Bài học đắt giá về thương thảo hợp đồng
(Tài chính) Đừng bao giờ nghĩ rằng vì doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu theo điều kiện CFR hay CIF nên mọi việc ở cảng đi không cần lưu tâm nhiều. Công việc thuê giám định chất lượng hàng ở cảng đi có thể tốn kém chút ít nhưng lại rất hữu hiệu trong việc phòng tránh những hành vi lừa đảo, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.
Từ một thương vụ nhập khẩu sắt vụn
Cuối năm 2012, doanh nghiệp G.T ở Hà Nội nhập khẩu từ thương nhân AS&AHK ở Singapore một lô sắt vụn vài ngàn tấn (loại Shredded Steel Scrap). Hàng được đóng trong khoảng 200 container 40 feet, giao làm một số đợt cách nhau vài ba tháng. Từ trước đến nay, thị trường sắt vụn Việt Nam chỉ quen tiêu thụ mặt hàng sắt vụn theo phẩm cấp quy định trong ISRI (chuẩn mực sắt vụn của Mỹ) và sắt vụn mang tên Shredded Steel Scrap nằm trong phạm vi quy định ở mục 210-211 của ISRI.
Về giá hàng, hai bên thống nhất là 410 đô la Mỹ/tấn theo điều kiện CFR(1) Incoterms 2010 cảng Hải Phòng. Hợp đồng mua bán quy định tỷ lệ tạp chất (impurity) không được vượt quá 0,5% và các loại vỏ đồ hộp (steel can or tin can) cũng được coi là tạp chất. Nếu tỷ lệ này vượt quá quy định của hợp đồng thì người bán sẽ bị phạt 50 đô la Mỹ/tấn.
Về điều khoản giám định hàng ở cảng đích, do biết chắc thế nào người mua cũng sẽ khiếu nại về phẩm chất hàng không phù hợp với hợp đồng nên người bán quy định khắt khe là “trong vòng một tuần sau khi dỡ hàng, việc giám định toàn bộ lô hàng phải hoàn tất, trên cơ sở đó người mua mới có quyền khiếu nại”. Rất tiếc là người mua đã không phát hiện ra “quy định khác thường” này trong quá trình đàm phán thương thảo hợp đồng.
Sau khi chuyến hàng đầu tiên về đến nơi, G.T đã lựa chọn ngẫu nhiên một vài container để giám định chất lượng thì thấy tỷ lệ tạp chất lên đến 37-38%, thậm chí có những container tỷ lệ này lên đến hơn 40%. Do chất lượng hàng quá kém, phải mất gần bốn tháng, công ty giám định do G.T chỉ định mới kết thúc việc giám định ngẫu nhiên một số container hàng. Ngay lập tức, G.T thông báo cho người bán biết tình trạng hàng hóa và đề nghị họ cử ngay đại diện sang Việt Nam để cùng xem xét, giải quyết và đình chỉ giao những lô hàng tiếp theo nếu phẩm chất hàng tương tự.
Tuy nhiên, những đề nghị này của G.T bị rơi vào im lặng. Sau nhiều ngày liên tiếp bị thúc giục, người bán thừa nhận đây là lô hàng họ mua của chủ bãi sắt phế thải ở châu Âu để bán lại cho G.T. Họ đề nghị G.T ủy quyền cho họ khiếu nại chủ bãi sắt phế thải ở châu Âu. Tất nhiên, G.T không chấp nhận đề nghị kỳ quặc này vì hợp đồng quy định rõ AS&AHK là người bán. G.T là người mua và G.T không quan tâm tới bên thứ ba nào cả.
Gian nan giành công lý
Không còn lựa chọn nào khác, G.T thông báo nếu người bán không giải quyết khiếu nại thì họ sẽ khởi kiện ra trọng tài thương mại mà hai bên đã lựa chọn trong hợp đồng để đòi bồi thường thiệt hại khoảng hơn một triệu đô la Mỹ cộng với gần 20 tỉ đồng Việt Nam các chi phí liên quan. Mặt khác, G.T cũng đã yêu cầu tòa án Việt Nam ra lệnh cho ngân hàng mở L/C(2) ở Hà Nội phong tỏa, đình chỉ thanh toán toàn bộ lô hàng này.
Trước khi khởi kiện người bán ra trọng tài, G.T đã phải chi tiêu khá tốn kém để giám định hàng dù tỷ lệ hàng được giám định chỉ dừng lại ở mức khoảng 18%. Điều đáng lưu ý là do tỷ lệ tạp chất trong lô hàng này quá cao, việc giám định chỉ có thể tiến hành bằng phương pháp thủ công. Với phương pháp như vậy, không thể giám định 100% lô hàng vì phải mất… trên 2 năm!
Trải qua bốn phiên tranh tụng căng thẳng kéo dài trước trọng tài, phía người bán vẫn cố bám vào lập luận người mua đã không tuân thủ quy định kết thúc việc giám định toàn bộ lô hàng trong vòng một tuần kể từ khi dỡ hàng để phủi bỏ trách nhiệm.
Ở phiên tranh tụng cuối cùng, phía G.T sau khi liên hệ với chủ bãi sắt phế thải ở châu Âu đã bất ngờ xuất trình bằng chứng là hợp đồng và các chứng từ liên quan chứng minh hàng mà AS&AHK mua từ chủ bãi sắt ở châu Âu không phải là Shredded Steel Scrap theo phẩm cấp 210-211 của ISRI, mà là Shredded Incinerated Steel Scrap theo phẩm cấp E46. (E46 là phẩm cấp theo tiêu chuẩn châu Âu, chất lượng thấp hơn hẳn so với sắt vụn phẩm cấp 210-211 theo tiêu chuẩn ISRI). Thực tế là người bán đã mua hàng với giá 310 đô la Mỹ/tấn và bán lại cho G.T với giá 410 đô la Mỹ/tấn mặc dù chất lượng hàng rất kém so với quy định trong hợp đồng. Phía chủ bãi sắt phế thải châu Âu cũng cho biết AS&AHK chưa từng cử đại diện sang châu Âu để kiểm tra và khiếu nại phẩm chất hàng.
Có thể thấy trong phi vụ này, người bán đã lừa G.T bằng một động tác rất giản đơn và phổ biến trong thương mại quốc tế, đó là sau khi hàng đã xếp lên tàu ở cảng xếp hàng châu Âu, AS&AHK đã đề nghị người vận chuyển thay đổi tên gọi hàng hóa trong vận đơn từ Shredded Incinerated Steel Scrap thành Shredded Steel Scrap mà họ đã cam kết với G.T, và đổi tên người gửi hàng (shipper) từ chủ bãi sắt phế thải châu Âu thành AS&AHK. Mọi thông tin khác như tên tàu, số lượng, trọng lượng, khối lượng hàng, số vận đơn, ngày cấp vận đơn và số container vẫn giữ nguyên như bộ chứng từ mà họ nhận từ chủ bãi sắt phế thải châu Âu.
Trong thương mại và hàng hải quốc tế, việc thay đổi vận đơn như vậy là thường tình và nghiệp vụ này được gọi là “Switch Bill of Lading” chỉ với vài dòng e-mail trao đổi thương thảo với người vận chuyển, miễn là chủ hàng (shipper) có yêu cầu thay đổi như vậy phải cam kết tự mình chịu trách nhiệm về hậu quả của những thay đổi đó. Thông thường trên vận đơn, bao giờ người vận chuyển cũng in sẵn dòng chữ: “Mọi chi tiết về hàng hóa do chủ hàng cung cấp, người vận chuyển không kiểm tra và không chịu trách nhiệm (particulars furnished by the shipper-not checked by carrier-carrier not responsible)”. Điều này cũng đồng nghĩa là người vận chuyển không chịu trách nhiệm về những sự thay đổi nói trên theo yêu cầu của chủ hàng.
Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp này thấy rằng những hành vi lừa đảo của AS&AHK mà G.T đã tố cáo nằm ngoài phạm vi thẩm quyền xem xét của mình. Do vậy, dựa trên cơ sở hợp đồng, họ chỉ có thể xem xét yêu cầu người bán bồi thường ở phần hàng hóa thiệt hại (khoảng 18% được giám định) cùng một vài chi phí hợp lý khác.
Cẩn thận khi thương thảo hợp đồng
Để ngăn chặn những kiểu lừa đảo như trên, các doanh nghiệp nhập khẩu sắt vụn cần quy định rõ trong hợp đồng là “người mua có quyền chỉ định giám định riêng để xem xét chất lượng hàng khi xếp lên tàu ở cảng đi”, hoàn toàn không nên chấp nhận để người bán tự giám định vì họ không khó khăn mấy để ngụy tạo ra những chứng từ giám định của các công ty gọi là “công ty giám định độc lập” ở cảng xếp hàng. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu theo điều kiện CFR hay CIF nên mọi việc ở cảng đi không cần phải lưu tâm nhiều. Công việc thuê giám định chất lượng hàng ở cảng đi có thể tốn kém chút ít nhưng lại rất hữu hiệu trong việc phòng tránh những hành vi lừa đảo như trường hợp nêu trên, dẫn đến thiệt hại hàng triệu đô la Mỹ.
Về điều khoản giám định hàng ở cảng đích, người mua Việt Nam tuyệt đối không nên chấp nhận điều kiện “giám định toàn bộ lô hàng trong vòng một tuần lễ sau khi dỡ hàng”. Đây là một việc làm gần như không thể thực hiện được đối với những lô sắt vụn hàng ngàn tấn.
Một điều nữa cũng cần lưu ý là phải quy định rõ trong hợp đồng việc giám định sắt vụn chỉ nên tiến hành bằng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên (by random) với tỷ lệ tối đa không quá 10%. Trong các hợp đồng bán sắt vụn cho các doanh nghiệp Việt Nam, các thương nhân nước ngoài thường đưa ra điều khoản chịu phạt (penalty) nếu tỷ lệ tạp chất (Impurity, Steel can or Tin can….) trong sắt vụn vượt quá quy định của hợp đồng. Điều này mới xem qua có thể thấy hợp lý và dễ chấp nhận, tuy nhiên, khi tranh chấp được xét xử theo Luật Thương mại Việt Nam thì phía người mua Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng bất lợi do điều 301 quy định chỉ được phạt tối đa không quá 8% trị giá phần thiệt hại xuất phát từ hậu quả bị phạt gây ra. Tốt nhất nên chuyển điều khoản “penalty” thành “remedy” hoặc “compensation” (bồi thường thiệt hại) thì sẽ tránh được hạn chế từ quy định trên.
Bởi những lý do như trên, trong bất cứ trường hợp nào, việc tham vấn luật sư trước khi đặt bút ký hợp đồng luôn là giải pháp hữu ích. Thương nhân Âu Mỹ có câu ngạn ngữ: “Hãy kiểm tra kỹ trước khi đặt bút ký (check before fixing)”.
(1) Tiền hàng cộng cước hay giá thành và cước (tiếng Anh: Cost and Freight - CFR), là một điều kiện giao hàng trong thương mại quốc tế.
(2) Là một dạng thanh toán quốc tế. L/C là viết tắt của Letter of Credit (thanh toán tín dụng thư).