Bài học từ phát triển kinh tế du lịch ở một số nước
Các nước Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia là những nước có thế mạnh về kinh tế du lịch và đóng vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế du lịch ở các nước trên có thể rút ra một số bài học hữu ích cho Việt Nam trong phát triển du lịch trong thời gian tới.
Kinh nghiệm phát triển kinh tế du lịch ở một số quốc gia
Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch vùng, phát huy lợi thế, tiềm năng vùng, miền để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Đối với Singapore, Chính phủ nước này coi trọng việc xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch và đặt trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Nước này đã xây dựng chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế du lịch thông qua một hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ để có thể huy động mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Hơn nữa, hệ thống chính sách này dựa trên những đặc trưng của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, miền và có tính xã hội hóa cao, mang tính toàn cầu; đồng thời, thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, văn hóa và tận dụng được thời cơ, thế mạnh ở từng thời điểm trên mỗi vùng, miền của đất nước Singapore.
Chính phủ Trung Quốc xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư phát triển. Theo đó, Trung Quốc đã đề ra phương châm là tăng cường đưa khách du lịch quốc tế vào, khuyến khích du lịch nội địa và đưa khách du lịch ra nước ngoài một cách vừa phải. Để thu hút du khách quốc tế và nội địa, ngành Du lịch Trung Quốc đã đưa ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng với các chủ đề được sắp xếp theo từng năm. Hàng năm, Trung Quốc đón hàng chục triệu lượt khách du lịch quốc tế và đạt doanh thu hàng chục tỷ USD.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ.
Từ năm 1965 đến nay, Chính phủ Singapore đã xây dựng và thực hiện thành công 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968); “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986); “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993); “Du lịch 21” (năm 1996); “Du lịch 2015” (năm 2005); “Địa giới du lịch 2020” (năm 2012).
Tương tự, Malaysia có “Kế hoạch chuyển đổi du lịch đến năm 2020”. Trong chiến lược chung của Malaysia về chuyển dịch kinh tế, ngành Du lịch xây dựng kế hoạch chuyển dịch phát triển du lịch đến năm 2020 tập trung vào thị trường có khả năng chi trả cao, đẩy mạnh tiêu dùng của khách du lịch.
Thứ ba, ngành Du lịch của các nước Singapore và Indonesia đã xây dựng Chiến lược phát triển du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, có chính sách đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là đầu tư về hạ tầng cơ sở cho du lịch.
Trong Kế hoạch “Du lịch 2015”, Singapore tập trung phát triển các thị trường du lịch chính với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về Singapore và trở thành một điểm du lịch “phải đến”.
Theo đó, nước này đã cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, đa dạng các sản phẩm du lịch… Năm 2012, Singapore chi 300 triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô Singapore phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô Singapore phát triển nguồn nhân lực du lịch. Năm 2015, quốc gia này đã đầu tư 2 tỷ đô la Singapore cho Quỹ Phát triển du lịch, đón khoảng 17 triệu lượt khách du lịch quốc tế và đạt khoảng 30 tỷ đô la Singapore.
Indonesia đã xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025. Mục đích của chiến lược này là phát triển khoảng 50 điểm đến du lịch với lượng khách quốc tế đạt 25 triệu lượt khách trong năm 2015. Năm 2015, nước này đã hoàn thành Kế hoạch phát triển du lịch tập trung vào 3 loại hình (du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch biển).
Thứ tư, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia và nhân viên ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Ở Thái Lan, đội ngũ chuyên gia và nhân viên làm việc trong ngành Du lịch được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Các hướng dẫn viên du lịch nước này được đào tạo ngoại ngữ một cách bài bản, một hướng dẫn viên du lịch người Thái Lan thường biết 3 ngoại ngữ.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, mạnh dạn đầu tư cho công tác phát triển thị trường của ngành Du lịch.
Tại Thái Lan, Cơ quan Du lịch Quốc gia Thái Lan luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan đến du lịch để chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các hoạt động du lịch. Qua đó đề xuất, trình Chính phủ phê duyệt từ các chính sách, chiến lược cho đến các chiến dịch, chương trình xúc tiến quảng bá đối với từng thị trường trong từng giai đoạn nhất định.
Đối với Malaysia, Chính phủ nước này rất coi trọng công tác quảng bá sản phẩm du lịch trên cơ sở đa dạng sản phẩm - thỏa mãn khách hàng. Đồng thời, Chính phủ Malaysia thường xuyên nâng cấp trang thiết bị cho ngành Du lịch (mỗi năm chi hàng triệu Ringgit cho công tác này) và duy trì phát triển văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bài học phát triển kinh tế du lịch cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế du lịch ở các nước trên có thể rút ra một số bài học hữu ích cho Việt Nam trong phát triển du lịch trong thời gian tới:
Một là, xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ. Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch cần chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất những trọng tâm phát triển cho từng giai đoạn, chú trọng đề xuất những loại hình du lịch mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hai là, tổ chức không gian du lịch vùng trong phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch. Theo đó, nội dung này xác định rõ các địa bàn, không gian trọng điểm để phát triển kinh tế du lịch.
Ba là, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất nhằm phát triển kinh tế du lịch, nhất là thiết lập đường bay, các tuyến giao thông thuận tiện… để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, cần có tầm nhìn dài hạn, lựa chọn được những ý tưởng, phương án quy hoạch phù hợp, lựa chọn được các nhà tư vấn thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch.
Bốn là, giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp với du lịch, giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới...
Năm là, xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đặc biệt, phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới đã được UNESCO vinh danh.
Sáu là, có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tiếp cận trình độ thế giới để đảm đương công tác quản lý phát triển kinh tế du lịch.
Bảy là, có kế hoạch quảng bá địa danh du lịch phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước. Để thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển du lịch nhìn từ kinh nghiệm của Singapore, http://www.hanoitourist.com.vn/kinhnghiemtour/kinhnghiem/kn-quan-ly/1943-phat-tri-n-du-l-ch-nhin-t-kinh-nghi-m-c-a-singapore;
2. Bài học kinh nghiệm tổ chức quản lý phát triển du lịch của một số nước, http://www.vtr.org.vn/bai-hoc-kinh-nghiem-to-chuc-quan-ly-phat-trien-du-lich-cua-mot-so-nuoc.html;
3. Kinh nghiệm phát triển du lịch của Thái Lan và một số gợi ý đối với Việt Nam, http://baodansinh.vn/kinh-nghiem-phat-trien-du-lich-cua-thai-lan-d29000.html.