Câu chuyện Samsung Vina tìm nhà cung ứng

Samsung Vina được coi là ví dụ điển hình cho thành công về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam những năm qua. Mỗi năm, Samsung Vina xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tuy nhiên, để có được con số này, Công ty phải nhập về một lượng nguyên liệu đầu vào tương đương 19,8 tỷ USD. Từ khi đầu tư vào Việt Nam, bản thân Samsung Vina luôn mong muốn giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhưng đây vẫn là bài toán khó đặt ra đến nay chưa có lời giải. Bởi ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn còn yếu, các doanh nghiệp (DN) không đủ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng do đối tác đặt ra.

Ngành CNHT Việt Nam kém phát triển không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự khiến nhiều người giật mình khi Samsung Vina đưa ra lời đề nghị các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất linh kiện ốc vít, sạc pin, bao bì… nhưng “bị từ chối” bởi không thể đáp ứng yêu cầu. Tại cuộc gặp gỡ gần 200 DN Việt Nam để tìm kiếm đối tác cung ứng được tổ chức mới đây, Samsung Vina cho biết, số vốn đăng ký đầu tư của Công ty vào Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 10 tỷ USD trong năm nay. Cùng với lượng vốn này, Samsung Vina sẽ mở rộng quy mô sản xuất và cần khoảng 100 DN tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện. Tuy nhiên, trong khoảng 100 nhà cung cấp vệ tinh cho Samsung Vina, chỉ có 7 DN Việt Nam đủ năng lực nhưng các DN mới chỉ dừng lại ở việc cung ứng bao bì, in ấn. Ở nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, đã có một vài DN Việt tham gia nhưng lại qua các công ty trung gian, làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4 và cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ. Thậm chí, khi soi vào những tiêu chí Samsung Vina đưa ra về năng lực để có thể hợp tác trực tiếp thì không DN Việt Nam nào có thể đáp ứng và trở thành đối tác cung ứng cấp 1 cho Công ty.

Đây không chỉ là “nỗi đau” của riêng DN Việt Nam mà là chuyện buồn của cả ngành Công nghiệp nước nhà. Cơ hội lớn cho các DN Việt đã bị khước từ và mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghệ cao còn xa vời. Thực tế này cho thấy, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nếu năng lực các DN không được cải thiện thì Việt Nam vẫn chỉ là "cứ điểm sản xuất toàn cầu".

Một nền sản xuất muốn tham gia vào bất cứ cuộc chơi nào phải có đủ năng lực. Khi chúng ta không lo đầu tư thì không thể sản xuất được là chuyện dễ hiểu và câu chuyện các DN Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội là bình thường. Lâu nay, cũng có không ít DN muốn đầu tư để tham gia vào phát triển CNHT nhưng họ không có đủ điều kiện. Ngược lại với các DN lớn có điều kiện thì lại thuộc diện DN nhà nước nên họ có những nhiệm vụ lớn hơn đó là phát triển cả một ngành lớn như là điện hay đóng tàu... thành ra khâu hỗ trợ, trung gian chúng ta đang bỏ ngỏ.

Trong khoảng 100 nhà cung cấp vệ tinh cho Samsung Vina, chỉ có 7 DN Việt Nam đủ năng lực và các DN này mới chỉ dừng lại ở việc cung ứng bao bì, in ấn. Ở nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, đã có một vài DN Việt Nam tham gia nhưng lại qua các công ty trung gian, làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4 và cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ.

Nguyên nhân của những tồn tại

Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, từ năm 2000, Chính phủ đã có chủ trương phát triển ngành CNHT, bằng việc hợp tác với Nhật Bản để xây dựng hai khu CNHT tại Vũng Tàu và Hải Phòng. Tuy nhiên, sau 14 năm, Việt Nam vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT, ngành CNHT vẫn còn yếu kém về mọi mặt. Do vậy, các lĩnh vực ô tô, điện thoại di động, điện tử, dày da, dệt may… Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Câu chuyện Samsung Vina tìm đối tác DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cũng ứng linh kiện chỉ là một ví dụ điển hình. Nguyên nhân của sự yếu kém này được các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích nhiều và tựu chung lại là:

Thứ nhất, Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Đơn cử, nhìn sang các nước láng giềng cho thấy, trong thập niên 1990, Malaysia đã tập trung đầu tư phát triển điện và điện tử (E&E) để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới. Sau 10 năm, các sản phẩm điện và điện tử xuất khẩu chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Thứ hai, chính sách phát triển CNHT Việt Nam chưa tạo lập mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước nhất là DN nhỏ và vừa. Do vậy, mặc dù một số tập đoàn hàng đầu như: Toyota, Honda, Intel, Samsung, Canon đã sản xuất với khối lượng lớn nhưng vẫn chưa có hệ thống nhà máy CNHT của Việt Nam.

Theo số liệu điều tra của Tổ chức xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản thì số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam dao động từ 15 đến 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.

Thứ ba, Việt Nam chưa tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc- chuỗi giá trị sản phẩm từ người cung ứng đầu vào - người sản xuất sản phẩm cuối cùng - người phân phối sản phẩm và theo chiều ngang - giữa các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm với sự phân công và hợp tác để tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của tập đoàn hàng đầu thế giới.

Những bài học rút ra

Có một thực tế là không một nhà sản xuất nào muốn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài vì vừa mất thời gian, vừa tốn ngoại tệ. Linh kiện càng được cung cấp nhanh chóng bao nhiêu thì sản phẩm đưa ra thị trường càng sớm bấy nhiêu, tính cạnh tranh càng được nâng cao. Để khắc phục các nhược điểm trên, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

Một là, mỗi địa phương nên chọn một công ty điển hình để chú trọng hợp tác để hai bên cùng có lợi, ví dụ như Bắc Ninh có Samsung, TP. Hồ Chí Minh có Intel...

Hai là, Chính phủ nên xem xét lại các chính sách liên quan đến CNHT, theo hướng là CNHT của ngành nào thì được ưu đãi như sản phẩm của các TNC đầu tư vào ngành đó. Ví dụ, nếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho Samsung thì DN Việt Nam cũng được hưởng những ưu đãi như Samsung.

Ba là, nên tiến hành một cuộc khảo sát thực trạng các DN ở các địa phương, vùng có liên quan xem có bao nhiêu DN hiện có thể đáp ứng được việc phát triển CNHT, tổ chức họ lại để cho các tập đoàn, công ty nước ngoài đặt ra yêu cầu đối với từng loại sản phẩm cụ thể theo chuẩn của họ so với thực trạng của từng DN để xem thiếu gì: Công nghệ, máy móc thiết bị, nhân lực hoặc là vốn...

Bốn là, các chính quyền, ngân hàng, quỹ đầu tư... hỗ trợ những công ty này để đáp ứng được các yêu cầu của công ty, tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên mô hình này không thể làm đại trà, mà nên làm thí điểm rồi từ đó đề ra phương án chiến lược cụ thể để phát triển CNHT.

Một phương án giải quyết triệt để và có hiệu quả từ gốc rễ nên được Chính phủ xem xét, đó là tiến hành nuôi dưỡng nhân lực từ trong “trứng nước”. Nhà nước nên đưa ra nhiều chính sách để phát triển quá trình giáo dục đào tạo từ ngay từ bậc đại học để cho ra lò các thế hệ có nền tảng đầy đủ và vững chắc để phát triển các kỹ năng.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm trình bày, phổ biến chủ trương, chính sách phát triển CNHT, thực trạng tình hình CNHT và nguyên nhân, nhu cầu và điều kiện phát triển CNHT các tập đoàn. Tại đây, đại diện các tập đoàn sản xuất sẽ trả lời các câu hỏi của phía Việt Nam, chủ yếu là lãnh đạo các DN về các vấn đề kinh tế, kỹ thuật có liên quan đến CNHT mà DN tham gia và có nhu cầu tham gia vào chuỗi cung ứng. Mặt khác, tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa các DN Việt Nam quan tâm đến sản xuất CNHT với cán bộ của tập đoàn để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề công nghệ và kinh tế.

Bài học từ câu chuyện Samsung Vina tìm nhà cung ứng

ThS. TRẦN TUẤN ANH

(Tài chính) Sự phát triển mẽ của Công ty TNHH Samsung Việt Nam (Samsung Vina) trong những năm qua đang mở ra nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, khi Samsung Vina đưa ra danh sách trên 170 linh kiện Việt Nam có thể hợp tác thì tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều lắc đầu. Nguyên nhân vì đâu là câu hỏi đang cần lời giải…

Xem thêm

Video nổi bật