Bàn giao hơn 2.500ha đất thi công sân bay Long Thành


Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đơn vị này đã nhận bàn giao đủ 2.532ha đất từ tỉnh Đồng Nai để xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: ST
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: ST

Như vậy, ACV đã nhận bàn giao 100% mặt bằng sạch để thi công, bao gồm: 1.810ha thuộc khu vực xây dựng dự án và 722ha thuộc khu vực dự trữ đất.

Về tương quan, tổng diện tích này rộng hơn 1,68 lần so với Changi (Singapore) - sân bay tốt nhất châu Á và tương đương Đại Hưng Bắc Kinh (Trung Quốc) - sân bay bận rộn nhất châu Á. Mặc dù vậy, hiện trạng giải phóng mặt bằng (GPMB) đang khá gian nan đối với 2 tuyến giao thông kết nối vào Dự án.

Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã bàn giao 60,28ha trên tổng số 66,45ha, đạt tỷ lệ 90,72% đối với tuyến số 1. Đối với tuyến số 2, ACV mới chỉ nhận bàn giao 20,50ha trên tổng số 59,68ha, đạt tỷ lệ 34,35%.

Do tuyến số 1 và tuyến số 2 là đường vào chính của Dự án, nên ACV đề nghị địa phương đẩy nhanh việc GPMB và bàn giao đối với phần diện tích còn lại, tránh tình trạng “xôi đỗ”, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

"Tổng kinh phí GPMB khoảng 1.600 tỷ đồng. Hiện nay, ACV đã chuẩn bị sẵn và chuyển ngay cho địa phương khi có quyết định chi trả do Ủy ban nhân dân huyện Long Thành phê duyệt cho từng đợt" - đại diện ACV cho biết.

Dự án Cảng HKQT Long Thành triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, gồm: 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm.

Tại buổi kiểm tra công trường xây dựng Dự án sân bay Long Thành ngày 16/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn nhận: Sân bay Long Thành là Dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm. Thực tế, chưa có công trình nào ở Việt Nam sánh được với sân bay Long Thành về kỹ thuật, quy mô, tổng mức đầu tư. Vì vậy, Dự án về đích sẽ chứng minh được năng lực của các nhà thầu Việt Nam để tương lai có thể tiếp cận thêm nhiều dự án lớn.

Do đó, các nhà thầu cần tăng tốc, đảm bảo tiến độ các hạng mục để đưa Dự án về đích đúng hẹn. “Đây là một công trình có tính lịch sử đối với ngành giao thông. Ai làm tốt phải được khen thưởng, động viên, ai làm sai sẽ bị xử phạt, kỷ luật. Nhà thầu nào yếu kém sẽ cho rời khỏi công trình" - Phó thủ tướng nhấn mạnh./.

Dự án Cảng HKQT Long Thành được chia thành 4 thành phần. Dự án thành phần 1: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được giao cho hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế... bố trí nguồn vốn thực hiện. Dự án thành phần 2: Các công trình phục vụ quản lý bay, giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, giao thông kết nối do ACV đầu tư. Dự án thành phần 4 gồm các công trình khác như: Khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện, cung cấp suất ăn... do Bộ Bộ Giao thông vận tải lựa chọn chủ đầu tư.

Theo Báo Kiểm toán