Thấy gì từ thăm dò, khai thác dầu khí ở một số nước châu Á?

Malaysia

Là nước giàu tài nguyên dầu khí trong khu vực Đông Nam Á với trữ lượng dầu hiện nay khoảng 3,9 tỷ thùng. Sau giai đoạn phát triển nhanh ở thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ XX, sản lượng khai thác dầu mỏ ở nước này chững lại ở mức trung bình khoảng 615.000 – 680.000 thùng/ngày. Đáng chú ý, nền kinh tế Malaysia vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhờ vào khả năng giữ vững lượng dầu xuất khẩu.

Công ty Dầu khí quốc gia của Malaysia là Petroliam Nasional Berhad, gọi tắt là Petronas, được thành lập vào năm 1974, hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Malaysia. Ngoài việc thăm dò và khai thác dầu khí, Petronas cũng tham gia vào các hoạt động khác như lọc dầu; marketing, bán và phân phối dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ; vận chuyển và phân phối khí; hoá lỏng khí; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hoá dầu… đến cuối những năm 1980, triển vọng của ngành dầu khí Malaysia vẫn rất tươi sáng. Tuy nhiên, do phát hiện dầu không theo kịp nhịp độ phát triển của khai thác dầu thô và các nguồn dự trữ dường như giảm dần, Petronas đã đề ra 2 chiến lược: Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong thăm dò dầu khí ở Malaysia; Tăng trữ lượng dầu của đất nước thông qua việc thực hiện thăm dò khai thác ở nước ngoài.

Từ những bước đi vững chắc ấy, hoạt động quốc tế của Petronas đã phát triển mạnh mẽ, đến năm 2012, Petronas đã tham gia vào 22 liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí tại 14 nước trên thế giới, từ các hoạt động thượng nguồn đến hạ nguồn. Sản lượng khai thác ở nước ngoài đạt 118.000 thùng/ngày trong tổng số 1,16 triệu thùng/ngày của cả tập đoàn. Trữ lượng dầu khí ở nước ngoài là 3,3 tỷ thùng, chiếm 19% tổng trữ lượng của tập đoàn. Doanh thu từ các hoạt động quốc tế là khoảng 6 tỷ USD trong tổng số 19 tỷ USD tổng doanh thu của tập đoàn, và ngay từ năm thứ hai thực hiện chiến lược, Petronas đã đạt được 30% kế hoạch, và sẽ vượt xa kế hoạch vào năm 2005.

Indonesia

Năm 2000, Indonesia không đáp ứng được hạn ngạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, với khí thiên nhiên, Indonesia có thể đáp ứng được nhu cầu khí không ngừng tăng trong khu vực châu Á trong 20 năm tới. Với triển vọng về khí thiên nhiên sáng sủa như vậy, Indonesia nên dành lượng dầu trong nước không dùng hết cho xuất khẩu (tới 50%). Trong khi đó, họ lại thiếu cơ sở hạ tầng, đường ống dẫn dầu để cung ứng, phân phối rộng khắp các nước trên thế giới.

Công ty Dầu khí quốc gia của Indonesia là Pertamina, trước đây là công ty độc quyền trong hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Indonesia. Những năm qua, ngay bản thân Pertamina đã có những bước thay đổi quan trọng để bắt kịp xu thế thế giới. Đó là việc thay đổi ban lãnh đạo mới có kinh nghiệm và năng lực hơn, sa thải hàng nghìn công nhân, cũng như tăng cường tìm kiếm đối tác để phát triển các mỏ dầu khí và nâng cao năng lực chế biến dầu. Ban lãnh đạo Pertamina cũng xác định một cách rõ ràng mục tiêu phấn đấu trở thành công ty dầu khí quốc tế, ít nhất cũng như Công ty Petronas của Malaysia. Chiến lược đầu tư nước ngoài của Pertamina tập trung chủ yếu vào các khu vực có độ rủi ro địa chất thấp, chủ yếu tìm kiếm cơ hội ở các nước châu Á và các nước OPEC.

Thái Lan

Hiện nay, ngành công nghiệp năng lượng Thái Lan đang trong quá trình tái cơ cấu và tư nhân hoá. Trữ lượng dầu khí đã được thẩm định của Thái Lan ở vào khoảng 352 triệu thùng và trong năm 2000, sản lượng khai thác là 171.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, Thái Lan phải dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng tới 75% nhu cầu trong nước. Công ty dầu khí quốc gia Thái Lan PTT sở hữu 61% cổ phần công ty thành viên hoạt động chính trong lĩnh vực thăm dò khai thác là PTTEP, một công ty đã có cổ phiếu niêm yết. Điều này có ý nghĩa khá quan trọng đối với các cổ đông thiểu số bởi PTTEP đã hoạt động như một công ty thương mại. PTT có dự định giảm cổ phần của mình xuống 51%, và hiện tại bản thân PTT cũng đang trên lộ trình tư nhân hoá từ đầu năm 2002.

Khởi nguồn, PTTEP có chức năng như một công ty quốc gia truyền thống và tổ chức hoạt động thông qua các hợp đồng chia sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay trong bước chuyển mình thành một công ty tầm cỡ khu vực, PTTEP tham gia vào một số liên doanh tại Myanmar, Malaysia và Việt Nam. Những bước đi chiến lược cơ bản của công ty (cũng gần tương tự như Petronas của Malaysia nhưng trong thời gian dài hơn) như sau:

(i) Thông qua việc tham gia vào các hợp đồng chia sản phẩm, PTTEP có thể có được một vị trí nhất định trong các phát hiện dầu khí. Đồng thời, công ty cũng dần học hỏi được kinh nghiệm từ các nhà điều hành trong lĩnh vực thượng nguồn. PTTEP đã từng có quyền tham gia 25% cổ phần trong các dự án khi các dự án đã có thể tiến hành khai thác thương mại. Từ tháng 01/1995 quyền này đã bị bãi bỏ.

(ii) PTTEP đã hoạt động như một doanh nghiệp thương mại.

(iii) Công ty có một tiềm lực tài chính vững chắc bởi vì có được nguồn thu lớn từ hoạt động khai thác dầu khí. Trong quý I/2001, lợi nhuận công ty là 58,6 triệu USD trong tổng doanh thu 162,5 triệu USD.

(iv) Trong khi củng cố kinh nghiệm và tiềm lực, PTTEP đã chiếm lĩnh vị trí số 1 trong việc cung cấp khí tại Bangkok.

(v) Ngay khi đã thương mại hoá, có kinh nghiệm và vốn, PTTEP bắt đầu hoạt động vươn ra ngoài lãnh thổ Thái Lan. Tuy nhiên, động thái này không nhằm vào việc biến mình thành một công ty toàn cầu mà công ty chú trọng vào các nước trong khu vực như Myanmar, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

(vi) PTTEP tham gia hội nhập quốc tế thông qua nhiều phương thức bao gồm: tham gia đấu thầu, nhận hợp đồng nhượng lại, mua cổ phần trong các giếng đang khai thác…

Bài học cho Việt Nam

Để chuẩn bị cho việc tăng cường hoạt động thăm dò khai thác ở nước ngoài, PetroVietnam nên học hỏi từ thành công của Petronas bài viết đề xuất một số kinh nghiệm cho Việt Nam:

Một là, chiến lược “kép”: Bên cạnh việc chú trọng mở rộng thị trường quốc tế, Petronas không ngừng thị trường trong nước cũng là một yếu tố thành công trong chiến lược của mình.

Hai là, nền tảng tài chính vững chắc: Nền tảng của hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia là rất lớn và đem về một khoản doanh thu khổng lồ (13,3 tỷ USD trong năm 2010 bao gồm cả việc lọc và bán dầu, ngoại trừ các hoạt động sản xuất ở nước ngoài).

Ba là, đầu tư có trọng điểm: Vấn đề của Malaysia là trữ lượng dầu giảm, nên chiến luợc đầu tư ra nước ngoài của nước này là đầu tư vào dầu mỏ. Bằng cách áp dụng việc góp cổ phần (cao nhất là 15%) có chọn lọc vào các mỏ ngay tại Malaysia, các công ty thành viên của Petronas đã học hỏi được nhiều từ các đối tác quốc tế, cũng như đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động và học được cách điều hành kinh tế hiệu quả.

Bốn là, đầu tư hỗn hợp: Petronas đã kết hợp các phương thức đầu tư như thăm dò, khai thác, liên doanh và mua cổ phần ở các công ty dầu khí khác. Ngoài ra, nếu muốn tiếp bước Petronas, Petro Vietnam cần phải có một nguồn vốn lớn, cũng như là phải tiếp tục hoàn thiện quá trình thương mại hoá từ cơ cấu tổ chức, hoạt động, cho đến quản lý điều hành để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã, đang và sẽ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nói riêng và đối với sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam nói chung.

Nếu từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ chú trọng vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào, thì nay chúng ta đã bắt đầu mong muốn và thực hiện hoạt động đầu tư tại các nước khác trên thế giới. Đó là một bước chuyển mình cơ bản đánh dấu bước phát triển mới của nền kinh tế đất nước không chỉ ở chất mà còn ở lượng, không chỉ ở nguồn vốn mà còn ở năng lực khai thác và quản lý nguồn vốn ấy. Riêng với PetroVietnam, hoạt động đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài không những đảm bảo được Chiến lược phát triển ngành Dầu khí tới năm 2020 mà còn là nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, để cân đối cung cầu năng lượng trong nước. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cho PetroVietnam.

Bài học từ thăm dò, khai thác dầu khí ở các nước châu Á

NCS.TRỊNH VĂN PHONG, ThS. NGỤ THỊ HỒNG HẠNH

(Tài chính) ''Phát triển công nghiệp dầu khí trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn'' đã và đang là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Trên cơ sở khảo nghiệm kinh nghiệm quốc tế, bài viết nêu ra một số bài học cho công tác thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam.

Xem thêm

Video nổi bật