính an toàn và hiệu quả chung cho cả hệ thống. Do đó, cần có sự kết hợp linh hoạt, đồng bộ của các chính sách.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!