Đóng góp cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đa số trong cộng đồng DN. Tuy nhiên, loại hình DN này đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, đóng thuế cho ngân sách nhà nước (NSNN)…
Thống kê cho thấy, hàng năm DNNVV đã tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; Sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho nền kinh tế… Đồng thời, số tiền thuế và phí hàng năm mà các DNNVV đã nộp cho NSNN cũng không hề nhỏ và tăng dần theo từng năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cộng đồng DNNVV đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 là thành lập mới 350.000 DN và phấn đấu đến hết năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 DN hoạt động.
Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; Đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu NSNN; tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011 - 2015…
Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN, như: Chính sách trợ giúp tài chính; Chính sách mặt bằng sản xuất; Chính sách đổi mới nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật; Chính sách xúc tiến mở rộng thị trường; Chính sách tham gia các hoạt động mua sắm và cung ứng dịch vụ công; Chính sách về thông tin và tư vấn; Chính sách trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; Chính sách vườn ươm DN; Chính sách giảm thuế... Những chính sách này đã giúp các DNNVV từng bước vượt qua khó khăn, nâng sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 là thành lập mới 350.000 doanh nghiệp và phấn đấu đến hết năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp. Trong đó, đóng góp của khu vực này chiếm 40% GDP; 30% tổng thu NSNN; tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011 - 2015.
Thực tế tại địa phương và kiến nghị đặt ra
Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương và tại Nghệ An cho thấy, trong những năm qua, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động trong các DNNVV vẫn còn nhiều bất cập.
Theo số liệu thống kê, có tới 55,63% số chủ DN có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật và việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm chất lượng công việc trong khu vực DNNVV.
Thống kê cũng cho thấy, hiện nay, số lượng DN trên địa bàn TP. Vinh (Nghệ An) là khoảng 4.700, trong đó DNNVV chiếm đến 4.653 DN với tỷ lệ 98%. Lĩnh vực hoạt động của các DNNVV đa dạng và phong phú, trải dài ở hầu khắp các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến các dịch vụ thuần túy. Nguồn lao động tại các DNNVV có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc ngày càng nâng cao.
Bên cạnh đó, các DNNVV đã quan tâm và coi trọng việc đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn làm việc bằng cách tham gia các khóa học chính thức như học cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh, hoặc các chương trình cấp bằng tại các trường đại học, cao đẳng tại thành phố. Các DN đã dựa trên nhiều cơ sở để xác định nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Hầu hết các DNNVV đã sử dụng hình thức đánh giá người lao động thông qua quá trình so sánh kết quả công việc của người lao động với kế hoạch đạt ra. Từ đó, hỗ trợ giúp nhà quản trị xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực cho DN.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, chất lượng nguồn nhân lực của các DNNVV trên địa bàn TP. Vinh còn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng vận dụng vào thực tiễn. Hầu hết các DNNVV chỉ mới thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động, chưa chú ý tới công tác phát triển nguồn nhân lực. Thậm chí, có DN còn khẳng định là họ chưa áp dụng một chương trình đào tạo ngoài DN nào, kể từ khi thành lập cho đến nay. Các DNNVV thực sự chưa vạch ra mục tiêu đào tạo và phát triển nhân lực một cách đúng đắn, phù hợp do hạn chế về tài chính.
Đến nay, hệ thống DNNVV tại TP. Vinh chiếm trên 95% trong tổng số các DN, đóng góp phần lớn vào nguồn thu NSNN và thu hẹp tỷ lệ thất nghiệp. Trước vai trò không nhỏ của DNNVV đòi hỏi Nhà nước và TP. Vinh cần có những chính sách để khuyến khích sự phát triển của DNNVV theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của Thành phố đến 2020. Trước thực tế đó, cần đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực đối với DNNVV, cụ thể:
Một là, về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Cần tiếp tục và hoàn thiện các chính sách, chương trình trợ giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV. Nhà nước cần hỗ trợ cho các DNNVV như vốn ưu đãi với lãi suất thấp, kinh phí cho DNNVV về công tác đào tạo và phát triển nguồn. Chẳng hạn, cần nghiên cứu để tăng kinh phí tổ chức các khóa đào tạo như đề án 1956 của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về trợ giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại DNNVV. Tổng cục Dạy nghề cũng cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện một số loại tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế cho các trường nghề. Đồng thời, các trường đào tạo nghề cần đổi mới chương trình đào tạo một cách mềm dẻo, phù hợp với sự thay đổi của thực tế kinh tế xã hội, công nghệ...
Hai là, về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo: Cần tổ chức các khóa học đáp ứng nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của DNNVV. Theo đó, trên cơ sở khảo sát nhu cầu đào tạo của DN, các tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo mới xây dựng, thiết kế được chương trình đào tạo phù hợp. Mặt khác, các tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo cũng phải thiết kế chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực mang tính thực hành cao, phù hợp với trình độ còn hạn chế của người lao động trong DNNVV. Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo tại TP. Vinh như VCCI, Hiệp hội hỗ trợ DNNVV tỉnh Nghệ An… cần phối hợp với DN để tư vấn các kỹ năng, cung ứng các khóa đào tạo, phát triển tư duy, nhận thức cho chủ DN, người quản lý trong các DNNVV. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo, thông qua việc nâng chất lượng giáo viên, chất lượng bài giảng, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất.
Ba là, về phía các DNNVV. Chủ DN, nhà quản lý cần phải nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn hay kỹ năng quản lý để có tầm nhìn về nhân sự như thu hút và duy trì đội ngũ lao động lành nghề một cách hiệu quả. Chủ DN, nhà quản lý cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi họ tham gia học tập; Hỗ trợ kinh phí, thời gian, bố trí người làm thay để bản thân người lao động toàn tâm, toàn ý cho quá trình học tập.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2008), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;
2. Ngô Thị Cúc (1998), Quản lý DN trong cơ chế thị trường, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội;
3. Nguyễn Thị Phương Dung, “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của DNNN nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn hiện nay”, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2009.
Bài toán phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Tài chính) Những năm qua, các địa phương trên cả nước đã có nhiều chính sách để thu hút và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế không ít cơ chế chính sách ban hành vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh.
Xem thêm