Đầu tư hay mua chỉ số S&P500

Chỉ số S&P500 là một chỉ số cổ phiếu được cấu thành từ 500 cố phiếu giao dịch lớn chiếm đến hơn 70% tổng giá trị thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ. Chỉ số này bao gồm các công ty tập đoàn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng, công nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính, hàng tiêu dùng và chăm sóc y tế. Hiện nay, S&P 500 được xem là một trong những chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ thị trường Mỹ. Các NĐT có thể đầu tư chỉ số chứng khoán thông qua các phương thức sau:

(i) Indexing – Phương thức đầu tiên là NĐT thiết lập danh mục chứng khoán như một chỉ số thu nhỏ với các mã chứng khoán và tỷ trọng tương ứng như chỉ số thực tế. Danh mục này thường xuyên được điều chỉnh để đảm bảo số lượng và tỷ trọng các mã chứng khoán trong danh mục theo sát với chỉ số thực tế (trong trường hợp chỉ số chính thức thay đổi tỷ trọng các mã chứng khoán, hay loại bỏ, thay thế mã chứng khoán…). Phương thức này khá tốn kém và phức tạp khi phải tiến hành một số lượng giao dịch lớn.

(ii) Mua chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số: Đây là phương thức đầu tư vào một chỉ số thay vì indexing. Chi phí quản lý quỹ đầu tư chỉ số thấp hơn các quỹ tương hỗ phổ thông. Bên cạnh đó, các quỹ này được định giá hàng ngày vào cuối mỗi ngày giao dịch. Hiện nay, giới đầu tư chứng khoán có nhiều lựa chọn khi muốn đầu tư vào S&P500 như Columbia Large Cap Index Fund (mã NINDX), Vanguard 500 Index Fund (VFINX), DWS Equity 500 Index Fund (BTIEX), USAAS&P 500 Index Fun (USSPX) (Miniter, 2008).

Bài học từ đầu tư và bán khống chỉ số chứng khoán S&P500 của Mỹ - Ảnh 1

(iii) Quỹ hoán đổi danh mục (ETFs): Đây là một quỹ chứng khoán được đầu tư thụ động theo một chỉ số cụ thể như một dạng quỹ đầu tư chỉ số, tuy nhiên, chứng khoán này được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán như các cổ phiếu niêm yết. ETFs có những đặc điểm nổi bật sau đây:

- ETFs được định giá liên tục trong ngày bởi các chứng khoán này được giao dịch sôi động trong mỗi ngày giao dịch. Do đó, khi NĐT sở hữu ETFs không chỉ có ưu thế về đa dạng hóa khi đầu tư vào chỉ số mà họ có thể linh hoạt mua bán trao đổi như một cổ phiếu.

- Giá của ETFs phản ánh giá trị tài sản ròng của các đơn vị quỹ (NAV). NAV của quỹ bao gồm giá trị của tất cả những chứng khoán cơ sở có trong quỹ. Mặc dù, ETFs được đầu tư thụ động theo chỉ số nhưng lợi nhuận trên ETFs không bằng chính xác lợi nhuận trên chỉ số. Mức sai số 1% giữa lợi nhuận hàng năm trên chỉ số và lợi nhuận trên ETFs tương ứng là rất phổ biến.

- Giống như một cổ phiếu, NĐT cũng có thể bán khống ETFs, mua theo bảo chứng.

- Biến động về giá ETFs phản ánh lượng cung cầu và sự biến động của chứng khoán cơ bản.

Standard and Poor’s Depository Receipts Trust Series (SPDR) chính là công ty quản lý quỹ và ETFs này được giao dịch dưới mã SPY.

Mã SPY liên tục là ETFs niêm yết hàng đầu tại Mỹ. Cùng với SPY, QQQQ – Nasdaq -100 Index Tracking Stock - là hai mã chứng khoán có tính thanh khoản được giao dịch mạnh mẽ nhất trên TTCK Mỹ. Trong đó, SPY và quỹ chỉ số iShares S&P500 (IVV), tổng giá trị tài sản của hai quỹ ETFs này là hơn 100 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng tài sản các quỹ ETF tại thời điểm cuối tháng 3/2010. Ngoài mã SPY, các NĐT có tổi thiểu 10 công cụ khác để đầu tư vào chỉ số.

Bài học từ đầu tư và bán khống chỉ số chứng khoán S&P500 của Mỹ - Ảnh 2

(iv) Mua quyền chọn mua SPX: SPX là quyền chọn mà ở đó tài sản cơ bản là chỉ số S&P500. SPX được niêm yết và giao dịch chính thức trên sàn giao dịch quyền chọn Chicago dưới dạng thức châu Âu từ tháng 4/1986, trước đó quyền chọn này được giao dịch theo dạng thức kiểu Mỹ. NĐT có thể sở hữu quyền chọn mua SPX để đầu tư theo chỉ số S&P500.

Bán khống chỉ số S&P500

Trên TTCK Mỹ có năm phương thức bán khống chỉ số S&P500 năm 2008. Phương thức thứ nhất, tương ứng với Indexing - nắm giữ một danh mục cổ phiếu giống hệt S&P500 - NĐT có thể bán khống tất cả các cổ phiếu nằm trong chỉ số này với tỷ trọng tương ứng. Phương thức này dường như khó thực hiện; Phương thức thứ hai là bán khống ETFs, nếu NĐT nhận định thị trường sẽ xuống giá thời gian tới, họ có thể bán khống ETFs được đầu tư theo chỉ số S&P500. Nghiệp vụ này được thực hiện như đối với bán khống các cổ phiếu thông thường.

Bên cạnh hai phương thức trên, NĐT còn có những sự lựa chọn khác, đó là mua các chứng khoán nhưng lại đem lại hiệu quả như việc bán khống. Đó chính là các quỹ đầu tư theo chỉ số nghịch chiều và ETFs nghịch chiều. Đã có nhiều nghiên cứu về ETFs, tuy nhiên ETFs nghịch chiều lại là một khái niệm khá mới. Các quỹ nghịch chiều này sẽ đầu tư nghịch chiều với chỉ số họ bám sát: “không chỉ nghịch chiều theo tỷ lệ 1: 1 mà thậm chí tỷ lệ nghịch chiều còn lớn hơn”. Ví dụ, nếu S&P 500 giảm 1% ngày hôm nay, the Ryder Inverse S&P 500 (RYURX) sẽ tăng giá 1%. Bên cạnh đó, có những quỹ nghịch chiều còn cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn như 1.5x, and 2x leveraged ETFs (Xem bảng 2).

Bảng 2 cung cấp những quỹ nghịch chiều phổ biến trên chỉ số S&P 500. Các hãng truyền thông tài chính đánh giá Proshares, Ryder Investment và Direxionshares là ba quỹ lớn trong thị trường quỹ nghịch chiều trong đó Proshares chiếm thị phần lớn nhất.

Mua quyền chọn bán SPX: Đồng hành với quyền chọn mua đã giới thiệu phần trên thì quyền chọn bán SPX cũng có tài sản cơ bản là chỉ số S&P500. Người sở hữu quyền chọn bán sẽ có lợi nhuận khi giá thị trường của tài sản cơ bản thấp hơn so với giá thực hiện nên thực chất nắm giữ một quyền chọn bán hay bán khống đều là những cơ hội kiếm lời khi thị trường đi xuống.

Tác động của lệnh cấm bán khống lên hoạt động bán khống

Lệnh cấm bán khống có hiệu lực vào ngày 19/9/2008 và dỡ bỏ vào 8/10/2008. Trong giai đoạn này, gần 1000 mã cổ phiếu bị cấm bán khống trong đó có 64 mã thuộc danh mục chỉ số S&P500 chiếm khoảng 15% giá trị vốn hóa thị trường của chỉ số này. Vậy các NĐT bán khống chỉ số S&P500 bằng cách nào? Phương thức truyền thống là bán khống toàn bộ danh mục chỉ số là không thể thực hiện khi 15% giá trị danh mục thuộc dạng cấm bán khống. Tuy nhiên NĐT vẫn có thể bán khống các ETFs đầu tư theo chỉ số S&P500, mua các ETFs nghịch chiều, hay các chứng chỉ quỹ nghịch chiều và sở hữu quyền chọn bán SPX. Các phương thức này cũng bị cản trở phần nào từ ảnh hưởng của lệnh cấm bán khống.

Bài học từ đầu tư và bán khống chỉ số chứng khoán S&P500 của Mỹ - Ảnh 3

Cơ chế hoạt động các quỹ nghịch chiều

ETFs nghịch chiều là những công cụ lý tưởng cho những NĐT chuyên nghiệp, giao dịch với tần suất lớn. Hàng trăm lệnh được khớp mỗi ngày để cơ cấu lại sản phẩm. Các quỹ ETFs nghịch chiều và quỹ tương hỗ nghịch chiều không bán khống từng cổ phiếu trong danh mục chỉ số mà họ sử dụng các hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, quyền chọn và các công cụ tài chính phái sinh khác để đạt được kết quả đầu tư. Với ProShares Short S&P 500 (SH), vị thế bán khống được thực hiện chủ yếu thông qua hợp đồng hoán đổi chiếm đến 91% giá trị danh mục trong khi đó chỉ 9% quỹ ETFs này được xây dựng thông qua hợp đồng tương lai. Trong khi đó, the Ryder ETFs chủ yếu dựa trên các giao dịch quyền chọn. Trong trường hợp sử dụng hợp đồng hoán đổi, các quỹ nghịch chiều sẽ trả hoặc nhận dòng tiền nhất định phụ thuộc vào biến động chỉ số tham chiếu.

Lệnh cấm bán khống năm 2008 cũng cản trở các ngân hàng hoán đổi khi họ bán khống toàn bộ danh mục S&P500. Bên đối ứng không thể loại trừ rủi ro, do đó, họ không muốn tạo ra các hợp đồng hoán đổi. Đã có ít nhất một quỹ nghịch chiều đã phải tạm ngừng giao dịch khi họ không thể tìm được bên đối ứng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch các ETFs nghịch chiều tăng mạnh sau khi lệnh cấm bán khống được ban hành.

Đặc biệt trong thời kỳ cấm bán khống, khối lượng giao dịch hàng ngày của SH tăng nhanh. Trong tháng 9 và tháng 10/2008, khối lượng giao dịch bình quân ngày khoảng 1.168,295 đơn vị, gấp hơn 4 lần mức giao dịch bình quân ngày trong một năm trước. Hình 1 cung cấp thông tin cụ thể về khối lượng giao dịch hàng ngày của SH trong thời ký cấm bán khống.

Nhận định của Ngân hàng Barclays, ETFs nghịch chiều hiện chỉ chiếm dưới 3% tổng số ETFs tại Mỹ. ETF nghịch chiều là một khái niệm khá mới mẻ, và có thể chưa đáp ứng được mức nhu cầu cao của các NĐT trong thời kỳ cấm bán khống. Khó có thể nói chính xác, việc bán khống chỉ số S&P500 trong thời kỳ cấm bán khống khó khăn đến mức nào, nhưng chắc chắn rằng các NĐT bằng các công cụ khác nhau họ vẫn có thể “short” chỉ số này.

Cung và cầu quyền chọn bán trong giai đoạn bán khống

Bán khống và quyền chọn bán đều được sử dụng khi NĐT dự đoán thị trường xuống giá. Blau và Wade (2009) đã chỉ ra rằng, khi việc bán khống trở nên tốn kém, các NĐT chuyển sang dùng quyền chọn bán. Grundy và cộng sự đã xem xét vấn đề này trong thời kỳ cấm bán khống năm 2008, ông cũng cho rằng khi việc bán khống trở nên khó khăn, nhu cầu về quyền chọn bán tăng cao.

Một câu hỏi đặt ra, ai sẽ sẵn lòng bán các quyền chọn bán trong thời kỳ cấm bán khống này? Đặc điểm của bên bán quyền chọn bán đó là bán khống với chi phí thấp, ví dụ như các định chế tài chính có thể vay mượn chứng khoán nội bộ “in house”. Chúng ta đã biết đến “delta hedging”, đó là bên bán quyền chọn bán cần phải bán khống các chứng khoán cơ bản để giảm trừ rủi ro cho chính họ. Rõ ràng, nghiệp vụ này sẽ khó khăn trong thời kỳ cấm bán khống. Kết quả là, trong thời kỳ bán khống, nguồn cung về quyền chọn bán sẽ giảm. Hiệu ứng kết hợp trong thời kỳ cấm bán khống lên thị trường quyền chọn bán sẽ là cầu tăng, cung giảm. Kết quả là giá của quyền chọn bán tăng cao trong thời kỳ cấm bán khống.

Đầu tư và bán khống một chỉ số chứng khoán có nhiều nét khác biệt so với nghiệp vụ này đối với một cổ phiếu đơn lẻ. Thế giới tài chính ngày một phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của các công cụ đầu tư mới mẻ nhiều tính năng đa dạng như ETFs hay các ETFs nghịch chiều cũng như các chứng khoán phái sinh. Các công cụ này giúp cho các NĐT vẫn có thể bán khống chỉ số S&P 500 kể cả trong thời kỳ cấm bán khống năm 2008.

Tài liệu tham khảo:

1. BLAU, B. M. & WADE, C. (2009) A Comparison of Short Selling and Put Option Activity. Brigham Young University Working Paper;

2. BLOOMBERG (2010) ProFunds UltraBear ProFund;

3. http://www.bloomberg.com;

4. http://etfdb.com/issuers;

5. GRUNDY, B. D., LIM, B. & VERWIJMEREN, P. (2009) Do option markets undo restrictions on short sales? Evidence from the 2008 short sale ban. 2010 WFA Meeting paper.

Bài học từ đầu tư và bán khống chỉ số chứng khoán S&P500 của Mỹ

ThS.ĐỖ PHƯƠNG HUYỀN - Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Tài chính) Đầu tư vào chỉ số chứng khoán được xem là cách tốt nhất để đa dạng hóa rủi ro phi hệ thống và tương tự như đầu tư vào một cổ phiếu riêng lẻ, khi chỉ số chứng khoán giảm điểm các nhà đầu tư (NĐT) có cơ hội kiếm lời thông qua bán khống. Bài viết giới thiệu những phương thức để đầu tư vào chỉ số chứng khoán Standard and Poor’s 500 (S&P500) tại thị trường chứng khoán Mỹ năm 2008.

Xem thêm

Video nổi bật