Hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển bền vững

Đức Mỹ

Trong tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đang có những thuận lợi và thách thức đan xen, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) đưa ra kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN tận dụng cơ hội tạo đà phát triển bền vững. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cũng chia sẻ về vấn đề này.

TP. Hồ Chí Minh đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Ảnh minh họa
TP. Hồ Chí Minh đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Ảnh minh họa

Cơ hội và thách thức đan xen

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách kinh tế mới, góp phần cởi trói và hỗ trợ cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của người dân, DN. Nhiều DN trong nước đã mạnh dạn thay đổi để phục hồi, phát triển và tận dụng tốt cơ hội từ xung đột về chính trị, quân sự, cạnh tranh trên thế giới. Nhờ đó, các DN vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả và hướng đến sự phát triển trong vận hội mới.

Cụ thể, đối với DN ngành lương thực, thực phẩm tiếp tục hưởng lợi nhờ nhu cầu hàng hóa thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu tăng cao, với lợi thế của các sản phẩm nông nghiệp đặc thù trong nước. Nhờ vậy, doanh số bán lẻ hàng hóa nhóm này tăng lên đáng kể, đặc biệt là ngành hàng dịch vụ ăn uống. Dự báo, năm 2025, ngành này duy trì mức tăng trưởng trên 8%, nhất là các phân khúc thực phẩm chế biến sâu, thực phẩm hữu cơ, và thực phẩm chức năng...

Cùng với đó, chủ trương tăng cường đầu tư công của Nhà nước đã phát huy tác dụng, tạo động lực tích cực cho các ngành liên quan đến vật liệu, xây dựng. Cùng lúc, nhiều dự án bất động sản (BDS) đã được tháo gỡ pháp lý, các dự án đóng băng được khởi động trở lại, một số DN bắt đầu có lãi, xây dựng kế hoạch phát triển cho những năm sau, đặc biệt là nhóm DN phát triển BĐS khu công nghiệp và đô thị.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA). Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA). Ảnh: NVCC

Ngoài ra, lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu từ 20% đến 30%. Riêng ngành du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường cải tạo, làm mới nhiều khu du lịch, nỗ lực xây dựng cảnh quan nội đô sạch, xanh, an toàn nhằm cải thiện hình ảnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Nhờ đó, lượng khách du lịch tới Thành phố tăng cao, với mục tiêu năm 2025 đón khoảng 53,5 triệu khách.

Bên cạnh những thuận lợi trên, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, diễn biến về chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt ra thách thức trực tiếp với các DN xuất khẩu trong nước. Đặc biệt là các DN ở lĩnh vực giày da, may mặc, gỗ…

Song song đó, tình hình lực lượng lao động trong các ngành tài chính, ngân hàng, bán lẻ công nghệ, xuất khẩu... đang có kế hoạch cắt giảm lao động với số lượng lớn; tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh vẫn phổ biến ở một số ngành truyền thống.

Bên cạnh lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển tốt thì doanh thu của các chợ truyền thống ngày càng suy gảm và chỉ còn tập trung vào các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Các tiểu thương đóng sạp, bỏ chợ ngày càng nhiều và không đủ nguồn lực để tự phục hồi, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại…

Theo khảo sát, tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh có đến 35,7% DN thiếu các đơn hàng mới; 39,3% DN có giá nguyên liệu đầu vào tăng; 52,4% DN gặp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 41,7% DN thiếu vốn kinh doanh; 21,4% DN khó tuyển dụng được lao động; 14,3% DN bị ảnh hưởng do giá thuê đất tăng cao; 16,7% DN phản ánh thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao…

Đối với các DN nhỏ và vừa, mặc dù có 66,7% số DN có doanh thu bán hàng tăng, nhưng số giảm cũng chiếm đến 33,3%. Trong khi đó, có đến 40,5% số DN có lợi nhuận giảm do chi phí đầu vào tăng cao.

Trước thực trạng khó khăn, số DN trên địa bàn đang có nhu cầu về hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất chiếm đến 59,5%; số DN mong muốn đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng là 59,5%; số DN kiến nghị giảm hoặc gia hạn các loại thuế, phí, chiếm 48,8%; cùng với 44% số DN đề nghị phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các tiện ích khác, và 40,5% số DN kiến nghị chính quyền địa phương sớm giải quyết các khó khăn vướng mắc để DN phát triển..

Sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm giúp DN ngày càng phát triển bền vững, ông Nghĩa cũng đưa ra ý kiến, đối với cơ quan chức năng cần quyết liệt cắt giảm 30% thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN.

Hiện nay, nhiều DN đang gặp nhiều khó khăn do không rõ ràng và lo ngại bị vướng vào vòng pháp lý. Do đó, cần phải làm rõ cách thức, quy định "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" trong Bộ luật Hình sự và phối hợp với ngành Công an để cụ thể hóa nội dung này.

Về chính sách hỗ trợ DN, ông Nghĩa kiến nghị, Chính phủ cần chuyển các chính sách hỗ trợ thành quy định chung cho tất cả các DN đều được hưởng trừ DN lớn (chiếm khoảng 2%), sẽ tiết kiệm rất lớn về công sức, chi phí thực hiện. Những ưu đãi liên quan đến thuế, ngân sách… phải được đưa vào Luật Thuế, Luật Ngân sách… để có cơ sở thực thi, áp dụng. 

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ như: hỗ trợ chi phí chuyển đổi, miễn thuế thu nhập từ 3 đến 5 năm đầu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ DN đơn giản hóa tất cả các thủ tục trong công tác kế toán, quản lý…/.

Song song đó, cần xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm DN theo quy mô: nhóm chính sách dành cho DN đầu ngành, quy mô lớn, tiềm lực lớn, có khả năng dẫn dắt toàn ngành; nhóm chính sách dành cho DN vừa; nhóm chính sách dành cho DN nhỏ, các hộ kinh doanh và theo mức độ đóng góp của DN.

Ngoài ra, đối với hệ thống Ngân hàng cần đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện, hình thức vay, tăng giá trị tài sản thế chấp và mở rộng nguồn vốn trung và dài hạn nhằm giúp DN có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với cơ quan Nhà nước cũng cần tăng cường nguồn vốn cho quỹ, hoàn thiện pháp lý, có quy định quản lý rủi ro và chế độ bảo hiểm tiền vay ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn.