Bài ca về hòa bình qua câu chuyện của các nhân chứng lịch sử

Minh Anh

Chiến tranh đã đi qua nhưng câu chuyện về những người anh hùng vẫn còn mãi vang vọng. Biết bao xương máu đã đổ xuống để chúng ta có được nền hòa bình, độc lập hôm nay. Khúc tráng ca về hòa bình ấy được tái hiện sinh động qua những hiện vật lịch sử và lời kể của chính những nhân chứng lịch sử.

Hoạt cảnh tái hiện công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong gây xúc động cho người xem
Hoạt cảnh tái hiện công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong gây xúc động cho người xem

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò vừa khai mạc trưng bày chuyên đề “Khúc ca hòa bình” với sự tham dự của nhiều nhân chứng lịch sử. Trưng bày giới thiệu những hiện vật lịch sử là minh chứng cho câu chuyện của những con người đã đi qua chiến tranh với tất cả lòng dũng cảm, niềm tin và nỗi nhớ. Trước mỗi hiện vật, mỗi câu chuyện được kể lại, người xem như nghe được tiếng vọng từ quá khứ, nhắc nhở rằng hòa bình hôm nay là sự đánh đổi bằng máu xương, nước mắt của biết bao thế hệ đi trước.

Trưng bày gồm 3 nội dung: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhất, Đất nước trọn niềm vui...

Nội dung “Tất cả cho tiền tuyến” tái hiện không khí hăng hái tòng quân của thanh niên miền Bắc và tinh thần tất cả vì miền Nam với các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, phong trào thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. Ở nội dung này còn có những hình ảnh các thanh niên xung phong Đoàn 559 (thành lập ngày 19/5/1959) phá núi mở đường, bảo đảm mạch máu giao thông cho bộ đội vào Nam.

Công chúng được xem một số tư liệu, hình ảnh thể hiện nhiệt huyết của những thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Đó là đồng chí Đặng Hồng Sơn, học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) nhập ngũ năm 1965. Năm 1968, đồng chí bị địch bắt, giam tại Trại giam Hố Nai (Biên Hòa), sau đó đày đi Trại giam tù binh Phú Quốc và hy sinh ngày 20/2/1971. Hay đồng chí Lâm Văn Bảng, công nhân Sở Giao thông Hà Đông, đã trích máu viết đơn xin vào Nam chiến đấu năm 1965. Ông bị địch bắt giam tại Trại giam Chí Hòa, Hố Nai (Biên Hòa), Phú Quốc và được trao trả ngày 18/2/1973.

Nội dung trưng bày thứ hai - “Mở đường thống nhất” giới thiệu những hình ảnh cam go của cuộc kháng chiến nhưng tinh thần của quân và dân ta vẫn giữ vững. Từ năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Tháng 12/1972, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” giành thắng lợi, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, là tiền đề để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nội dung “Đất nước trọn niềm vui” trưng bày những hình ảnh chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Trên khắp phố phường ngập tràn sắc đỏ cờ hoa. Những gương mặt rạng rỡ, những cái ôm siết chặt vui mừng đón ngày hội lớn.

Đến tham dự buổi khai mạc, bà Cao Thị Hạnh Kiểm- nguyên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Tôi và đồng đội đã trải qua những tháng ngày khốc liệt của Trường Sơn, chứng kiến đồng đội ngã xuống để mang lại hòa bình cho đất nước. Nhìn những hình ảnh tại trưng bày 'Khúc ca hòa bình', những ký ức được tái hiện tại Trường Sơn, tôi vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt. Những hình ảnh này khiến tôi nhớ đến đồng đội, những người đã hy sinh khi còn rất trẻ, không còn ai nguyên vẹn để đem về quê mẹ.".

Một góc trưng bày
Một góc trưng bày

Ông Lâm Văn Bảng, chiến sĩ cách mạng năm xưa từng viết huyết thư vào chiến trường miền Nam chiến đấu cũng chia sẻ: “Khi xem các hiện vật và hoạt cảnh, những ký ức ngày xưa lại ùa về. Tôi nhớ về thời thanh niên sôi nổi, lòng đầy tâm huyết được góp sức chiến đấu vì miền Nam thân yêu. Lớp thanh niên chúng tôi ngày đó ai cũng sôi sục tinh thần cách mạng với quyết tâm cao giành độc lập dân tộc. Sau này, cũng với tinh thần vì Tổ quốc, vì đồng đội và vì thế hệ trẻ, tôi lại tiếp tục vào Nam, ra Bắc sưu tầm lại các hiện vật, tư liệu về cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc”.

Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, mang trên mình thương tật 1/4, nhưng với tinh thần luôn sẵn sàng, trong nhiều năm qua, ông Lâm Văn Bảng vẫn đang cùng đồng đội đi đến các tỉnh thành, sưu tầm được hơn 5.000 kỷ vật, xây dựng Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại quê nhà Phú Xuyên (Hà Nội). Mong ước lớn nhất của ông là làm sao để thế hệ trẻ luôn ghi nhớ lịch sử dân tộc, từ đó thêm trách nhiệm với đất nước.

Tại buổi khai mạc trưng bày, hoạt cảnh tái hiện công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, bị mắc kẹt trong hang đá năm 1972 đã gây nhiều xúc động cho người xem. Theo đó, ngày 14/11/1972, 8 thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217 đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom trên đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình) thì máy bay Mỹ ập đến, trút bom dữ dội. Họ vội chạy vào hang trú ẩn, nhưng một khối đá khổng lồ đã bịt kín cửa hang. Dù lực lượng bộ đội công binh và thanh niên xung phong đã tìm cách phá đá mở cửa hang nhưng đều không thành công. Đến ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy... tiếng kêu cứu “Các anh! Các chị ơi! Cứu chúng em với!” yếu dần. Ngày thứ chín, không còn nghe thấy tiếng kêu cứu, 8 thanh niên xung phong mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, để lại nỗi tiếc thương vô hạn giữa núi rừng Trường Sơn...

Trưng bày “Khúc ca hòa bình” sẽ diễn ra đến hết ngày 31/5 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.